Hội nghị người lao động Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam năm 2013

thứ sáu, 26/04/2013 10:24

 

 

 

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: 

  1. Đ/c  Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó chủ tịch Công đoàn Ngành GTV
  2. Đ/c  Đinh Việt Thắng – Phó Cục Trưởng Cục HKVN
  3. Đ/c  Trần Thị Tuyết – Phó Ban chính sách Pháp luật của CĐ GTVT
  4. Đ/c  Trần Trọng Trọng Ngôn – CVC – Vụ TCCB – Bộ GTVT
  5. Đ/c  Hoàng Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty

Ngoài ra, 124 đại biểu được nhiên và được bầu  từ các cơ quan, đơn vị trong Tổng công ty cũng tham dự Hội nghị.

Hội nghị đã bầu Đoàn chủ  tịch để điều hành Hội nghị gồm 03 đồng chí:

  1. Đ/c Đỗ Quang Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty
  2. Đ/c Nguyễn Đình Công – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty
  3. Đ/c Trần Mạnh Hùng – Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ - Lao động 

Hội nghị đã bầu Tổ thư ký gồm 02 đồng chí:

  1. Đ/c  Nguyễn Thị Hồng Oanh – Phó chánh Văn phòng Tổng công ty
  2. Đ/c  Lê Hùng – Bí thư Đoàn thành niên Tổng công ty

Hội nghị đã nghe các báo cáo của các đồng chí:

  • Đ/c Đỗ Quang Việt –  Tổng Giám đốc Tổng công ty báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh, việc đảm bảo chế độ tiền lương, An Toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ và các chế độ chính sách đối với người lao động năm 2012; phương hương, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty năm 2013.
 

Mr Việt Phát biểu

 Đồng chí Đỗ Quang Việt - Tổng Giám đốc báo cáo tại Hội nghị

  • Đ/c Nguyễn Đình Công – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty báo cáo  kết quả tổ chức Hội nghị người lao động năm 2013 tại các cơ quan, đơn vị; tình hình thực hiện Thỏa ước lao động tập thể và Nội qui lao động (TULĐTT, NQLĐ) và các phong trào thi đua năm 2012.
  • Đ/c Nguyễn Văn Tiến  - Trưởng Ban Tài chính Tổng công ty báo cáo về việc công khai tài chính của Tổng công ty năm 2013.
  • Đ/c Trần Mạnh Hùng – Trưởng Ban TCCB-LĐ Tổng công ty  báo cáo về dự thảo sửa đổi, bổ sung TULĐTT, NQLĐ năm 2012.
  • Đ/c Trần Văn Hải – Tổ trưởng Tổ thanh tra nhân dân Tổng công ty báo cáo đánh giá tình hình, kết quả tổ chức, hoạt động năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ của Tổ thanh tra nhân dân năm 2013. 

Thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng công ty, Đ/c Hoàng Thành  – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên đã phát biểu chỉ đạo:

“Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song Tổng công ty chúng ta cũng đã đạt được những thành công nhất định. Có được kết quả đó chúng tôi ghi nhận sự công sức và sự cố gắng của Ban lãnh đạo và tập thể người lao động. Tôi mong muốn rằng Tổng công ty cần kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được trong năm 2012 để thực hiện thành công các chỉ tiêu kế hoạch mà Nhà nước giao trong năm 2013, để lợi nhuận, đời sống, thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Để đạt được mục tiêu trên, Hội đồng thành viên, tập thể Ban lãnh đạo, Ban điều hành phải hết sức quyết liệt đưa ra các quyết sách phù hợp và đúng đắn đồng thời các cơ quan, đơn vị người lao động phải thấu hiểu và cùng chia sẻ, cố gắng để cùng lãnh đạo Tổng công ty hoàn thành mục tiêu đặt ra; quyết tâm không để xảy ra bất kỳ một sơ suất nào trong công tác điều hành bay làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Tổng công ty. Để làm được điều đó, Tổng công ty đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trong Báo cáo của Tổng giám đốc, cụ thể:

  • Ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để điều hành bay an toàn tuyệt đối;
  • Tái cơ cấu Tổng công ty;
  • Đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
  • Trong các nhiệm vụ trên, chúng ta đặc biệt tập trung tái cơ cấu. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đồng thời triển khai một số nội dung liên quan đến điều hành bay, an toàn, không lưu mặc dù các nội dung này không nằm trong Đề án Tái cơ cấu đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vì đây là các vấn đề sống còn của Tổng công ty, cụ thể:
  • Đưa hệ thống quản lý an toàn (SMS) vào hoạt động, chủ động nhận diện, đánh giá và ngăn ngừa các rủi ro trong công tác điều hành bay;
  • Kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ thương mại Quản lý bay một cách hiệu quả.
  • Quyết liệt tìm ra các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí trong công tác đầu tư.
  • Nâng cao chất lượng của lực lượng lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trực tiếp, cụ thể:
  • Nâng cao chất lượng từ công tác tuyển dụng đầu vào, chấp hành nghiêm túc các tiêu chí tuyển dụng và có sự sàng lọc;
  • Tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, trình độ của lực lượng kiểm soát viên không lưu để có hướng đào tạo lại, đảm bảo chất lượng;
  • Thành lập Trung tâm Đào tạo huấn luyện để đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực;
  • Tiến hành định biên lại lao động khối hành chính gián tiếp đặc biệt là Khối cơ quan Tổng công ty; sắpxếp lại lực lượng lao động giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo không sa thải bất kỳ lao động dôi dư nào.
  • Chủ động, tích cực tìm các biện pháp đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho Tổng công ty trong đó chú trọng sửa đổi Thông tư 119. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng phải có trách nhiệm tận dụng các thiết bị sẵn có để đảm bảo điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả.

Tóm lại: Việc tái cơ cấu Tổng công ty sẽ ít nhiều ảnh hướng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là quyền lợi về chính trị và kinh tế, tư tưởng, tâm lý của người lao động. Tôi yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động để họ yên tâm công tác.”

Đồng chí Hoàng Thành phát biểu

Đồng chí Hoàng Thành  - Chủ tịch HĐTV phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Công Đoàn ngành Giao thông Vận tải đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

“Trong điều kiện khó khăn chung của Nhà nước, ngành Giao thông vận tải, Tổng công ty cũng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định về vốn đầu tư, những hạn chế trong công tác điều hành bay, công tác tổ chức và sắp xếp lao động. Trước các thách thức đó, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng công ty đã chủ động:

  • Đề xuất cụ thể mục tiêu thi đua: ”Kỷ cương - Chất lượng - Hợp tác - An toàn - Hiệu quả”, phát động nhiều phong trào thi đua: “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”, “Xung kích sáng tạo làm chủ khoa học công nghệ hàng không hiện đại”.
  • Phối hợp với Công đoàn Tổng công ty tổ chức Hội nghị Người lao động để người lao động nói lên tiếng nói của mình với người sử dụng lao động. Đây là hành động dân chủ để Tổng công ty hoàn thành mục tiêu của mình.
  • Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt Tổng công ty đã tổ chức kiểm điểm theo Nghị quyết TW4, theo đó Tổng công ty đã xây dựng được kế hoạch hành động của mình đồng thời đưa ra các biện pháp tổ chức thực hiện thành công kế hoạch đó.
  • Luôn tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đạt chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra.

Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực mà Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tổng công ty đã cố gắng thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên năm 2013 là năm vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi mong muốn Công đoàn Tổng công ty tập trung vào mục tiêu và nhiệm vụ chính sau đây:

  • Năm 2013 là “Năm gia đình Việt Nam”. Vì vậy, Công đoàn Tổng công ty cần phải tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đến cán bộ, công đoàn viên của Tổng công ty để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động xây dựng gia đình “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
  • Ban chấp hành Công đoàn Tổng công ty cần phối hợp với Đảng ủy để thực hiện các biện pháp để mang lại quyền lợi thiết thực nhất cho người lao động.
  • Cần tổ chức giám sát Nghị quyết Hội nghị người lao động của Tổng công ty năm 2013, công tác phân phối tiền lương, tiền thưởng, công tác tuyển dụng lao động làm sao để những công việc này phải minh bạch, chất lượng, hiệu quả để Tổng công ty phát triển bền vững trong tương lai.
  • Công đoàn phải thực sự là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo hài hòa lợi ích của Doanh nghiệp và Người lao động, khắc phục những khó khăn hiện tại và tìm ra các giải pháp để đưa Tổng công ty không ngừng phát triển lớn mạnh.”

 MRS Thu Thuy phát biểu

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Công Đoàn ngành Giao thông Vận phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thay mặt Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, đồng chí Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị: “Vừa qua Cục Hàng không Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị Người lao động và chúng ta nhận thức sâu sắc rằng Hội nghị Người lao động là một sự kiện quan trọng bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp, đặc biệt là cơ hội để người lao động được nói lên tiếng nói của mình tới người sử dụng lao động và người lao động có thể tham gia vào việc đưa ra các quyết sách lãnh đạo của đơn vị.”

Đồng chí cũng cởi mở chia sẻ những thành công của ngành Hàng không Việt Nam trong những năm gần: Thị trường Hàng không trong 10 năm qua phát triển trung bình 13%/năm. Có thể khẳng định đó là một tín hiệu đáng mừng và ghi nhận trong đó có sự đóng góp nỗ lực của tất cả cán bộ, công nhân viên của Quản lý bay nói riêng và ngành Hàng không nói chung. Năm 2011 IATA đã công nhận Việt Nam là một trong ba thị trường Hàng không phát triển nhanh nhất. Trong 5 năm (2007-2012) sản lượng hành khách tăng trưởng gần bằng 2 lần và đặc biệt 16 năm qua không có sự cố nào xảy ra. Tuy nhiên, ngành Hàng không Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt năm 2012 lại có nhiều giảm sút do:

  • Trình độ quản lý hết sức hạn chế.
  • Tính cạnh tranh thấp: quy mô và năng lực các doanh nghiệp kém.
  • Sự phát triển thiếu đồng bộ (Vietnam Airline thì phát triển không ngừng, Cảng hàng không thì không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành).
  • Lực lượng lao động kém về trình độ, đặc biệt là tiếng Anh.
  • Thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng dẫn đến các dự án đầu tư bị chậm tiến độ.

Tuy nhiên, ngành Hàng không Việt Nam vẫn không ngừng phát triển và phấn đấu đến 2020-2030, thị trường Hàng không Việt Nam vẫn là một thị trường phát triển mạnh, biến thị trường Hàng không thành thị trường bình dân để mọi đối tượng lao động trong xã hội có thể tham gia. Để đạt được yêu cầu này, chúng ta phải đổi mới toàn diện cả về phương thức quản lý và phương thức điều hành bay, cụ thể:

  • Tổ chức quản lý lại vùng trời.
  • Đổi mới phương thức quản lý, điều hành bay.
  • Đổi mới công nghệ quản lý.
  • Đổi mới phương thức quản trị an toàn.
  • Cân đối nguồn lực để phát triển.
  • Quy hoạch lại nguồn lực.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe 07 báo cáo tham luận của đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc; tập trung vào các vấn đề chính như:

  1. Sự bất cập trong cơ chế phân phối tiền lương, tiền thưởng.
  2. Chuyên gia xây dựng phương thức bay là những người có nhiều đóng góp quan trọng. Vì vậy cần có chính sách ưu tiên và quy về một đầu mối.
  3. Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo huấn luyện chuyên sâu cho tất cả các đối tượng đặc biệt là lực lượng lao động trực tiếp. Cần đào tạo mở rộng ra ngoài phạm vi quốc gia.
  4. Cần đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tại các đơn vị cơ sở, đặc biệt là các trang thiết bị trực tiếp đảm bảo công tác điều hành bay, VHF, Radar, RDP/FDP do hiện nay các trang thiết bị đã đầu tư từ những năm 1990 (đã sử dụng khai thác trên 15 năm).
  5. Cần áp dụng giải pháp công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp (văn phòng điện tử; Hội nghị truyển hình) để tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên tham gia hội nghị.
  6. Công tác tuyên truyền đặc biệt cần đầu tư quan tâm đến Website của Tổng công ty.
  7. Đề nghị nâng cấp Phòng Bảo đảm Kỹ thuật  của Trung tâm Hiệp đồng Điều hành bay thành Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật.
  8. Về TULĐTT, NQLĐ:
    • Điều 13 NQLĐ đề nghị sửa là Kiểm soát viên Không lưu không được sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong quá trình làm việc.
    • Khoản 5 Điều 7 TULĐTT: Đề nghị làm rõ các điều kiện “tước giấy phép hành nghề” “thi không đạt năng định, tiếng Anh” và “không đạt yêu cầu trong các kỳ thi kiểm tra” là các điều kiện đồng thời hay loại trừ và dùng chữ “hoặc” hoặc  “và” để phân tách các cụm từ để dễ hiểu, tránh nhầm lẫn và năng định thi không đạt là năng định cấp mới hay năng định gia hạn.
    • Mục 21 Phụ lục NQLĐ chưa cụ thể, đề nghị nên theo Điều 19 TULĐTT

Sau khi nghe các tham luận từ các đại diện của các cơ quan, đơn vị, Tổng Giám đốc đánh giá: Về cơ bản, các ý kiến của các cơ quan, đơn vị đều thống nhất với các Báo cáo nêu ra tại Hội nghị. Tuy nhiên, các tham luận có đề cập đến các vấn đề sau:

  1. Công tác Điều hành bay: Chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề an toàn bay, phải nâng cao công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ các cấp, có chính sách thưởng phạt rõ ràng, công minh đối với những người thực hiện.
  2. Vấn đề tiền lương: Thời gian vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty có tăng lương cho Lực lượng Kiểm soát viên không lưu lên 2 lần so với mức thu nhập bình quân của người lao động Tổng công ty. Điều này thể hiện sự quan tâm đến Lực lượng Kiểm soát viên không lưu nhưng lại tạo ra sự không cân đối, hài hòa giữa các khối lao động còn lại. Ban lãnh đạo Tổng công ty sẽ chỉ đạo Hội đồng xây dựng Quy chế tiền lương tiền thưởng Tổng công ty, Ban TCCB-LĐ sớm nghiên cứu và trình lãnh đạo phương án xây dựng Quy chế tiền lương tiền thưởng Tổng công ty trong tháng 5,  đồng thời tổ chức tuyên truyền đến người lao động để tạo sự đồng thuận và chia sẻ. Tuy nhiên Quy chế tiền lương tiền thưởng Tổng công ty chỉ bao quát chứ không thể cụ thể đến từng trường hợp, vì vậy yêu cầu các đơn vị phải xây dựng Quy chế tiền lương tiền thưởng của mình trên cơ sở Quy chế tiền lương tiền thưởng Tổng công ty cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình.
  3. Đối với chuyên gia xây dựng phương thức bay: Nghiên cứu chuyển về một đầu mối.
  4. Đào tạo – Huấn luyện:  Ưu tiên đào tạo – huấn luyện tại chỗ. Yêu cầu xây dựng chương trình, giáo trình đáp ứng yêu cầu đào tạo.
  5. Nguồn nhân lực: Nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, chuyển đổi lao động cho phù hợp với vị trí làm việc và năng lực của từng người trên tinh thần là không sa thải lao động mà phải xử lý bằng cách đào tạo lại và sắp xếp, luân chuyển lao động về các cơ quan, các đơn vị khác nhau. Các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải phối hợp với Công đoàn, Đoàn Thanh niên cùng cấp tổ chức tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao và nhận thức sâu sắc các vấn đề, có các giải pháp cụ thể để người lao động ổn định tư tưởng, yên tâm công tác.
  6. Công tác Đầu tư – xây dựng: Hiện nay trang thiết bị, kỹ thuật tại một số đơn vị đã quá thời hạn sử dụng. Nhất trí đề nghị đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tại các đơn vị cơ sở, đặc biệt là các trang thiết bị trực tiếp đảm bảo công tác điều hành bay, VHF, Radar, RDP/FDP. Nhưng hiện nay nguồn vốn của Tổng công ty đang hạn hẹp, vì vậy chúng ta phải bàn bạc để có phương án dự phòng trong trường hợp có tình huống xảy ra.
  7. Thống nhất mô hình hoạt động của Tổng công ty đặc biệt trong lĩnh vực Kỹ thuật. Do đó, việc đề nghị nâng cấp Phòng Bảo đảm Kỹ thuật của Trung tâm Hiệp đồng Điều hành bay thành Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật sẽ được nghiên cứu triển khai.
  8. Về TULĐTT, NQLĐ: Trong 03 vấn đề về TULĐTT, NQLĐ nhất trí sửa đổi Điều 13 NQLĐ “Kiểm soát viên Không lưu không được sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong quá trình làm việc”. Các ý kiến khác được tiếp thu và đưa vào các văn bản khác.

Sau gần 4 giờ làm việc thực sự nghiêm túc, có hiệu quả và dân chủ, Hội nghị đại biểu người lao động Tổng công ty năm 2013 đã thành công tốt đẹp.

Bài và Ảnh: Hồng Oanh – Văn phòng TCT

Thông báo