Hội nghị RAN-3, nhìn dưới góc độ lịch sử đấu tranh ngoại giao của đất nước

thứ hai, 15/09/2014 14:44

Hòa bình lập lại không bao lâu, miền Bắc với khí thế đi lên chủ nghĩa xã hội, thì ở miền Nam đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào ra sức phá hoại Hiệp định Giơ nevơ, Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam. Chúng ráo riết chuẩn bị ném bom ra miền Bắc nhằm đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá. Cơ quan điều phái lúc này là một bộ phận đảm bảo bay thuộc Trung đoàn 919 luôn phối hợp hài hòa, hiệu quả sát cánh cùng bộ đội Không quân trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Các hoạt động chủ yếu là kết hợp cùng các quân binh chủng trong toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để bảo vệ bầu trời miền Bắc, làm nhiệm vụ kinh tế, phục vụ chuyên cơ.

Năm 1959, trong khi các mặt trận trong nước bắt đầu sôi sục thì lần đầu tiên có một vùng thông báo bay mang tên vùng thông báo bay Sài Gòn đã được thiết lập tại Hội nghị Không vận Khu vực Trung Đông - Đông Nam Á của thủ đô Rôma (Ý) xa xôi.

Ngày 24/1/1973, khi Hiệp định Pari được ký kết về lập lại hòa bình chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, thì cũng trong năm đó Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 1 (RAN -1) tại Hônôlulu thuộc quần đảo Hawai nước Mỹ vùng thông báo bay Sài Gòn được điều chỉnh nhỏ và mở rộng xuống phía nam. Năm 1975, lo sợ trước sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn và mất an toàn về an ninh hàng không trong hành lang bay của vùng thông báo bay Sài Gòn nên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã phân chia khu vực trên biển vùng thông báo bay Sài Gòn thành 3 vùng trách nhiệm lâm thời giao cho 3 Trung tâm Kiểm soát không lưu Băng Cốc, Singapo và Hồng Công điều hành quản lý.

Năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi, Bắc Nam nối liền một dải, non sông thu về một mối. Đến năm 1977, Nhà nước ta có chủ trương đấu tranh giành lại quyền kiểm soát vùng thông báo bay Sài Gòn cũ và đặt tên là vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh).

Để 10 năm sau đó, năm 1983, tại Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 (RAN - 2), đoàn Việt Nam chúng ta tham dự Hội nghị với hành trang duy nhất là tinh thần của những con người chiến thắng, tinh thần tự hào dân tộc. Đoàn đại biểu là những chiến sỹ bộ đội trong màu xanh áo lính chưa xa, mảnh đất nơi biên cương tổ quốc còn chưa im tiếng súng. Đoàn cán bộ chiến sỹ ngành Quản lý bay mang trên mình trách nhiệm của người lính với Tổ quốc. Với tinh thần kiên quyết “đấu tranh giữ nguyên trạng” vùng thông báo bay Hồ Chí Minh là ta đã thắng lợi trên “mặt trận đàm phán” trong điều kiện chưa đầy đủ về năng lực cũng như tiềm lực, không cho các nước lớn có cơ hội lấn tới và tạo tiền đề để đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đất nước những năm sau giải phóng gặp bộn bề gian khó. Nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quan liêu bao cấp, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn do Mỹ bao vây cấm vận. Linh kiện máy móc nhập từ nước ngoài vô cùng khó khăn, ngành Quản lý bay chưa có một kỹ sư không lưu nào. Trong khi đó, các nước đang nắm giữ vùng trách nhiệm lâm thời nêu trên đã sử dụng thiết bị vệ tinh, tự động hóa hệ thống chuyển tiếp điện văn hàng không bằng công nghệ thông tin… trong việc quản lý và điều hành bay.

Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 3 (RAN - 3) năm 1993 diễn ra từ ngày 19/04/1993 đến ngày 7/05/1993 tại Băng Cốc, Thái Lan với 40 nước và 6 tổ chức quốc tế tham gia. Nội dung được tranh luận sôi nổi nhất là vấn đề “Không vận trên vùng biển Đông”. Trong Hội nghị diễn ra 3 xu hướng trong đó xu hướng thứ 3 có lợi cho đoàn Việt Nam là: Hủy bỏ kế hoạch lâm thời, tái hoạt động vùng thông báo bay Hồ Chí Minh thì chưa đến 10 đoàn ủng hộ. Nếu ta cứ khăng khăng bám vào một phương án thì nguy cơ phải thực hiện kế hoạch lâm thời thêm một lần nữa.

Trở lại với lịch sử, khi nước nhà giành được độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Bác Hồ đã trả lời các nhà báo về vấn đề ngoại giao. Bác nói: “Phải trông ở thực lực, thực lực mà mạnh thì ngoại giao sẽ thắng lợi”. Ở Hội nghị RAN -3, đoàn Việt Nam chúng ta đã thực hiện tốt phương châm ngoại giao của Bác Hồ để phù hợp với hoàn cảnh và “thực lực” đã có. Thực lực của chúng ta ở đây là chúng ta đã có sự chuẩn bị sau hội nghị RAN - 2 về trang thiết bị không lưu cũng như đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng đầy đủ mục tiêu của ICAO đề ra để chứng minh cho ICAO quốc tế cũng như ICAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thấy rằng: giờ đây không lưu Việt Nam đã có đủ tầm và lực trên 6 lĩnh vực chuyên ngành do Trung tâm Quản lý bay cung cấp, sẵn sàng tiếp nhận và điều hành FIR Hồ Chí Minh. Trên cơ sở thực lực trong nước đã có cũng như tình thế “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong Hội nghi RAN -3. Đoàn Việt Nam đã tạm gác phần tranh chấp phía Bắc vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và chuyển sang phương án “Các vùng trách nhiệm lâm thời trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh không có tranh chấp ranh giới với vùng thông báo bay kế cận thì trao trả lại cho Việt Nam….”. Và kết thúc Hội nghị RAN – 3, một năm sau đó, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam đã chính thức tiếp nhận và điều hành FIR Hồ Chí Minh vào lúc 0001 UTC ngày 8/12/1994.

Sự thắng lợi trong việc đấu tranh giành lại phần phía nam FIR Hồ Chí Minh không những là thắng lợi trong ngành Hàng không nói riêng và mặt trận ngoại giao nói chung. Có được sự thành công đó là sự đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ của các ban ngành, sự sát sao của Lãnh đạo các cấp và đặc biệt là năng lực điều hành, quản lý, sự đầu tư có hiệu quả về cơ sở vật chất và con người của ngành Quản lý bay.

Lịch sử đã trải qua 20 năm với 18 thành viên trong đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị RAN - 3, Hội nghị có ý nghĩa quyết định trong việc giành lại quyền kiểm soát phần phía nam FIR Hồ Chí Minh, mang lại nhiều nguồn thu về kinh tế cho ngành Hàng không. Xét ở góc độ về chính trị: “Việt Nam chúng ta đã giành được độc lập chủ quyền về không gian trên vùng Biển Đông” như lời đồng chí Phạm Vũ Hiến - nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam- thành viên Đoàn Việt Nam Hội nghị RAN - 3 đã phát biểu.

Người viết bài xin được kết thúc với lời nhắn nhủ của bà Tôn Nữ Thị Ninh- Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU): “Thế hệ trẻ các bạn ngày nay có đầy đủ điều kiện để phát huy năng lực cá nhân, trau dồi và bồi dưỡng tri thức đóng góp vào sự phát triển của đơn vị cũng như kế tục truyền thống của thế hệ đi trước. Là một thành viên của đoàn Việt Nam dự hội nghị RAN - 3, tôi vô cùng vinh dự, tự hào. Đây cũng là một sự trải nghiệm lịch sử tuyệt vời với kết thúc là sự thắng lợi của đoàn Việt Nam. Đó cũng là thành công trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của đất nước. Lịch sử không có sự lặp lại, nhưng lịch sử là cội rễ, nền móng, là sức mạnh để các bạn đóng góp hết sức mình vì sự phát triển đi lên của ngành trong những năm tiếp theo”.

Đàm Ngọc Trinh - Tổ Bảo tàng - Tuyên truyền VPTCT

Thông báo