13/11/2024
Đôi điều suy nghĩ về ngành Hàng không, Quản lý bay sau đại dịch Covid - 19
Tôi đã thật may mắn được sinh trong gia đình có bố mẹ công tác trong ngành Hàng không và bản thân khi trưởng thành được công tác trong Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Giờ đây, sau 45 năm sinh sống và 22 năm làm việc tại Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (TCT), trận dịch COVID-19 này có lẽ là biến động lớn nhất đối với ngành hàng không dân dụng và ngành Quản lý bay mà tôi chứng kiến. Liên tiếp trong những năm tăng trưởng luôn lớn hơn 10% từ 600.000, 700.000, 800.000 và đỉnh cao là 900.000 chuyến vào năm 2019. Kỷ lục được ghi nhận vào ngày 22/01/2020 (tức ngày 28/Chạp/Kỷ Hợi) TCT Quản lý bay Việt Nam thực hiện điều hành 998 lượt chuyến (tương đương 1,5 phút cho 1 lượt cất/hạ cánh tại Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất). Nhưng, sau kỷ lục đó chưa đầy 3 tháng, sản lượng điều hành bay đã bị đẩy lùi về thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước. Thống kê lại như vậy để chúng ta cùng nhìn rõ tác hại của dịch bệnh COVID-19. Vậy, sau dịch bệnh chúng ta sẽ còn lại gì?
Để đạt được những đỉnh cao mới, những kỷ lục mới đó từ những năm 90 (199x) với tầm nhìn chiến lược TCT đã thực hiện đầu tư một loạt trạm Radar/Viba/VISAT/DVOR-DME trên dọc dải đất hình chữ S này với phương châm của Nguyên Tổng Giám đốc Trần Xuân Mùi “Quản lý bay là ngành kinh kế kỹ thuật”.
Bước tiếp sang những năm 2000 (200x) với việc đầu tư thành công 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài ATCC tại 2 đầu đất nước có tính chất quản lý và hỗ trợ cho nhau khi cần thiết. TCT Quản lý bay Việt Nam đã thực hiện phương châm của Nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Hiển, chuyển đổi đầy đủ từ “nói - nghe” thành “nói – nghe - giám sát và giải trợ”. Chính từ thời điểm này sản lượng điều hành bay bùng nổ, các hãng hàng không mới liên tiếp được thành lập, các cảng hàng không được nâng cấp, mạng lưới đường bay được mở rộng. Năng lực kỹ thuật và điều hành không lưu đã được đáp ứng, nay cần bổ sung việc hoạch định chuyên môn và nâng cao yếu tố con người.
Trong chưa đầy 10 năm gần đây, kinh qua 3 đời Chủ tịch Hội Đồng thành viên, Tổng Giám đốc nhưng đường hướng thông suốt của cả quãng thời gian vừa qua mà tôi cảm nhận thấy đó là “chất lượng điều hành bay luôn được coi trọng thông qua việc phân chia FIRs thành nhiều Sectors, đẩy mạch công tác thiết kế lại đường bay, xây dựng lại một loạt phương thức bay tại các Cảng hàng không nhằm quản trị tốt vùng trời, nâng cao chất lượng người lao động trực tiếp thông qua công tác huấn luyện, đào tạo”. Để đúc kết nó thành câu gắn gọn thì có thể coi đó là “yếu tố con người - human facter”. Vậy sau gần 3 thập kỷ (20/4/1993-2020), những bước tiếp theo của ngành Quản lý bay sẽ là gì? Càng đặc biệt hơn khi câu hỏi đó được đặt ra trong bối cảnh sản lượng điều hành bay đang sụt giảm một cách thê thảm. Việc này được thấy rõ trong Quyết định số 1466/QĐ-QLB ngày 26/3/2020 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, tại đây xác định được 5 cấp độ (Xanh, Vàng, Cam, Đỏ và Tím) ứng phó theo các cấp độ phù hợp với các tài liệu khuyến cáo của các tổ chức hàng không thế giới như ICAO, IATA, CANSO khi có người lao động của TCT bị nhiễm, nghi nhiễm bệnh. Mặc dù cho sản lượng điều hành bay về hành khách có giảm nhưng vận tải hàng hóa thiết yếu bằng đường hàng không vẫn cần được duy trì. Do vậy, dịch vụ Quản lý bay luôn cần được cung cấp đầy đủ và an toàn 24/24 trên toàn không phận của Việt Nam và TCT Quản lý bay Việt Nam đã xây dựng được kế hoạch chủ động ứng phó với tình huống này.
Sau khi Thủ Tướng Chính phủ ra chỉ thị số 16/CT-TTg vào chiều ngày 31/3/2020 thì ngay lập tức TCT Quản lý bay Việt Nam có Quyết định số 1581/QLB cũng vào chiều ngày 31/3/2020 để giảm số lượng người lao động khối gián tiếp, duy trì, thực hiện chế độ làm việc cách ly tại cơ sở hoạt động bay nhằm bảo vệ người lao động thuộc khối trực tiếp trước dịch bệnh đồng thời đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ Quản lý bay trên toàn không phận thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Dù thời gian rất gấp, nhưng TCT Quản lý bay Việt Nam đã kích hoạt phương án ứng phó Cấp độ 3 (mầu Cam) tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC/HAN) từ 00h00 ngày 01/4/2020 theo sát chỉ thị 16 của Thủ Tướng Chính phủ. Ngay sau đó, quyết định kích hoạt phương án ứng phó Cấp độ 3 đối với các cơ sở hoạt động bay tại khu vực miền Nam, miền Trung cũng như các cơ sở khác được thực hiện. Tại đây, những trụ cột chính là Kỹ thuật và Không lưu, hai nguồn lực về con người đặc biệt trong chuỗi cung ứng dịch vụ Quản lý bay thực hiện trực hoán đổi liên tục đến hết ngày 15/4/2020.
Giờ này, việc trực cách ly Cấp độ 3 đã được giảm cấp. Tuy nhiên, tổng kết lại ta thấy trong gần 30 năm qua TCT đã thực hiện việc đầu tư công nghệ và xây dựng đội ngũ người lao động thích ứng rất tốt với sự phát triển của thời đại. Thực hiện ngay tức thời theo kịp Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ những giờ đầu tiên là một thành công lớn trong dây chuyền ra quyết định cũng như đội ngũ người lao động trực tiếp tại các cơ sở điều hành bay. Cũng thông qua đợt trực cách ly này người lao động cũng đã nhận thức rõ mức độ ưu tiên hàng đầu nhằm cung cấp dịch vụ đầy đủ 24/24 cho toàn vùng thông báo bay mà TCT được ủy quyền quản lý.
Trong bối cảnh cả thế giới đang chuyển đổi từ việc quản lý thông thường qua các nền tảng số (Digital platform), quản trị thông minh với sự trợ giúp từ hệ thống máy tính (AI-Artificial Intelligence), phân tích dữ liệu lớn (Big data) v.v... thì ngành hàng không của Việt Nam cũng như ngành Quản lý bay không nằm ngoài xu thế hội nhập quốc tế đó. Việc chuyển đổi này gắn liền với công việc đầu tư công nghệ hiện đại đi liền với việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động trực tiếp trong dây chuyền cung cấp dịch vụ quản lý bay. Như vậy chúng ta càng thấy rõ hai trụ cột chính trong công cuộc chuyển đổi từ dạng thông thường sang nền tảng số bao gồm: Đầu tư công nghệ đúng đắn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện tại là khối Không lưu và Kỹ thuật. Nó cũng được ví như một đôi bạn cùng vững bước tiến về phía trước.
Đại dịch rồi cũng qua đi và xu hướng phát triển ngành hàng không là tất yếu. Việc Đảng và Nhà nước ta đang xúc tiến đầu tư lớn vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phát huy lợi thế về địa lý chuyển đổi nó thành một Hub-Air/Hub-Cargo của khu vực. Trong công tác chuyển đổi phương thức quản lý từ thông thường sang nền tảng số thì Trung tâm Thông báo tin tức hàng không được coi là trụ cột chính thông qua việc thực hiện chuyển đổi từ cung cấp Dịch vụ thông báo tin tức hàng không (AIS - Aeronautical Information Services) sang Quản lý tin tức hàng không (AIM - Aeronautical Information Management) với các hệ thống kỹ thuật bao gồm Quản lý tin tức hàng không (AIM); Thiết kế phương thức bay (IFPD - Instrument Flight Procedures Design); Thiết lập cơ sở vẽ bản đồ sân bay (AMDB - Aerodrome Mapping Data Base) dựa trên Cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử hàng không (eTOD); Trao đổi bộ Cơ sở dữ liệu tĩnh toàn cầu và các ấn phẩm AIP/MAP dạng số. Thông qua đó các hệ thống khác như ATM, các Nhà khai thác Cảng, các Nhà vận hành tầu bay đều có thể sử dụng nhằm đồng nhất dịch vụ, nâng cao chất lượng đồng thời giảm kinh phí vận hành trên toàn hệ thống quản lý.
Chuyển đổi từ phương thức quản lý hiện tại sang nền tảng số là bước đi tiếp theo tất yếu
Nhìn lại khái quát lịch sử phát triển của TCT và đợt dịch bệnh vừa qua ta càng thấy được rằng việc hoạch định chiến lược cho việc phát triển TCT đều đã đồng nhất với các quyết định từ Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Xây dựng được một lớp cán bộ quản lý trẻ được rèn luyện với công tác ra quyết định tức thời nhằm bảo vệ nguồn nhân lực cốt lõi của TCT trước thảm họa. Qua đó, bảo đảm việc cung cấp dịch vụ Quản lý bay trên toàn bộ không phận Việt Nam.
Cũng kinh qua đợt dịch bệnh này ta thấy được sự thích ứng của các nhân viên Kỹ thuật và Không lưu, họ luôn sẵn sàng hy sinh thời gian của từng cá nhân để trực chốt tại các cơ sở có hoạt động điều hành bay nhằm cung cấp dịch vụ Quản lý bay 24/24. Đồng thời tất cả người lao động trong toàn TCT cũng đã thắt lưng buộc bụng cùng TCT khi nguồn thu nhập chính bị cắt giảm đáng kể. Họ luôn đồng hành cùng TCT và hướng tới một ngày mai tương lai tươi sáng hơn. Đây cũng là cái được lớn nhất sau đại dịch COVID-19 vì nguồn lực về con người luôn là nguồn lực quan trọng nhất trong sự phát triển Trung tâm cũng như Tổng công ty.
Lê Đức Thuận