13/09/2024
Hiện tượng thời tiết mùa đông xuân ảnh hưởng đến hoạt động bay khu vực phía Bắc
Hàng năm, con số thống kê các chuyến bay không hạ cánh được tại khu vực miền Bắc do hiện tượng mưa phùn, mây thấp, sương mù là khá lớn, gây thiệt hại đáng kể cho công tác điều hành hoạt động bay nói riêng và hoạt động hàng không nói chung.
Nhiều chuyến bay phải hủy, hoãn, đổi hướng do ảnh hưởng bởi mưa phùn, mây thấp và sương mù
Tại sân bay Nội Bài trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tập trung nhiều nhất trong ba tháng 01, 02, 03 hiện tượng mưa phùn và sương mù bình lưu kèm mây thấp xuất hiện là chủ yếu với thời gian xuất hiện các hiện tượng sớm và kéo dài, đặc biệt sương mù thường xuất hiện khoảng thời gian từ 15Z ngày hôm trước đến 03Z ngày hôm sau. Tại sân bay Nội Bài ngày 17/02/2022 và sáng ngày 18/02/2022 tầm nhìn có lúc thấp nhất 600m, trần mây từ 50m - 60m, gió Đông Bắc tốc độ 01 đến 02m/giây do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường (không khí lạnh) tầng thấp kết hợp với nhiễu động trong rãnh gió Tây trên cao ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây mưa phùn và sương mù kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bay.
Do ảnh hưởng của mưa phùn và sương mù nhiều chuyến bay đã không hạ cánh được
tại sân bay Nội Bài ngày 17/02/2022
Tại sân bay Cát Bi các tháng 01, 02, 03 và tháng 4 vào sáng sớm và kéo dài đến khoảng 02Z thường xuyên tồn tại mưa nhỏ, mưa phùn và mây thấp do bình lưu từ biển đưa vào. Vào tháng 3 năm 2014, một đợt mưa nhỏ, mưa phùn, mây thấp kéo dài 24 ngày liên tục, sân bay Cát Bi nhiều ngày đã phải đóng cửa khiến cho 153 chuyến bay phải chuyển chặng bay sang hạ cánh tại sân bay Nội Bài.
Ảnh mây vệ tinh thể hiện thời tiết tại Cát Bi có mưa phùn, sương mù, mây thấp 100ft – 200ft kéo dài
Đối với mùa đông, khu vực sân bay Sân bay Điện Biên thường có sương mù bức xạ vào buổi sáng và tồn tại đến khoảng 03Z. Số chuyến bay bị ảnh hưởng bởi mây thấp, sương mù, độ cao trần mây thấp dưới tiêu chuẩn khai thác tại sân bay Điện Biên chủ yếu xảy ra các tháng 01, 4, 8 và tháng 12. Đặc biệt là năm 2018 với 52 chuyến bay không thực hiện được do thời tiết có mưa phùn, mây thấp và sương mù.
Đối với mùa đông trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, khu vực sân bay Thọ Xuân thường xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn, trần mây thấp vào sáng sớm và kéo dài đến khoảng 02Z. Sương mù tại sân bay Thọ Xuân chủ yếu xuất hiện trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong đó tập trung nhiều nhất trong ba tháng 01, 02, 03, tập trung chủ yếu vào khoảng từ 22Z ngày hôm trước đến 00Z ngày hôm sau. Năm 2014 có số chuyến bay bị ảnh hưởng bởi mây thấp và tầm nhìn kém là 50 chuyến.
Số chuyến bay bị ảnh hưởng bởi sương mù, mây thấp tại sân bay Vinh tập trung chủ yếu xảy ra các tháng 12, 02 và tháng 3 do hoạt động của Cao lục địa tạo một front tĩnh kết hợp với yếu tố địa hình ở khu vực Bắc Trung Bộ sát biển khiến cho hình thành sương mù bình lưu và mưa mù kéo dài gần như cả ngày. Sương mù tại sân bay Vinh xuất hiện tương đối sớm từ 14Z và kết thúc lúc 03Z muộn hơn so với các sân bay khác.
Vào khoảng thời gian từ 16Z và kéo dài đến khoảng 02Z ngày hôm sau các tháng 01, 02, 03, sân bay Đồng Hới thường xuất hiện sương mù, trần mây thấp nguyên nhân chủ yếu là do sương mù bình lưu từ biển đưa vào.
Mưa phùn, mây thấp, sương mù đều là hiện tương khí tượng nguy hiểm làm giảm tầm nhìn ngang, đặc biệt đối với giao thông vận tải đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không. Mây thấp là những mây có độ cao thường là 1km và còn thấp hơn nữa, mây này cho mưa phùn ở miền Bắc, một dạng mưa hạt có kích thước nhỏ, diện mưa lớn và thời gian mưa thường kéo dài. Vào các tháng mùa đông, thời gian ban đêm thường kéo dài hơn ban ngày. Khi thời gian chuyển dần vào ban đêm, nhiệt độ giảm xuống rất nhanh, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn, nên một phần hơi nước gần bề mặt sẽ ngưng kết lại, đặc biệt khi trời quang mây, gió nhẹ, mặt đất sẽ phát xạ nhiệt vào không khí nhanh hơn, khiến nhiệt độ ở đây giảm xuống khá đột ngột. Điều đó khiến hơi nước trong không khí sát mặt đất càng dễ dàng bão hòa hơn, hình thành sương mù từ nửa đêm đến sáng sớm. Nó giống như mây thấp, nhưng khác ở chỗ sương mù tiếp xúc trực tiếp với bề mặt đất, còn mây thấp không tiếp súc với bề mặt đất mà cách mặt đất một khoảng cách được gọi là độ cao chân mây. Cùng với đó ngày nay môi trường không khí càng ngày càng ô nhiễm nên sương mù xảy ra nhiều hơn và cường độ mạnh hơn làm giảm tầm nhìn xuống dưới 1km.
Đối với hoạt động hàng không ở nước ta, mỗi sân bay đều có tiêu chuẩn khai thác riêng về tầm nhìn và trần mây dành cho các điều kiện cất cánh và hạ cánh khác nhau. Chính các hiện tượng thời tiết nêu trên với ảnh hưởng làm suy giảm tầm nhìn và tính không nhất quán giữa các sân bay khu vực miền Bắc qua các thời kỳ đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc quan sát của Phi công khi điều khiển tàu bay cất hạ cánh. Dễ gây ra mất an toàn bay như: va chạm trên không và khi tiếp đất,… hoặc các chuyến bay không hạ cánh được phải chuyển hướng hạ sân bay dự bị, quay lại hoặc hủy chuyến, thay đổi giờ bay, sân bay phải đóng cửa… Những điều này gây ra thiệt hại rất lớn đến ngành hàng không.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày nay việc dự báo hiện tượng thời tiết xấu bất thường xảy ra và nhận định các khung thời tiết xấu ngày càng chính xác hơn. Công tác dự báo, tư vấn thời tiết xấu liên quan đến các hiện tượng mưa phùn, mây thấp, sương mù ngày càng được chú trọng đầu tư để sản phẩm dịch vụ được nâng cao và có chất lượng hơn. Với việc khai thác các sản phẩm, số liệu báo cáo và dự báo sân bay, ảnh mây vệ tinh,… theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, nhân viên khí tượng hàng không luôn chủ động tư vấn cho người khai thác, cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sử dụng: thành viên tổ bay, đơn vị dịch vụ không lưu, đơn vị dịch vụ tìm kiếm và cứu nạn, ban quản lý sân bay và những đơn vị liên quan nhằm đảm bảo cho các chuyến bay an toàn - điều hòa - hiệu quả.
TH