VATM tổ chức Hội nghị trình diễn thử nghiệm khai thác FF-ICE/R1

thứ hai, 28/07/2025 15:27

Trong ba ngày từ 22/7 đến 24/7/2025, Hội nghị trình diễn thử nghiệm khai thác Thông tin Chuyến bay và Luồng không lưu cho Môi trường hợp tác - Giai đoạn trước khởi hành (FF-ICE/R1) đã được Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - nước chủ nhà đăng cai - phối hợp với Ban lãnh đạo nhóm 2 thuộc Dự án Tiên phong về Khai thác dựa trên quỹ đạo (TBO) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức để đánh giá giá trị, lợi ích của TBO thông qua các kịch bản khai thác tại trụ sở Tổng công ty.

Hội nghị có sự tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến của 09 nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay (ANSP) và 02 tổ chức (CANSO, IATA) đã ký kết Thư bày tỏ ý định (Letter of Intent) tham gia Dự án tiên phong TBO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC TBO Pathfinder).

Hàng không Việt Nam cũng có đầy đủ đại diện các bên liên quan (Stakeholders) tham gia Hội nghị như: Cục Hàng không Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không lớn của Việt Nam; và hơn 70 lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) tham gia.

1-113
Các đại biểu tham dự Hội nghị trình diễn thử nghiệm khai thác FF-ICE/R1

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Công Long - Tổng giám đốc VATM - đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hội nhập quốc tế và cam kết của Việt Nam trong việc chủ động tham gia sâu vào các chương trình hợp tác, chuyển đổi số, áp dụng khái niệm khai thác mới theo định hướng của ICAO. Việc VATM được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để thể hiện tinh thần hội nhập chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa ngành quản lý không lưu khu vực.

2-98
Ông Nguyễn Công Long - Tổng giám đốc VATM - phát biểu khai mạc Hội nghị

Do FF-ICE, TBO có nhiều khái niệm, thuật ngữ liên quan cần hiểu thống nhất (eASP, aASP, eAU, v.v), ngay trong phiên làm việc đầu tiên của Hội nghị, Ban lãnh đạo nhóm 2 (WG 2) của Dự án APAC TBO Pathfinder đã giới thiệu và giải thích một số thuật ngữ quan trọng để áp dụng thống nhất trong khi hợp tác thử nghiệm các kịch bản. Các dịch vụ FF-ICE bắt buộc/tùy chọn cũng được giới thiệu.

3-92
Bà Amornrat Jirattigalachote (AEROTHAI) và Ông Lim De Wei (CAAS) - đại diện Ban lãnh đạo WG 2 Dự án APAC TBO Pathfinder giới thiệu về FF-ICE

Trong tiến trình thực hiện Dự án tiên phong dự kiến diễn ra trong 4 năm, từ 2024 đến 2028, các đại diện ANSP sẽ thường xuyên làm việc, trao đổi và tương tác với nhau. Do đó, tại Hội nghị, các quốc gia được yêu cầu giới thiệu về thành viên tham gia. Nhóm nghiên cứu, áp dụng FF-ICE của VATM (Nhóm FF-ICE) đã đại diện giới thiệu về nhóm gồm 17 thành viên mới được thành lập trong thời gian gần ba tháng trên cơ sở kiện toàn tổ, nhóm trước đó và mục tiêu tham gia các hoạt động thử nghiệm và tham gia Dự án.

4.2
Nhóm nghiên cứu, áp dụng FF-ICE của VATM
4.3
Nhóm nghiên cứu, áp dụng FF-ICE của VATM

Ngoài ra, Nhóm FF-ICE đã thông tin về quá trình phối hợp với FAA - Hoa Kỳ, AEROTHAI - Thái Lan và CAAS - Singapore để thử nghiệm, hoàn thiện các kịch bản hàng tuần theo hình thức online, được tổ chức liên tục sau lần Hội nghị kiểm tra kết nối kỹ thuật vào tháng 5/2025 cũng tại trụ sở VATM.

Do điều kiện tiên quyết để triển khai FF-ICE là SWIM (Quản lý thông tin toàn hệ thống - System Wide Information Management), với thực trạng của hàng không Việt Nam, Nhóm FF-ICE đã chia sẻ về nền tảng công nghệ do Trung tâm nghiên cứu và phát triển tiên tiến Air LAB (Aviation Innovation Research Lab) hỗ trợ VATM để có thể tham gia trực tiếp vào các kịch bản chứ không chỉ đóng vai trò quan sát (Observer).

5.2
Đại diện Nhóm FF-ICE trình bày về năng lực Kỹ thuật và RCP (Regional Collaboration Platform) do Air LAB hỗ trợ VATM

Tại Hội nghị, 04 kịch bản đã được trình diễn:

Kịch bản B1 (WADD-VTBS): Xử lý việc tối ưu hóa đường bay khi có thay đổi về Vùng trời sử dụng đặc biệt (SUA). Hãng hàng không (eAU) đã dùng Dịch vụ Thử nghiệm (Trial Service) để xác nhận một quỹ đạo bay thẳng hơn sau khi ràng buộc được nới lỏng, sau đó cập nhật kế hoạch bay và được chấp thuận, cho thấy lợi ích của việc cộng tác trong tối ưu hóa quỹ đạo.

Kịch bản B2 (NZAA-WSSS): Giải quyết các ràng buộc động và phức tạp, gồm một vụ phun trào núi lửa và việc đóng cửa đường cất hạ cánh đột xuất. Kịch bản trình diễn cách eAU sử dụng các dịch vụ FF-ICE để nhanh chóng tìm kiếm, xác nhận và cập nhật một quỹ đạo bay thay thế an toàn, đồng thời tuân thủ các biện pháp ATFM được ban hành.

Kịch bản A1 (PGUM-VTBS): Thể hiện một môi trường khai thác lý tưởng, nơi tất cả các ANSP, bao gồm cả VATM, đều là eASP (có khả năng cung cấp dịch vụ FF-ICE). Mọi tương tác diễn ra mượt mà qua hệ sinh thái kỹ thuật số, cho thấy hiệu quả của một hệ thống được tự động hóa cao.

Kịch bản A2 (PGUM-VTBS): Mô phỏng thách thức của môi trường khai thác hỗn hợp, khi VATM là một aASP (chưa có khả năng FF-ICE). Khi có ràng buộc trong FIR Hồ Chí Minh, VATM ban hành biện pháp ATFM qua các kênh truyền thống. Hãng hàng đã nhận thông tin này và phối hợp với các eASP khác để đàm phán lại đường bay. Kịch bản nhấn mạnh sự phức tạp nhưng khả thi của giai đoạn chuyển tiếp và tầm quan trọng của việc đồng bộ hóa năng lực toàn khu vực.

6.1
Các đại biểu trình bày các kịch bản thử nghiệm tại Hội nghị
6.3
Các đại biểu trình bày các kịch bản thử nghiệm tại Hội nghị

Sự tham gia của VATM qua hai vai trò đối lập trong kịch bản A1 (eASP) và A2 (aASP) đã làm nổi bật năng lực hội nhập cũng như những thách thức của môi trường khai thác hỗn hợp. Với vai trò eASP, VATM chứng tỏ khả năng tích hợp và vận hành thành công trong môi trường kỹ thuật số tiên tiến. Ngược lại, với vai trò aASP, kịch bản đã phản ánh thực trạng phối hợp trong giai đoạn chuyển tiếp, cho thấy những thách thức về đồng bộ thông tin và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong toàn khu vực.

Tại Hội nghị, ông John Moore, Trợ lý Giám đốc - An toàn & Khai thác bay (Mảng Hạ tầng) - Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhấn mạnh những hạn chế của hệ thống FPL2012 hiện tại như thiếu trường thông tin và không hỗ trợ đàm phán quỹ đạo bay, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. FF-ICE được xác định là giải pháp khắc phục triệt để các vấn đề này. IATA ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển đổi sang FF-ICE, với điều kiện phải có hạ tầng SWIM hoàn chỉnh, kế hoạch chuyển đổi rõ ràng và cam kết từ các ANSP trong việc sử dụng dữ liệu mới để tối ưu hóa năng lực vùng trời.

7-25
Ông John Moore đại diện IATA phát biểu tại Hội nghị

Trong phiên cuối của Hội nghị, bà Diana Liang - Nhà quản lý danh mục đầu tư doanh nghiệp (AND -2) của FAA - một trong ba ANSP lãnh đạo WG 2 - đã đại diện nêu một số bài học rút ra sau lần trình diễn thử nghiệm này như: việc thu hút sự tham gia sớm của các bên là then chốt, nền tảng SWIM là cần thiết và hoạt động trong môi trường hỗn hợp là khả thi nhưng cần quy trình chi tiết hơn.

Hội nghị cũng thống nhất một số mốc thời gian và công việc cần các ANSP thành viên tham gia, bao gồm:

Thống nhất báo cáo kết quả Hội nghị thử nghiệm FF-ICE/R1 tại Hội nghị tiểu nhóm ATM lần thứ 13 của Nhóm hoạch định và thực thi Kế hoạch Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APANPIRG) sẽ được tổ chức tại Singapore từ 25-29/8/2025;

Thông qua Báo cáo lộ trình và kết quả triển khai công việc của WG 2 tại Hội nghị Ủy ban các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5 (ACC/5) sẽ diễn ra tại Hồng Công, Trung Quốc từ ngày 09-10/12/2025;

Tham gia đầy đủ Hội nghị lần thứ 3 Nhóm chuyên trách về FF-ICE khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Third Asia/Pacific FF-ICE Ad Hoc Group Meeting and Workshop) sẽ diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan từ 15-19/12/2025.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo WG 2 cũng đề nghị các ANSP thành viên lập kế hoạch nội bộ để sẵn sàng phối hợp thực hiện một số hoạt động của Dự án TBO trong thời gian tới như: 

Hoàn thiện khung triển khai FF-ICE/R1 trong khu vực APAC (Quý IV/2025);

Bắt đầu lập kế hoạch, thử nghiệm (bao gồm cả tabletop exercise và trình diễn thử nghiệm khai thác) cho FF-ICE/R2 trong suốt năm 2026;

Thử nghiệm các chuyến bay TBO (TBO Live Flight Trial) vào giai đoạn 2027-2028. 

Hội nghị trình diễn thử nghiệm khai thác FF-ICE/R1 được tổ chức thành công là một bước tiến quan trọng, tạo tiền đề hiện thực hóa yêu cầu chấm dứt sử dụng điện văn Kế hoạch bay ICAO theo định dạng 2012 (FPL 2012) trong khu vực APAC vào năm 2032 và trên phạm vi toàn cầu năm 2034; hướng tới áp dụng quỹ đạo bay tối ưu trong môi trường hợp tác chặt chẽ.

Trịnh Hoàng Hiếu   - Nhóm nghiên cứu, áp dụng FF-ICE
 

Thông báo