01/11/2024
Ghi hình làm phóng sự về ngành Hàng không tại Bảo tàng
- Ảnh: Hướng dẫn viên bảo tàng đang thuyết minh trong buổi ghi hình -
Tham gia buổi ghi hình còn có bảy cán bộ lão thành đã từng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Ngành.
Trong quá trình ghi hình tại đây, đoàn làm phim đã nhận được sự phối hợp tích cực của các bậc lão thành và thuyết minh viên bảo tàng. Sau cảnh quay phần trưng bày bảo tàng, đoàn làm phim đã phỏng vấn các đồng chí cựu chiến binh.
Ông Trần Liêm Khê, nguyên phi công Trung đoàn 919 chia sẻ: “Tôi trúng tuyển vào ngành Hàng không năm 1955. Năm 1956, tôi cùng đoàn học viên sang Trung Quốc học láy máy bay, khi về nước được điều về Trung đoàn 919 lái Li-2. Năm 1974, tôi học chuyển loại IL-18 rồi tiếp tục tham gia nhiều chuyến bay phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phục vụ cách mạng. Tôi rất tự hào vì mình đã góp một phần nhỏ cho ngành Hàng không trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…”.
Đoàn làm phim đang phỏng vấn đồng chí Trần Liêm Khê, nguyên phi công Trung đoàn Không quân vận tải 919
Ông Loan Thế Linh, nguyên thợ máy Trung đoàn 919 vô cùng xúc động khi bắt gặp hình ảnh của mình thời trai trẻ đang được trưng bày trân trọng tại bảo tàng. Ông kể lại câu chuyện bằng chất giọng miền Trung hào sảng và thân thiện: “Đây là ảnh chụp kỷ niệm đội bay Cẩn - Tiêu - Tâm - Linh sau trận đánh tàu biệt kích hồi 23 giờ ngày 7 tháng 3 năm 1966. Hôm đó, được tin tàu địch hoạt động ở vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, Sở Chỉ huy lệnh cho 2 chiếc AN-2 số 670 và 671 xuất kích. Đại đội trưởng Phan Như Cẩn và Đào Hữu Ngoan là lái chính của hai tổ bay. Sau khi rời khỏi sân bay Gia Lâm, được Sở chỉ huy Không quân và radar Hải quân dẫn đường, hai máy bay nối đuôi nhau bay ở độ cao 100m trên mặt biển. Trời sáng trăng giúp chúng tôi nhìn rõ 2 tàu biệt kích đang tăng tốc độ chạy vào hướng đất liền. Chúng hoàn toàn bị bất ngờ khi máy bay ta xuất hiện. Được máy bay 671 yểm hộ, tổ bay Phan Như Cẩn nhanh chóng chọn góc công kích có lợi, bổ nhào, phóng rốc két. Đến lần công kích thứ hai, tàu địch trúng đạn bốc cháy. Trong ánh lửa soi sáng một vùng biển, chúng tôi thấy rõ chiếc tàu biệt kích địch chìm dần. Chiếc thứ hai hốt hoảng bỏ chạy sau khi bắn vu vơ một vài loạt đạn lúc hai máy bay của ta đã vào tới gần bờ…”. Đây là chiến công mở đầu thắng lợi trên mặt trận “Không đối biển” trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Loan Thế Linh, người đã góp phần làm nên chiến thắng “Không đối biển” đầu tiên của KQND Việt Nam
Ông Đinh Văn Niêm cũng từng là phi công Trung đoàn 919 không giấu nổi xúc động: “Tôi cùng nhiều đồng chí khác trong đó có Tiểu đoàn phó Phan Như Cẩn đã tham gia đánh trận địa Rađa Pa thí của không quân Mỹ trên vùng Sầm nưa - Lào. Đúng 11h43’ ngày 12 tháng 1 năm 1968, biên đội T-12 do tiểu đoàn trưởng Phan Như Cẩn chỉ huy được lệnh xuất kích. Bốn chiếc AN-2 nối đuôi nhau bay thấp, luồn lách qua các ngọn núi, tiến thẳng về căn cứ. Bất ngờ, cả biên đội thay nhau vào công kích. Trận đánh đã thực hiện đúng như kế hoạch đề ra. Toàn bộ hệ thống radar, đài chỉ huy, phương tiện kỹ thuật, nhà kho, khu gia binh và hai máy bay lên thẳng bị phá huỷ… Chiến thắng vẻ vang nhưng không tránh khỏi nỗi đau mất mát. Kết thúc trận đánh, tổ bay đồng chí Phan Như Cẩn rút về căn cứ nhưng đã bị quân đội Vàng Pao đón lõng tại Noọng Hép bắn rơi máy bay, cả tổ bay đã anh dũng hi sinh. Vì vậy mà chúng tôi đã kịp đổi phương án hai rút qua sông Mã trở về căn cứ an toàn....”.
Bộ phim phóng sự này sẽ được phát sóng trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam mang tên “Những người mở lối” với nội dung là các câu chuyện về những cựu chiến binh không quân đã đặt nền tảng đầu tiên cho sự ra đời và phát triển của ngành Hàng không Việt Nam. Phim được phát sóng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh bảo tàng Hàng không nói riêng và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam nói chung đến gần hơn với đông đảo khán giả. Đây cũng là nhân tố làm mới bảo tàng, góp phần thu hút công chúng biết và đến với bảo tàng, tìm hiểu, khai thác lịch sử ngành Hàng không Việt Nam.