20/09/2024
Hoàn thành Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - một trong những đài kiểm soát không lưu hiện đại nhất Đông Nam Á
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là cửa ngõ giao lưu hàng không quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Với vị trí trọng yếu của mình, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đóng vai trò quan trọng là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Các hoạt động bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tăng trưởng rất mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây, với mức tăng trưởng số lần chuyến cất hạ cánh đạt từ 7% đến 10%/ năm và mức tăng trưởng về hành khách đặt từ 12% đến 15%/ năm, thuộc vào hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Với tính chất là sân bay hỗn hợp, có các hoạt động bay dân sự và quân sự, không phận khu vực tiếp cận hạn chế từ nhiều hướng, nên áp lực phải hiện đại hóa, nâng cao năng lực đều hành bay của Đài KSKL là rất lớn mà Đài KSKL cũ (được xây dựng từ đầu năm 1970) không thể đáp ứng được thì việc đầu tư xây dựng một Đài KSKL mới thay thế Đài KSKL cũ là hoàn toàn đúng đắn.
Được sự chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các nỗ lực của các nhóm nghiên cứu cũng với sự trợ giúp về mặt tư vấn kiến trúc, xây dựng của Công ty Tư vấn sân bay Nhật bản (JAPAN AIRPORT CONSULTANTS - JAC), Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đã được hoàn thành và được Tổng công ty QLB Việt Nam đã phê duyệt với Tổng mức đầu tư là 400 tỉ đồng.
Sau một thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư, Dự án đài kiểm soát không lưu Cảng HKQT Tân Sơn Nhất được khởi công ngày 05/12/2009.
Dự án nhằm xây dựng một Đài Kiểm soát không lưu tiên tiến, hiện đại, đáp ứng năng lực điều hành bay cho tất cả các hoạt động bay tại cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho đến khi cảng HKQT Tân Sơn Nhất phát triển hết công suất của mình theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm cho sự tăng trưởng mạnh mẽ các chuyến bay quốc tế, quốc nội và quân sự tại sân bay và vùng tiếp cận. Cụ thể, Đài KSKL mới phải có khả năng điều hành từ 500 đến 1.000 lần chuyến CHC/ngày đên, tương đương với công suất 25 đến 30 triệu khách/năm. Các trang thiết bị phải đồng bộ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đồng thời phục vụ cho việc điều hành bay hỗn hợp quân sự - dân dụng. Quá trình thực hiện Dự án, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước trong công tác đầu tư xây dựng, đồng thời nghiên cứu, áp dụng tối đa các công nghệ hiện đại cũng như các tiêu chuẩn về kỹ thuật, về khai thác của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO để đảm bảo công năng sử dụng lâu dài của Đài.
Dự án được chia làm 22 gói thầu, trong đó có các gói thầu quan trọng nhất gồm: Tư vấn thiết kế: do nhà thầu Công ty tư vấn sân bay Nhật Bản (JAC) thực hiện, đây cũng chính là nhà thầu thực hiện thiết kế Nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất và Nhà ga hành khách T2 Nội Bài hiện nay; Tư vấn giám sát là nhà thầu Công ty cổ phần tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO); Phần xây dựng công trình do Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (CONSTREXIM); Hệ thống radar mặt đất do nhà thầu HITT – Cộng hòa Hà Lan cung cấp và lắp đặt, và cuối cùng là gói thầu các hệ thống kỹ thuật chuyên nghành quản lý bay do nhà thầu GECI – Cộng hòa Tây Ba Nha cung cấp và lắp đặt.
Đài KSKL Tân Sơn Nhất đảm nhiệm cung cấp các Dịch vụ điều hành bay 24/24 giờ bao gồm: Kiểm soát tiếp cận, Kiểm soát tại sân, Kiểm soát mặt đất, Kiểm soát sân đỗ, Kiểm soát các hoạt động bay quân sự cho tất cả các hoạt động bay đi, đến cảng HKQT Tân Sơn Nhất và vùng tiếp cận, đảm bảo năng lực điều hành bay đáp ứng sự phát triển hết công suất của cảng (theo Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệtlà 30 triệu khách/năm, tương đương khoảng 1.000 lần chuyến/ ngày đêm).
Đài gồm Tháp chỉ huy cao 70 mét kết cấu bê tông cốt thép, được ốp đã nhân tạo Noeparies. Phần đỉnh Tháp được bố trí 2 Cabin kiểm soát không lưu với kết cấu thép cường độ cao và lắp các tấm kính chuyên dụng nhiều lớp theo tiêu chuẩn ICAO, cách âm, cách nhiệt và đảm bảo khả năng quan sát tối ưu cho các kiểm soát viên không lưu.
Các hệ thống kỹ thuật của Đài bao gồm: 6 hệ thống kỹ thuật dân dụng và 12 hệ thống kỹ thuật chuyên nghành quản lý bay được thiết kế, trang bị và thử nghiệm để đạt được các tiêu chuẩn khai thác cao nhất, an toàn nhất theo các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO và được sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ trước khi cấp phép khai thác của Cục Hàng không Việt Nam.
Để đảm bảo liên lạc giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái, Đài được trang bị hệ thống các máy thu – phát VHF trên 15 tần số gồm các tần số chính, dự phòng và tần số khẩn nguy 121.5 MHz, tăng gấp 2 lần số tần số liên lạc hiện nay (7 tần số). Trung tâm điều khiển cho tất cả các thông tin, liên lạc của Đài là hệ thống chuyển mạch thoại (VCCS) cấu hình kép với 60 kênh, tất cả các liên lạc trên các kênh này đều được ghi và phát lại bằng kỹ thuật số. Hệ thống này không những tăng gấp đôi dung lượng kênh liên lạc xử lý so với Đài KSKL cũ mà còn sử dụng công nghệ mới hiện đại nhất hịên nay.
Đặc biệt, lần đầu tiên cảng HKQT Tân Sơn Nhất được trang bị hệ thống radar giám sát tại sân tiên tiến nhất hiện nay của hãng TERMA (Đan Mạch). Hệ thống này không những giúp cho kiểm soát viên quan sát được máy bay hoạt động trên khu bay của Cảng trong điều kiện ban đêm, thời tiết xấu, vì vậy tăng cường khả năng an toàn khi điều hành bay cho các máy bay khi lăn trong khu vực sân đỗ, trên các đường lăn và khi cất, hạ cánh trên đường CHC. Ngoài ra hệ thống radar giám sát mặt đất cho phép tăng khả năng tiếp nhận (khả năng thông qua) của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhờ tối ưu hóa phân cách máy bay trên mặt đất và sử dụng các đường di chuyển hợp lý nhất cho máy bay, giảm thời gian chờ trên mặt đất, từ đó tiết kiệm các chi phí cho các hãng hàng không.
Để đảm bảo việc kết nối của Đài với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh) và với các cơ quan liên quan đến công tác quản lý bay, Đài được trang bị các trạm VIBA và các đường cáp quang dung lượng lớn, được chống nhiễu. Nhờ việc kết nối nay mà Trung tâm kiểm soát tiếp cận đặt trong Đài được cung cấp đầy đủ các dữ liệu radar và dữ liệu kế hoạch bay từ hệ thống Tự động kiểm soát không lưu ATM đặt tại ACC Hồ Chí Minh. Hiện nay Trung tâm kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất được coi là một trong những Trung tâm kiểm soát tiếp cận có mật độ bay cao trong khu vực Đông Nam Á, trong thời gian vừa qua đã có giai đoạn Trung tâm tiếp cận đảm bảo điều hành bay cho gần 500 lần cất hạ cánh/ ngày đêm tại cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Hệ thống cấp điện cho Đài gồm 02 đường điện lưới, 02 máy phát điện dự phòng 500 KVA, các bộ cấp điện liên tục (UPS) đảm bảo khả năng dự phòng tới 300% cho Đài. Hệ thống kiểm soát an ninh của Đài được lập trình để kiểm soát từng khu vực hạn chế, chống thâm nhập bất hợp pháp và giám sát, lưu trữ thông tin hình ảnh của tất cả các đối tượng ra, vào Đài. Đây là hệ thống kiểm soát an ninh mới mà Đài KSKL cũ chưa được trang bị.
Tổng công ty đã tiến hành thành lập Hội đồng nghiệm thu để tiến hành chạy thử, nghiệm thu công trình từ tháng 3 năm 2013 và hoàn thành vào ngày 25/5/2013. Trong quá trình nghiệm thu công trình, ngoài Hội đồng nghiệm thu của Tổng công ty, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã trực tiếp cùng các đoàn cán bộ của Bộ đã xuống kiểm tra, giám sát công trình. Đặc biệt Cục Hàng không Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giỏi cùng tham gia với Hội đồng nghiệm thu của Tổng công ty thực hiện nhiều lượt kiểm tra, chạy thử để đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế, các tính năng kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu, đảm bảo chất lượng cho một trong những cơ sở điều hành bay quan trọng nhất tại cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Ngày 12/6/2013 Cục Hàng không Việt Nam chính thức cấp Giấy phép khai thác cơ sở cung cấp Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay số 2535/GP - CHK cho phép Tổng công ty Quản lý bay Vịêt Nam đưa Đài KSKL cảng HKQT Tân Sơn Nhất vào khai thác kể từ 07h00 ngày 16 tháng 6 năm 2013.
Ngày 02 tháng 7 năm 2013 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cùng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Cục HKVN, Tổng công ty QLB VN, Tổng công ty Cảng HKVN đã cắt băng khánh thành công trình Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất. Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam Hoàng Thành đã chỉ đạo Công ty QLB miền Nam thực hiện quản lý, khai thác có hiệu quả một trong những cơ sở điều hành bay hiện đại và quan trọng nhất của Tổng công ty.
Trịnh Như Long