20/12/2024
Hội thảo công tác hiệp đồng bay và phổ biến tổ chức vùng trời khu vực Cam Ranh
Tại hội thảo, các đơn vị đã thảo luận và đưa ra các phương án nhằm nâng cao hiệu quả công tác hiệp đồng giữa Hàng không dân dụng và Quân sự, tối ưu hóa tổ chức vùng trời khu vực sân bay Cam Ranh.
Tham dự hội thảo, về phía Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có ông Bùi Thanh Hà- Phó ban Không lưu, ông Phạm Văn Long- Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam và bà Lê Anh Chiến- Đài trưởng Đài kiểm soát không lưu Cam Ranh. Về phía Quân chủng Phòng không- Không quân có Thiếu tướng Đỗ Đức Minh- Phó Tham mưu trưởng Quân chủng, đại diện các Lãnh đạo Quân chủng Hải quân và các đơn vị quân sự liên quan khác.
Đồng chí Bùi Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội thảo
Mở đầu hội thảo, các đơn vị đã được nghe báo cáo của đồng chí Bùi Thanh Hà- Phó ban Không lưu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam về kết quả công tác phối hợp hiệp đồng giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam với Quân chủng Phòng không- Không quân, Quân chủng Hải quân trong năm 2017 vừa qua và những định hướng, kế hoạch công tác trong năm 2018. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Công ty Quản lý bay miền Nam, các Lãnh đạo Quân chủng Phòng không- Không quân và Quân chủng Hải quân, trong năm vừa qua công tác phối hợp hiệp đồng triển khai các nhiệm vụ cụ thể của hai bên được đánh giá là hoàn thành tốt nhiều nội dung trọng tâm.
Năm 2017, Đài kiểm soát không lưu Cam Ranh đã có những chuyển biến mạnh mẽ khi đưa vào hoạt động hệ thống ADS- B, góp phần nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu, giảm thiểu phân cách giữa các tàu bay với nhau mà vẫn đảm bảo an toàn. Đồng thời đưa vào sử dụng các phương thức SIDs và STARs mới (dựa trên tính ưu việt của tính năng dẫn đường PBN đang được áp dụng rộng rãi trên cả nước) thay thế các phương thức dẫn đường cổ. Các phương thức mới này góp phần giảm thiểu thời gian bay chờ của tàu bay so với các phương thức cổ điển cũng như giảm thiểu khối lượng công việc cho các kiểm soát viên không lưu, đặc biệt là trong công tác hiệp đồng khi có hoạt động bay quân sự diễn ra tại sân bay. Đây là một bước tiến mạnh mẽ cho công tác phối hợp hiệp đồng giữa Hàng không dân dụng và Quân sự nói chung và giữa Đài kiểm soát không lưu Cam Ranh với các đơn vị quân sự liên quan nói riêng.
Với hoạt động bay quân sự và hàng không dân dụng tăng trưởng hàng năm đòi hỏi vùng trời trách nhiệm của sân bay Cam Ranh phải được mở rộng và tách biệt với vùng trời có hoạt động bay quân sự để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp tàu bay quân sự mất phân cách với tàu bay dân dụng. Để làm được điều đó đòi hỏi công tác phối hợp hiệp đồng giữa hai bên phải được thắt chặt hơn nữa, cũng như xây dựng các phương thức kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị quân sự thực hiện nhiệm vụ của mình.
Với quyết định của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, ngày 16 tháng 08 sẽ thành lập Trung tâm kiểm soát tiếp cận, lấy tên là Trung tâm kiểm soát tiếp cận- tại sân Cam Ranh, là một bước tiến lớn trên con đường phát triển của Hàng không Việt Nam nói chung và sân bay Cam Ranh nói riêng. Vùng trời của sân bay Cam Ranh sẽ được nâng lên thành vùng trời tiếp cận, mở rộng kích thước vùng trách nhiệm lên đến 75 km với các đường bay được thiết kế không xâm phạm các đường bay cũng như không vực có hoạt động bay quân sự.
Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khi sân bay Cam Ranh là một sân bay rất phức tạp với đặc thù địa hình nhiều núi cao. Nhưng sau khi nghe các báo cáo trọng tâm, nhờ sự quan tâm, hợp tác của các cơ quan, đơn vị Quân sự liên quan, hai bên đã đề ra được một số điều chỉnh, góp ý cho việc thiết kế cũng như xây dựng vùng trời trách nhiệm sân bay Cam Ranh.
Đồng chí Phạm Văn Long- Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo Đài kiểm soát không lưu Cam Ranh hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị Quân sự liên quan khi họ thực hiện nhiệm vụ tại sân bay Cam Ranh. Đồng chí còn nhấn mạnh: an toàn của tàu bay, cả dân dụng lẫn quân sự phải được đặt lên trên hàng đầu. Không được để một sai sót dù là nhỏ nhất gây ảnh hưởng đến các hoạt động bay tại sân bay Cam Ranh. Hai bên trong quá trình phối hợp điều hành bay có thể sẽ có những khúc mắc hay trở ngại nhưng không được vì thế mà quên đi nhiệm vụ của mình, phải cùng nhau hướng đến lợi ích chung.
Đại diện lãnh đạo các bên chụp hình lưu niệm
Kết luận tại hội thảo, Thiếu tướng Đỗ Đức Minh- Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không- Không quân đặc biệt nhấn mạnh phải đảm bảo chặt chẽ công tác hiệp đồng, đặc biệt là đảm bảo hiệp đồng với các đơn vị có hoạt động bay trực tiếp tại sân bay Cam Ranh. Ông yêu cầu thời gian tới phải tích cực triển khai công tác huấn luyện, rút kinh nghiệm từ những thiếu sót còn đang tồn tại, xác định nguyên nhân và hướng khắc phục những khó khăn cũng như tổ chức các buổi hội thảo bàn bạc, thảo luận công tác phối hợp hiệp đồng giữa Hàng không dân dụng và Quân sự trong tương lai, nâng cao tinh thần đoàn kết giữa Hàng không dân dụng và Quân sự trong việc bảo vệ vùng trời lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 2018 sẽ là một năm có nhiều thách thức và đổi mới đối với sân bay Cam Ranh. Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Quân chủng Phòng không- Không quân, Quân chủng Hải quân, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Quân chủng Phòng không- Không quân, Quân chủng Hải quân sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác thông báo, hiệp đồng, tuân thủ chặt chẽ các Quy tắc bay và điều hành bay, đảm bảo cho các hoạt động bay của Hàng không dân dụng và quân sự an toàn tuyệt đối và hiệu quả.
Đoàn Trung Dương- Kiểm soát viên không lưu