26/04/2025
Không quân vận tải - Hàng không dân dụng Việt Nam: Những cánh bay góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975
Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước. Trong thắng lợi vĩ đại đó, một lực lượng đặc biệt đã có những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng – đó chính là lực lượng Không quân vận tải - Hàng không dân dụng Việt Nam.
Kết hợp chặt chẽ quân sự và dân dụng – xây dựng lực lượng vững mạnh
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ngày 10 tháng 11 năm 1973, Bộ Quốc phòng đã có quyết định chiến lược: thành lập Lữ đoàn Không quân vận tải 919 trên cơ sở sát nhập lực lượng Hàng không dân dụng và Trung đoàn không quân vận tải 919 thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là bước đi mang tầm nhìn chiến lược, kết hợp sức mạnh quân sự với dân dụng, tạo nên một lực lượng vận tải hàng không có năng lực cơ động nhanh, đáp ứng nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những cánh bay mở đường cho đại thắng, dồn toàn lực chi viện cho chiến trường miền Nam
Ngay từ đầu năm 1975, sân bay Đồng Hới đã trở thành điểm trung chuyển chiến lược. Các loại máy bay trực thăng Mi-6, Mi-8, Mi-4 và máy bay cánh cố định như AN-2, Li-2, IL-14, IAK-40 thuộc Lữ đoàn 919 liên tục vận chuyển quân, lương thực, vũ khí, thuốc men từ Gia Lâm vào và từ đó dùng ô tô vận chuyển tiếp, vượt sông Bến Hải vào Đông Hà - Đường 9, phân đi các chiến trường miền Nam. Cán bộ, chiến sĩ Không quân vận tải - Hàng không dân dụng phục vụ tận tình, chu đáo, an toàn tác chiến trên sân bay Đổng Hới.

(Phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Hàng không dân dụng Việt nam đã thực hiện nhiều chuyến bay chở bộ đội, cán bộ vào chiến trường và làm nhiệm vụ tiếp quản)
Khi chiến dịch Tây Nguyên bùng nổ ngày 4 tháng 3 năm 1975 với thắng lợi rực rỡ ở Buôn Ma Thuột, lực lượng Không quân vận tải - Hàng không dân dụng lập tức có mặt tiếp quản các sân bay, cơ sở kỹ thuật của địch tại Buôn Ma Thuột và Plei Ku, kịp thời bảo đảm hậu cần cho các mũi tiến công.
Sau khi Huế được giải phóng ngày 25 tháng 3, tổ bay Mi-8 do đồng chí Nguyễn Như Chứng làm lái chính đã nhanh chóng đưa các đồng chí lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân đến sân bay Phú Bài để trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Không lâu sau, ngày 29 tháng 3, khi Đà Nẵng – căn cứ liên hợp lớn nhất miền Trung của Mỹ-ngụy được giải phóng, lực lượng Không quân - Hàng không dân dụng lập tức tiếp quản sân bay Đà Nẵng, tổ chức đơn vị kỹ thuật tương đương trung đoàn để khôi phục hoạt động.
Không vận thần tốc - yếu tố quyết định thành công
Chủ trương giải phóng Sài Gòn - Gia Định được triển khai khẩn trương với tinh thần "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng". Lữ đoàn 919 đã mở cầu hàng không dân dụng với các chuyến bay AN-24, IL-18 từ Hà Nội vào Huế, Đà Nẵng, rồi từ đây tiếp tục đến các sân bay vùng giải phóng.
Ngày 20 tháng 4, chiếc IL-18 từ Hà Nội bay vào Đà Nẵng mang theo phi công và kỹ thuật viên huấn luyện chuyển loại sử dụng máy bay A-37 – loại máy bay chiến lợi phẩm, để chuẩn bị thực hiện đòn không kích vào sào huyệt địch. Chỉ một tuần sau, lúc 16 giờ 25 phút ngày 28 tháng 4, đội hình máy bay A-37 do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu đã xuất kích từ Phan Rang, đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất, giáng một đòn chí tử vào đầu não địch.

Trong suốt Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng Không quân vận tải - Hàng không dân dụng đã thực hiện 163 chuyến bay, cơ động hơn 4.250 cán bộ, chiến sĩ; vận chuyển hơn 120 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật (trong đó có 48 tấn đạn pháo cho xe tăng), bản đồ thành phố Sài Gòn, cờ, biểu ngữ, truyền đơn và thuốc men…, góp phần đắc lực vào thắng lợi toàn diện của chiến dịch.
Lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập – Biểu tượng cho thắng lợi lịch sử
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, năm cánh quân lớn của Quân Giải phóng đồng loạt tiến vào Sài Gòn, cùng với quần chúng nổi dậy đánh sập hoàn toàn chính quyền ngụy, giải phóng Thành phố. Chỉ một ngày sau, chiếc trực thăng Mi-6 do đồng chí Lê Đình Ký điều khiển đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, mang theo lá cờ Tổ quốc rất lớn để cắm lên nóc Dinh Độc Lập – biểu tượng cho thắng lợi lịch sử.
Ngày 15 tháng 5 năm 1975, chiếc IL-18 mang số hiệu VN195 đã đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng và đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng. Những cánh bay hòa bình từ Bắc vào Nam chính là minh chứng sống động cho một đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.


Tiếp quản, khôi phục, ổn định đất nước
Sau ngày giải phóng, Hàng không dân dụng vẫn nằm trong Lữ đoàn 919, đảm nhiệm tiếp quản các cơ sở hàng không dân dụng của chính quyền cũ, trong đó có Nha Hàng không dân dụng Sài Gòn và hãng Air Vietnam. Chúng ta đã thu hồi 282 sân bay và 14 máy bay dân dụng, kêu gọi 2.166 nhân viên kỹ thuật hàng không chế độ cũ trở lại làm việc, nhanh chóng khôi phục các hoạt động hàng không, phục vụ nhân dân và nhiệm vụ quân sự.
Ngày 3 tháng 6 năm 1975, Binh chủng Không quân Nhân dân Việt Nam vinh dự được Chủ Tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Trong chiến công chung ấy, có sự đóng góp đầy tự hào của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Hàng không dân dụng thuộc Lữ đoàn 919.
Phương Hằng