01/11/2024
Hội nghị thống nhất Thông tư liên tịch về quản lý chướng ngại vật và đề xuất về vùng trời, đường bay cao không
Ngày 02/8/2013 Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức hội nghị để thống nhất các nội dung trong dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải về quản lý chướng ngại vật, thảo luận về một số đề xuất điều chỉnh vùng trời trung tận (viết tắt trong tiếng Anh là TMA) Tân Sơn Nhất, vùng cấm VVP4 và xem xét ý tưởng về đường bay cao không (RNAV 5). Trước đó, ngày 29/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quản lý chướng ngại vật hàng không và đảm bảo hoạt động bình thường của các đài trạm hàng không tại Việt Nam với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, các lãnh đạo, chuyên gia của các cơ quan, doanh nghiệp trong hàng không dân dụng gồm Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, và Cục tác chiến, Quân chủng Phòng Không - Không Quân.
Nội dung chính của Hội nghị gồm hai phần, phần một các đại biểu dưới sự chủ trì của ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không đã cùng nhau thảo luận để thống nhất dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn phối hợp giữa Bộ quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải để quản lý chướng ngại vật. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc Quản lý chướng ngại vật hàng không sân bay (gọi tắt là Nghị định 20). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định, công tác phối hợp giữa hàng không dân dụng và quân sự trong việc quản lý chướng ngại vật gặp phải một số khó khăn, ngoài ra, Nghị định 20 chưa đề cập và điều tiết các chướng ngại vật ảnh hưởng đến các đài, trạm hàng không. Để khắc phục điều này Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch để hướng dẫn cụ thể phối hợp giữa hàng không dân dụng và quân sự trong quản lý chướng ngại vật đồng thời bổ sung những khoản điều tiết quản lý chướng ngại vật ảnh hưởng đến các đài trạm hàng không. Trên cơ sở dự thảo Thông tư được ban soạn thảo đưa ra, các chuyên gia đã đóng góp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo cũng như các kiến nghị, đề xuất để đưa lên các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Trong Hội nghị này, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bày tỏ quan điểm về sự “cần thiết, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn công tác quản lý chướng ngại vật liên quan đến các hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam” và đề nghị có quy định cụ thể hơn về bề mặt giới hạn chướng ngại vật, trách nhiệm và thẩm quyền liên quan đến quản lý chướng ngại vật và cần thêm nội dung liên quan đến việc quản lý quy hoạch vùng trời dự kiến được hình thành.
Phần hai các đại biểu thảo luận về các đề xuất đối với một số điều chỉnh vùng trời TMA Tân Sơn Nhất, vùng cấm VVP4 và đề xuất về đường bay cao không (RNAV5).
Vùng cấm VVP4 là một vùng cấm bay nằm trên bầu trời thành phố Hồ Chí Minh được hình thành để bảo vệ các công trình và địa điểm trọng yếu đối với an ninh quốc gia trên thành phố Hồ Chí Minh. Vùng cấm có giới hạn ngang và cao từ mặt đất, nước đến 3000m (10000ft).
Với đặc điểm sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố do vậy vùng cấm bay VVP4 có ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động bay. Với độ cao 3000m và bố trí như hiện tại thì các tàu bay dân dụng thực hiện các phương thức tiếp cận bằng thiết bị chính xác vẫn luôn có nguy cơ vi phạm vùng cấm bay. Do vậy Cục hàng không Việt Nam đề xuất giảm giới hạn cao của vùng cấm bay từ 3000m xuống 1500m và thu hẹp vùng cấm bay để tránh vi phạm. Việc giảm giới hạn cao của khu vực cấm bay VVP4 xuống đến 1500m tạo thuận lợi cho việc dẫn dắt tàu bay vào khu vực mạch bay tại sân, thuận lợi cho người lái thực hiện các phương thức tiếp cận hạ cánh đồng thời giúp làm giảm tắc nghẽn trong khu vực Tân Sơn Nhất mà vẫn duy trì khu vực cấm bay đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên việc điều chỉnh khu vực cấm bay như VVP4 là rất quan trọng, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, phối hợp, hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ thành phố và hoạt động bay dân dụng. Sau khi đưa ra các ý kiến thảo luận các đại biểu đã thống nhất sẽ cần nghiên cứu thêm, phối hợp giữa các chuyên gia của hàng không dân dụng và quân sự để có được kết luận cuối cùng.
Để giải quyết những khó khăn tạo điều kiện cho công tác điều hành bay cũng như hiệu quả hơn cho tàu bay Cục hàng không Việt Nam đã đề xuất mở rộng vùng trời TMA Tân Sơn Nhất ra 60NM và giới hạn cao lên đến mực bay FL195. Nhằm đảm bảo tương ứng giữa giới hạn cao/ngang. Giải quyết được tồn tại trong công tác hiệp đồng phục vụ điều hành bay, giảm được khối lượng cho KSVKL.
Về đề xuất này của phía Hàng không dân dụng, phía Quân sự đã đồng ý sẽ nghiên cứu và đề xuất lên các cấp thẩm quyền cao hơn xem xét quyết đinh.
Trước khi kết thúc hội nghị các đại biểu đã được nghe Tiến sỹ Bùi Văn Võ – Trưởng phòng QLHĐB Cục HKVN trình bày về ý tưởng đường bay trên cao hay còn gọi là đường bay cao không (trên FL290). Thực chất đây là đường bay sử dụng phương pháp dẫn đường hiện đại PBN cụ thể là RNAV5. Theo thống kê thì gần 80% số lượng chuyến bay là theo tuyến Bắc Nam và chủ yếu là bay trên FL290. Theo tiến sỹ Võ thì thay vì sử dụng mạng lưới đường hàng không phức tạp như hiện tại sẽ sử dụng 02 đường hàng không Bắc-Nam một chiều chỉ bay trên FL290. Tất cả các đường hàng không nội địa còn lại sẽ sử dụng mực bay FL280 trở xuống. Theo ý kiến của Tổng công ty HKVN (VietNam airlines) thì đường bay cao không đã được sử dụng trên thế giới từ lâu và nếu có thể xây dựng ở Việt Nam sẽ rất có lợi cho các hãng hàng không và làm tăng an toàn hoạt động bay do có ít điểm giao cắt và là đường bay một chiều. Các đại biểu sau khi nghe trình bày ý tưởng đã đưa ra một số câu hỏi liên quan đến phân cách tàu bay, an toàn… và cùng nhau thảo luận. Tựu chung các đại biểu đều hoan nghênh ý tưởng và cho rằng cần nghiên cứu thêm về ý tưởng này để có thể áp dụng vào thực tế.
Ban Không lưu