04/11/2024
Một số nét về bức tranh toàn cảnh ngành Hàng không trong năm kế hoạch 2013
Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
Những thuận lợi:
Về thị trường hàng không, năm 2013 chịu tác động do tình hình suy thoái kinh tế thế giới nói chung và khó khăn kinh tế của Việt Nam nói riêng, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã kịp thời đưa ra các chính sách hợp lý và các giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không từ đó góp phần tạo nên những kết quả hết sức ấn tượng (tăng 16,7% về hành khách và 19,6% về hàng hóa so với năm 2012). Với tốc độ tăng trưởng về thị trường như vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với mức trung bình của khu vực và thế giới cũng như đảm bảo thực hiện đúng định hướng phát triển theo Quy hoạch phát triển Giao thông Hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiềm năng phát triển của chúng ta vẫn còn rất lớn, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) thì trong vòng 10 năm nữa Việt Nam sẽ là một trong ba thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Bra-xin.
Công tác xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đã được triển khai một cách đồng bộ, nhất quán và có trọng điểm, góp phần định hướng phát triển ngành Hàng không an toàn, bền vững và hiệu quả, đồng thời tham gia vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.
Công tác đầu tư phát triển luôn được coi trọng và quan tâm hàng đầu. Đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đã đạt số lượng lớn với những chủng loại hiện đại nhất, tuổi bình quân thấp so với khu vực. Hạ tầng cơ sở các cảng hàng không, sân bay đã được triển khai đầu tư, nâng cấp một cách đồng bộ theo đúng Quy hoạch ngành và phù hợp với quy hoạch cảng hàng không được duyệt. Tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không Việt Nam từ mức 6 triệu hành khách năm 2000 đã nâng lên mức 50 triệu hành khách vào năm 2013, tăng khoảng 8 lần.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hàng không đã được xây dựng, ban hành toàn diện và đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực quản lý từ an toàn, an ninh, khai thác cảng hàng không, sân bay, quản lý hoạt động bay, thuê mua tàu bay, môi trường, đầu tư… tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thông thoáng góp phần thúc đẩy thị trường hàng không phát triển tốt trong thời gian vừa qua.
Những khó khăn:
Ngân sách Nhà nước cho phát triển hạ tầng ngành Hàng không đã ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay và quản lý hoạt động bay.
Trong điều kiện các cảng hàng không, sân bay hoạt động với tần suất bay cao, một số cảng hàng không, sân bay tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, phải đóng cửa hoặc hạn chế khai thác đã ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác, vận chuyển của các hãng hàng không.
Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong khi mật độ, tính chất hoạt động bay ngày càng phức tạp cũng đã đặt ra những thách thức rất lớn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn bay.
Các kết quả chính đạt được trong năm 2013:
Về sản lượng và tốc độ tăng trưởng thị trường vận tải hàng không:
- Tổng thị trường vận chuyển ước đạt 29,59 triệu lượt hành khách, 630 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 16,7% về hành khách và 19,6% về hàng hóa so với năm 2012 (Quốc tế: 15,1 triệu lượt khách, 495 nghìn tấn hàng, tăng tương ứng 14,3% về hành khách và 22% về hàng hóa so với năm 2012; Nội địa: 14,5 triệu lượt khách, 135,5 nghìn tấn hàng, tăng tương ứng 19,3% về hành khách và tăng 11,5% về hàng hóa so với năm 2012). Như vậy, các chỉ tiêu sản lượng và tốc độ tăng trưởng tổng thị trường quốc tế đã đạt và vượt kế hoạch của năm 2013.
- Sản lượng thông qua các cảng hàng không ước đạt 325 nghìn lần hạ cất cánh, 44 triệu lượt hành khách, 769 nghìn tấn hàng hóa, bưu kiện, tăng tương ứng 5,4% về hạ cất cánh, 17,5% về hành khách và 18,6% về hàng hóa so với năm 2012.
- Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam ước đạt 20,7 triệu lượt hành khách, xấp xỉ 221 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 18,2% về hành khách và 11% về hàng hóa so với năm 2012 (Quốc tế: 6,2 triệu lượt khách, 85 nghìn tấn hàng, tăng tương ứng 15,9% về hành khách và 10% về hàng hóa so với năm 2012; Nội địa: 14,5 triệu lượt khách, 135,5 nghìn tấn hàng, tăng tương ứng 19,3% về hành khách và tăng 11,5% về hàng hóa so với năm 2012). Thị phần hành khách, hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam đạt 41% về hành khách tăng 0,6 điểm và 17,1% về hàng hóa giảm 2,4 điểm so với năm 2012.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch phát triển hàng không, đến thời điểm này đã nâng năng lực khai thác cảng hàng không, sân bay lên hơn 50 triệu hành khách/năm. Năng lực khai thác này đã đáp ứng yêu cầu thực tế khai thác của các hãng hàng không và góp phần rất lớn trong việc thực hiện định hướng, mục tiêu của ngành Hàng không trong năm 2013. Đây là một nỗ lực vượt bậc của ngành trong việc đầu tư phát triển hạ tầng hàng không đáp ứng yêu cầu đi lại của hành khách trong nước và quốc tế.
Kết quả đầu tư phát triển đội tàu bay: Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam đã có một đội tàu bay hùng hậu về số lượng gồm 100 tàu bay các loại (B777, A330, A321, A320, F70, ATR72), hiện đại về công nghệ với độ tuổi trung bình là 5,9 tuổi. Đây là thành quả hết sức quan trọng tạo nên kết quả đáng khích lệ về vận tải hàng không năm 2013.
Chất lượng dịch vụ hàng không cũng đã được cải tiến, nâng cấp trong cả hệ thống dây chuyền từ khâu đầu đến khâu cuối. Vấn đề mang tính thời sự là giá cả dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không, sân bay đã được giải quyết một cách triệt để, đồng bộ trong toàn hệ thống, nhằm đảm bảo ngày càng cao chất lượng phục vụ hành khách và đa dạng hóa dịch vụ cung cấp.
Với sự nỗ lực triển khai các quy trình hướng dẫn liên quan đến an toàn, an ninh và tăng cường giám sát, nhận diện và ngăn chặn tận gốc nguy cơ đe dọa, uy hiếp an toàn, an ninh trong suốt quá trình khai thác tàu bay, trong năm 2013, hàng không Việt Nam đã khai thác an toàn 325 nghìn lần chuyến bay hạ cất cánh đi và đến Việt Nam.
Cục HKVN đã triển khai thực hiện các đề án tối ưu hóa đường hàng không và phương thức bay: Đối với đường hàng không sau khi thiết lập, điều chỉnh, nhiều đường hàng không đã rút ngắn khoảng cách và thời gian bay. Năm 2013, Cục HKVN đã phối hợp với ICAO và Hàng không dân dụng Thái Lan rút ngắn khoảng cách 70 km và tiết kiệm 12 phút bay trên đường hàng không R202 trong vùng thông báo bay (FIR) Băng Cốc phục vụ tuyến bay Hà Nội và Yan-gun (Mi-an-ma). Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung 300 sơ đồ phương thức bay đi, đến, tiếp cận, bay chờ tại các sân bay. Trong đó, các phương thức bay khi đưa vào hoạt động đã tiết kiệm được hàng triệu USD như phương thức bay hạ cánh đầu 26 Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đầu 02 Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và đầu 35 Cảng hàng không Vinh. Các đường hàng không, phương thức bay mới, điều chỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bay, nâng cao khả năng thông qua vùng trời và đường hàng không.
Có thể nói năm 2013 ngành Hàng không đã gặt hái được nhiều thành công. Đó là kết quả của việc luôn chủ động chỉ đạo, định hướng các đơn vị thực hiện tuân thủ theo chiến lược phát triển ngành, quy hoạch phát triển hàng không, các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải để đưa ra các giải pháp, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành một cách kịp thời.
Cục HKVN luôn duy trì việc điều tiết tải cung ứng toàn thị trường thông qua việc cấp quyền vận chuyển hàng không, cấp phép bay theo nhu cầu của các hãng hàng không, không có cơ chế hạn chế tải cung ứng đối với các hãng hàng không.
Thực hiện chính sách giảm dần sự điều tiết đối với vận tải hàng không thông qua các thoả thuận song phương và đa phương, định hướng chung là nới lỏng, tiến tới tự do hoá đối với các quyền tiếp cận thị trường. Đối với lĩnh vực đa phương, tiếp tục tham gia trong các diễn đàn ASEAN, APEC theo hướng duy trì chính sách tự do hóa trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN và các quốc gia đối tác, thực hiện 8 lĩnh vực ưu tiên thực hiện trong APEC.
Cục HKVN cũng tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong ngành để nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách; Chủ động tăng cường công tác phối hợp xây dựng, ký kết Chương trình hợp tác giữa Cục HKVN và Tổng cục Du lịch giai đoạn 2013 - 2015 và Kế hoạch phối hợp cụ thể giữa hai đơn vị đến năm 2014. Chương trình hợp tác đã được triển khai tới các đơn vị trong ngành Hàng không để có kế hoạch phối hợp, thực hiện.
Tết Nguyên đán đang đến gần, hoạt động bay tăng, đòi hỏi toàn ngành dồn hết toàn lực nhằm đảm bảo phục vụ việc đi lại của hành khách kịp thời, thuận lợi nhất và đặc biệt là đảm bảo an toàn tốt cho các hoạt động bay. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm hết sức nặng nề, nhưng vinh dự đối với cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Hàng không Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong toàn ngành Hàng không./.
Đinh Việt Thắng