10/07/2025
VATM tổ chức Hội thảo khởi động về FF-ICE: Kiến tạo tương lai bầu trời Việt Nam
Ngày 08/07/2025, Hội thảo chuyên môn về Thông tin chuyến bay và luồng không lưu cho môi trường hợp tác (Flight and Flow Information for a Collaborative Environment - FF-ICE) đã được tổ chức tại trụ sở Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Với chủ đề "Cùng nhau kiến tạo tương lai bầu trời Việt Nam: Hợp tác - Hiện đại hóa - Hiệu quả", Hội thảo được tổ chức nhằm khởi động các hoạt động liên quan đến FF-ICE, kiến tạo một diễn đàn để các bên liên quan cùng nhau nắm bắt thông tin, chia sẻ các nội dung chuyên môn liên quan.
Sự kiện quy tụ đông đảo các lãnh đạo, cán bộ, khách mời đến từ Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, các Hãng hàng không (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet và Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt).
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm tham dự của Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và các cơ quan, đơn vị. Ngoài thành phần Ban chỉ đạo triển khai SWIM, FF-ICE và TBO của VATM, các Nhóm nghiên cứu, áp dụng FF-ICE, SWIM của VATM, Hội thảo còn có sự tham dự trực tiếp của hơn 50 nhân sự là các cán bộ quản lý, kiểm soát viên không lưu, nhân sự khai thác, kỹ thuật có chuyên môn và kinh nghiệm, nhân sự tham mưu chuyên môn của các cơ quan, đơn vị trong toàn Tổng công ty. Một số nhân sự khác trong và ngoài VATM cũng tham gia Hội thảo trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Sỹ Tùng - Phó Tổng giám đốc VATM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số để đáp ứng hạn cuối năm 2034 của ICAO về việc chấm dứt kế hoạch bay theo mẫu FPL 2012 (Sunset of FPL 2012) trên phạm vi toàn cầu. Ông khẳng định, để thực hiện được mục tiêu này, không chỉ VATM, tất cả các bên liên quan trong ngành hàng không Việt Nam cần có sự đồng hành, chung tay kịp thời, theo một lộ trình chung hài hòa và thống nhất.
Tại sự kiện, Nhóm nghiên cứu, áp dụng FF-ICE của VATM đã giới thiệu tổng quan về FF-ICE - từ các khái niệm cơ bản: eFPL, FIXM, SWIM, TBO, v.v đến nền tảng công nghệ cần thiết để triển khai thực hiện.

Trao đổi bên lề hội thảo, đại diện của các Hãng hàng không đều thể hiện kỳ vọng hàng không Việt Nam - với sự tiên phong của VATM khi tham gia Dự án tiên phong TBO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC TBO Pathfinder Project) - sẽ kịp thời triển khai FF-ICE, hài hòa với lộ trình khu vực, để các bên liên quan đều được hưởng các lợi ích rất thiết thực.
Tuy nhiên, cùng với lợi ích thu được là hàng loạt các nhiệm vụ, công việc cần toàn ngành hàng không Việt Nam phối hợp thực hiện đồng thời liên quan đến: chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, công nghệ và hạ tầng, quy trình khai thác, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu tổ chức và hợp tác quốc tế.

Phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi và hiệu quả. Ông Đinh Đăng Định - Giám đốc Trung tâm Điều hành sân bay Nội Bài - đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm triển khai A-CDM tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, từ việc thuê tư vấn quốc tế ban đầu để đánh giá khách quan về thực trạng đến kinh nghiệm đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống cốt lõi và chỉ tự phát triển các phần mềm phụ trợ, phù hợp với trình độ kỹ thuật và chiến lược của đơn vị. Những chia sẻ cởi mở và thẳng thắn này rất hữu ích cho VATM trong việc triển khai, áp dụng FF-ICE.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Hoàng Mạnh Tấn - thành viên Hội đồng thành viên của VATM bày tỏ kỳ vọng hội thảo chuyên môn của VATM mang tính khởi động này sẽ thúc đẩy sự chia sẻ, hợp tác trong toàn ngành để các bên liên quan cùng nhau kiến tạo tương lai bầu trời Việt Nam: Hợp tác - Hiện đại hóa - Hiệu quả.
Hội thảo FF-ICE lần đầu tiên được tổ chức đã tạo tiền đề để VATM, cùng các bên liên quan, từng bước dịch chuyển từ trao đổi thông tin tĩnh sang một hệ sinh thái dữ liệu bay dùng chung - nơi thông tin chuyến bay và luồng không lưu được cập nhật theo thời gian thực; quỹ đạo bay được đàm phán và tối ưu hóa, giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm chậm trễ và nâng cao năng lực khai thác, sử dụng vùng trời.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:





Ban Kỹ thuật