15/01/2025
Một sự đầu tư cho tương lai: Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành
Theo đánh giá của IATA, Việt Nam là một trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và là thị trường quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, quy mô, năng lực khai thác của các sân bay quốc tế tại Việt Nam còn rất nhỏ bé so với nhiều quốc gia trong khu vực, sức cạnh tranh yếu, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa được phát triển đồng bộ,… Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, trong năm 2012 khoảng trên 17 triệu hành khách và 348.000 tấn hàng hóa đã được phục vụ. Mặc dù đã được nâng cấp, tách nhà ga quốc tế và nội địa riêng, sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải đặc biệt vào một số khung giờ cao điểm, số chuyến và số khách vượt quá giới hạn theo lý thuyết. Kết quả dự báo sản lượng hàng không cho thấy Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất thiết kế là 20-25 triệu hành khách/năm trong khoảng từ năm 2018 đến năm 2020 và sẽ quá tải sau đó.
Ngày 08/7/2013, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Tham gia Hội thảo, đoàn đại biểu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam do Ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Tổng giám đốc làm Trưởng đoàn cũng đã nêu ra một số vấn đề trong báo cáo tham luận liên quan đến công tác đảm bảo an toàn hoạt động bay, ví dụ như:
Việc khai thác CHKQT Long Thành sẽ làm thay đổi các luồng không lưu hiện nay và có tác động rất lớn đến: Cấu trúc mạng đường hàng không; Công tác tổ chức vùng trời của CHKQT Long Thành, CHKQT Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa và có thể ảnh hưởng đến các phân khu kiểm soát của ACC Hồ Chí Minh do đó cần phân tích làm rõ các ảnh hưởng này và đề xuất các giải pháp.
Phương án tổ chức các dịch vụ điều hành bay chưa phân tích, đánh giá đầy đủ, còn nội dung chưa phù hợp như nhu cầu thiết lập vùng tiếp cận và cơ sở kiểm soát tiếp cận (APP) Long Thành; nhu cầu kết hợp hoặc phối hợp giữa APP Long Thành và APP Tân Sơn Nhất; việc xác lập khu vực trách nhiệm cho Đài kiểm soát tại sân bay (TWR) Long Thành có bán kính 05NM, giới hạn cao tới 2.000ft và bố trí 04 vị trí kiểm soát cho mỗi đường cất hạ cánh do đó cần phải nghiên cứu, phân tích đầy đủ để xác định tính khả thi của các phương án.
Do có việc phân bổ lại số lượng các chuyến bay quốc tế và nội địa đi và đến của hai cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành, cần phải xây dựng Phương án chuyển đổi một phần các dịch vụ điều hành bay từ cảng HKQT Tân Sơn Nhất sang cảng HKQT Long Thành, phương án phải đảm bảo tính liên tục, an toàn dịch vụ điều hành bay khi khai thác song song cả hai cảng hàng không.
Về phương án đầu tư đường cất hạ cánh (CHC), phía Tổng công ty cũng đề nghị Tư vấn phân tích phương án đầu tư hai đường CHC xa ngay ở Giai đoạn 1 thay vì phương án hai đường CHC gần như trong Báo cáo do việc hạn chế khả năng tiếp nhận máy bay và không phát huy hết công suất của hai nhà ga nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng 2.500 ha trong Giai đoạn 1….
Mặc dù còn một số nội dung cần phải bổ sung hoặc làm rõ trong quá trình thực hiện báo cáo nghiên cứu dựa án. Tuy nhiên, với công suất lên đến 80-100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp 4F của ICAO, khi hoàn tất các giai đoạn của dự án, hạ tầng cơ sở sân bay được xây dựng đồng bộ theo công nghệ hiện đại, tiên tiến; có thể khẳng định sân bay Long Thành ra đời không những sẽ giải quyết triệt để bài toàn quá tải hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất mà còn tạo điều kiện hỗ trợ các hãng hàng không mở rộng khai thác đi/đến khu vực miền Nam Việt Nam, đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường hàng không Việt Nam trong những năm tới.
Cảng HKQT Long Thành được quy hoạch để trở thành một cảng HKQT lớn nhất toàn quốc, có khả năng phát triển thành Trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa lớn trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng HK lớn trên thế giới, góp phần và tác động đến nhiều ngành kinh tế và dịch vụ trong nước và trong khu vực, du lịch, công thương mại, đặc biệt là công nghiệp hàng không. Khi cảng hàng không trung chuyển quốc tế hình thành được mạng lưới tuyến hàng không rộng khắp, góp phần thu hút thêm hành khách và hàng hóa đến cảng và trung chuyển đi khắp thế giới. Cảng HKQT Long Thành đi vào hoạt động sẽ góp phần vào phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là khu vực tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu và trong tương lai sẽ có tác động lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển hơn nữa nền kinh tế quốc dân.
Bài: Ban Không lưu