31/12/2024
Điều hành theo phương thức mới - Khai thác dịch vụ giám sát không lưu tại các Đài KSKL Vinh và Cát Bi
Dịch vụ giám sát không lưu đã được Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) triển khai áp dụng tại 2 vùng thông báo bay của Việt Nam và 04 khu vực sân bay quốc tế là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, nhưng chưa áp dụng tại các sân bay nội địa. Hiện nay tại khu vực miền Bắc, sân bay Vinh và sân bay Cát Bi có mật độ hoạt động bay đã khá cao, trung bình 45-60 lần chuyến/ngày, riêng dịp cao điểm Tết 2020 đã đạt trên 70 lần chuyến/ngày (tại Cát Bi) và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới. Vì vậy việc triển khai áp dụng phương thức điều hành bay sử dụng giám sát (ra đa/ADS-B), thay thế phương pháp điều hành bay cổ điển của VATM là một chủ trương kịp thời, phù hợp, chủ động đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động bay trong khu vực miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Triển khai áp dụng phương thức cung cấp dịch vụ giám sát không lưu tại Đài KSKL Cát Bi ngày 27/02/2020
Theo nguyên lý hoạt động của hệ thống giám sát, tàu bay sẽ xác định vị trí của mình thông qua hệ thống định vị toàn cầu (GNSS), sau đó tàu bay sẽ phát quảng bá thông tin định vị và các dữ liệu chuyến bay khác tới các tàu bay khác và các trạm thu mặt đất được trang bị ADS-B. Các thông tin, dữ liệu chuyến bay (số hiệu chuyến bay, vị trí, độ cao, tốc độ…) hiển thị trên màn hình đầu cuối giám sát tại vị trí của Kiểm soát viên không lưu sẽ được nhận từ các trạm ADS-B này.
Vì vậy, với phương thức này Kiểm soát viên không lưu có thể giám sát các mạch bay, quỹ đạo bay, được áp dụng phân cách giữa các tàu bay là 5NM thay vì 5-10 phút như hiện nay. Việc chủ động thiết lập phân cách trên sẽ giúp thúc đẩy nền không lưu, rút ngắn mạch bay, giảm thiểu tình trạng chờ đợi của tàu bay trên không và dưới mặt đất, mang lại nhiều lợi ích cho các hãng hàng không và hành khách trên chuyến bay.
Cùng với việc đưa vào áp dụng phân cách 5NM, Công ty Quản lý bay miền Bắc (QLBMB) cũng triển khai hệ thống cảnh báo xung đột (STCA-cảnh báo xung đột ngắn hạn, MSAW-cảnh báo vi phạm độ cao an toàn tối thiểu, DAIW-cảnh báo vi phạm vùng cấm, vùng hạn chế, vùng nguy hiểm…) giúp KSVKL ngăn ngừa từ xa các xung đột/vi phạm nếu có, tăng cường an toàn, giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều hành bay của KSVKL.
Triển khai áp dụng phương thức cung cấp dịch vụ giám sát không lưu tại Đài KSKL Vinh ngày 27/02/2020
Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương thức khai thác dịch vụ giám sát không lưu tại khu vực sân bay Vinh, Cát Bi một cách thống nhất, đồng bộ, chất lượng và đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, điều hòa, hiệu quả cho các hoạt động bay, Công ty Quản lý bay miền Bắc đã thực hiện hàng loạt công việc liên quan như huấn luyện chuyển loại sang kiểm soát tiếp cận sử dụng giám sát cho Kiểm soát viên không lưu, triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu TWR Vinh, TWR Cát Bi, kết nối đầy đủ các nguồn giám sát ADS-B vào hệ thống ATM, triển khai đường truyền, thiết bị đầu cuối, huấn luyện nhân viên kỹ thuật, tu chỉnh tài liệu hướng dẫn khai thác cơ sở, ký kết lại các văn bản hiệp đồng điều hành bay liên quan, thực hiện công tác đánh giá an toàn, lập hồ sơ xin cấp lại giấy phép khai thác cơ sở, giấy phép thiết bị…
Sau khi kiểm tra, đánh giá thực tế công tác chuẩn bị tại Đài KSKL Vinh và Đài KSKL Cát Bi, ngày 25/2/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức cấp Giấy phép khai thác cơ sở cung cấp Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho phép Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chính thức triển khai áp dụng phương thức cung cấp dịch vụ giám sát không lưu tại khu vực sân bay Vinh, Cát Bi từ ngày 27/2/2020. Để tăng cường giám sát, hỗ trợ công tác chuyển đổi, Công ty Quản lý bay miền Bắc đã bố trí tăng cường 02 huấn luyện viên không lưu là ông Nguyễn Việt Phương- Phó trưởng Trung tâm KS Đường dài Hà Nội và ông Trần Xuân Lộc- Phó trưởng Trung tâm KS TC-TS Nội Bài trong thời gian trước, trong và sau chuyển đổi tại Đài KSKL Cát Bi và Vinh.
Sau khu vực sân bay Vinh, Cát Bi, Công ty Quản lý bay miền Bắc sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi áp dụng phương thức khai thác dịch vụ giám sát không lưu tại khu vực các sân bay Thọ Xuân, Đồng Hới, Vân Đồn vào ngày 21/5/2020. Như vậy, cùng với lộ trình thực hiện kế hoạch dẫn đường theo tính năng PBN đến năm 2025 tại các sân bay trong vùng thông báo bay Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, Công ty QLBMB đang tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành bay, tăng cường an toàn, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển hàng không quốc tế của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Phòng Không lưu