Hướng tới kỷ niệm 61 năm ngày Kiểm soát viên không lưu Quốc tế (20/10/1961-20/10/2022)

thứ năm, 20/10/2022 04:09

Kiểm soát Không lưu là dịch vụ được cung cấp bởi các kiểm soát viên tại mặt đất, đó là những người điều hành tàu bay đang hoạt động trên trời lẫn mặt đất. Mục tiêu chính của hệ thống kiểm soát không lưu là tổ chức và điều hòa nền không lưu, phân cách các tàu bay nhằm tránh va chạm. Ngoài ra, các kiểm soát viên không lưu cung cấp thông tin và sự hỗ trợ cần thiết khác cho tổ bay. Kiểm soát viên Không lưu được chia thành 03 vị trí chính, đó là: Kiểm soát đường dài, kiểm soát tiếp cận và kiểm soát tại sân/mặt đất.

Quay trở lại quá khứ trước năm 1921, các tàu bay chưa được trang bị các hệ thống dẫn đường hiện đại, phi công phải thực hiện các giai đoạn của chuyến bay thủ công và quan sát xung quanh bằng mắt. Việc nhận diện các tàu bay khác là gần như bất khả thi, đặc biệt khi cất, hạ cánh, vì vậy tiềm ẩn rủi ro cao xảy ra va chạm giữa các tàu bay. Nhận thấy sự cần thiết việc phải thành lập một đơn vị hỗ trợ dẫn dắt các phi công bay theo đúng lộ trình đã định, tránh xảy ra các va chạm ngoài ý muốn,nhà chức trách hàng không thời bấy giờ đã quyết định thành lập cơ sở điều hành bay không lưu. Và năm 1921, Ông Archie League đã trở thành kiểm soát viên không lưu đầu tiên trên thế giới, làm việc tại sân bay  Croydon thuộc thành phố London, Anh. Vào thời điểm đó, ông đã sử dụng những lá cờ với các màu sắc khác nhau để điều hành tàu bay cất, hạ cánh tại sân bay. Những quy tắc không lưu đầu tiên được thiết lập trong Đạo luật Không vận của Hoa kỳ  (1926) và các đài Kiểm soát không lưu được trang bị hệ thống liên lạc viễn thông tại một số địa phương vào năm 1930. Tiếp sau năm 1933, các chuyến bay bằng thiết bị đã được bắt đầu thực hiện.

a1Ông Archie League, KSVKL đầu tiên trên thế giới; sử dụng hai lá cờ
trong đó cờ màu đỏ để hiệu lệnh "Chờ", cờ caro để hiệu lệnh "Đi"

a2Archie League và vị trí điều bay hành đầu tiên trên thế giới

Năm 1956, ông Jacol Watchtel là người sáng lập và cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Kiểm soát không lưu Israel đã đề xuất thành lập Hiệp hội Kiểm soát không lưu quốc tế. Nhưng mãi đến năm 1961, nhằm tạo liên kết, thúc đẩy ngành kiểm soát viên không lưu (KSVKL) tiến xa hơn lên tầm quốc tế, Hiệp hội Kiểm soát viên Không lưu quốc tế (IFATCA) đã được thành lập quyết định lấy ngày 20/10 hằng năm là ngày tôn vinh các KSVKL trên toàn thế giới. Cho đến nay, Hiệp hội đã có hơn 130 thành viên là các hiệp hội kiểm soát viên không lưu thuộc các quốc gia từ tất cả các châu lục, và hơn 50.000 kiểm soát viên không lưu.

a3Hội nghị thành lập Hiệp hôi AFATCA, Amsterdam, Hà Lan, năm 1961

Tại Việt Nam, ngay sau khi cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã thắng vẻ vang, chúng ta đã tổ chức tốt việc tiếp quản sân bay Gia Lâm, tiếp nhận các cơ sở trang thiết bị kỹ thuật hàng không tại sân bay, bảo vệ giữ gìn các tài sản hiện có đồng thời nghiên cứu nắm tình hình chuẩn bị tiến hành sửa chữa, khôi phục duy trì các hoạt động phục vụ bay khi ta tiếp quản sân bay. Ngày 31/12/1954, tại sân bay Gia Lâm, các nghi thức tiếp quản, bàn giao được tiến hành. Đúng 0 giờ ngày 01/01/1955, từ sân bay Gia Lâm, một bức điện đã phát lên không trung báo cho toàn thế giới được biết “Kể từ 0 giờ ngày 01/01/1955 theo giờ Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn vào ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra đều phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội”. Bức điện lịch sử đầu tiên là bản thông điệp khẳng định quyền làm chủ bầu trời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đánh dấu sự ra đời của Cơ quan Điều phái - tiền thân của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ngày nay.

1(2)Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đài chỉ huy cất hạ cánh tại sân bay Gia Lâm sau ngày tiếp quản

3(2)Khôi phục xong sân bay Gia Lâm và tổ chức công tác chỉ huy bay lập thành tích chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô (1/1/1955)

Trải qua các giai đoạn với nhiều sự thay đổi trong công cuộc đổi mới đất nước, gày 20/4/1993, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định 746-TCCB/LĐ chuyển đổi tổ chức của Công ty Quản lý bay Hàng không dân dụng Việt Nam thành Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam, trở thành đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước, ngày 25/6/2010, Bộ Giao thông Vận tải ban hành quyết định số 1754/QĐ-BGTVT, Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam chuyển thành Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây là một sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo đà cho chiến lược phát triển của Tổng công ty. Chuyển đổi sang mô hình mới với phạm vi hoạt động kinh doanh mở rộng bao gồm cả trong và ngoài nước. 

Để đạt được sự tiến bộ vượt bậc, phát triển vững mạnh và ổn định xuyên suốt thời lịch sử với nhiều giai đoạn biến động của đất nước thì không thể bỏ qua sự đóng góp của lực lượng tiên phong của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, đó chính là lực lượng Kiểm soát viên Không lưu (KSVKL). Một trong những nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay cất, hạ cánh, bay qua trong vùng trời trách nhiệm của Việt Nam, lực lượng KSVKL đã nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng trong công tác chuyên môn, thường xuyên cập nhật các kiến thức, tài liệu chuyên môn mới; đổi mới các phương thức điều hành bay nhằm tối ưu hóa tối đa vùng trời, nâng cao năng lực điều hành bay, gia tăng số lượt bay trên các đường hàng không nội địa và quốc tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, lực lượng KSVKL còn phối hợp với các đơn vị Phòng không - Không quân trên cả nước trong việc đảm bảo chủ quyền bầu trời Việt Nam, đây cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có sự ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và chính trị của Việt Nam.

_92A9148Kiểm soát viên không lưu điều hành bay

Với trách nhiệm nặng nề trên vai, nhưng các KSVKL vẫn miệt mài làm việc ngày đêm, với mong ước những chuyến bay trên khắp lãnh thổ Việt Nam được đảm bảo an toàn, mọi hành trình đều sẽ hoàn thành được đích đến, mọi gia đình đều sẽ được đoàn tụ. KSVKL những người thầm lặng nhưng đem lại sự ảnh hưởng to lớn đến cho toàn xã hội. Với sự đóng góp như vậy, các KSVKL xứng đáng được tôn vinh trong ngày Hội của chính mình, ngày 20/10 - Ngày Kiểm soát viên không lưu Quốc tế.

Nguyễn Thanh Toàn

Thông báo