Nguồn nhân lực lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay

thứ năm, 14/08/2014 05:15

Chiến lược xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Tổng công ty trở thành một trong những Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt đông bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á trên cả hai tiêu chí năng lực điều hành bay và chất lượng các dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2020, năng lực điều hành bay của Tổng công ty đáp ứng được  lưu lượng hoạt động bay từ tám trăm ngàn đến  một triệu chuyến bay (gấp đôi lưu lượng bay năm 2010); đến năm 2030 năng lực điều hành đạt từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu chuyến bay (gấp ba lần lưu lượng bay năm 2010). Đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của ICAO và đảm bảo an toàn cho 100% chuyến bay hoạt động trong vùng trời trách nhiệm của Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020 tổng thu đạt trên 5 112 tỷ đổng, và nộp ngân sách nhà nước đạt 2 675 tỷ đồng, tăng bình quân  từ 7% - 10% hàng năm về cả hai chỉ tiêu này.

Về quy mô doanh nghiệp, dự kiến đến năm 2020 có vốn điều lệ trên 3000 tỷ đồng (hiện nay Tổng công ty có vốn điều lệ là 2 552 tỷ  746 triệu đồng), trong đó Công ty mẹ đóng vai trò thực hiện chức năng đầu tư tài chính, nắm giữ bí quyết công nghệ, chi phối về thị trường trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con với số lượng 2 -3 công ty con hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và công ty TNHH.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay là một yêu cầu cấp bách, liên quan trực tiếp đến một trong ba trụ cột làm nền tảng cho sự phát triển của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn nhân lực lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay

Nguồn nhân lực lĩnh vực bảo đảm hoạt đông bay là gì? Quản lý bay hay còn gọi là bảo đảm hoạt động bay là một trong ba bộ phận chính cấu thành ngành  Hàng không: Vận tải hàng không (chuyên chở hành khách, hàng hóa); Cảng hàng không sân bay (đảm bảo hạ tầng khu bay và khu vực làm thủ tục hành khách, hàng hóa trước và sau chuyến bay); Quản lý bay (bảo đảm các dịch vụ cho các chuyến bay thực hiện an toàn, hiệu quả trong suốt chuyến bay).

Các Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (tên tiếng Anh là Air Navigation Services) là dịch vụ cần thiết để bảo đảm an toàn, điều hòa, liên tục và hiệu quả cho hoạt động bay,  bao gồm các dịch vụ sau: dịch vụ không lưu (ATS/ATM);  dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát (CNS); dịch vụ khí tượng ( MET); dịch vụ thông báo tin tức hàng không (AIS/AIM); và dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn (SAR)  (được nêu trong điều 95 Luật HKDD 2006). Luật Hàng không cũng xác định dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là dịch vụ công ích.

Nhân lực của Tổng công ty Quản lý bay hiện tại có thể phân định một cách tương đối thành ba khối, dựa trên  tính chất công việc và mức độ tham gia vào dây chuyền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Bao gồm Khối Quản lý, Khối Phục vụ và Khối Bảo đảm hoạt động bay (trong Khối Bảo đảm hoạt động bay đó có nhóm Kiểm soát không lưu hay còn gọi là Điều hành bay – ATC).  Ở đây không đề cập đến khối quản lý và khối phục vụ, chỉ xin đi trao đổi về  nguồn nhân lực đặc thù của Tổng công ty Quản lý bay đó là Khối bảo đảm hoạt động bay.

Đề cập đến Khối Bảo đảm hoạt động bay là toàn bộ lực lượng liên quan trực tiếp đến cung cấp dịch vụ một dịch vụ nào đó trong các dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay.  Theo thông tư 61/2011/TT-BGTVT ngày 21/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải, trong 14 nhóm “Chức danh nhân viên hàng không” thì Tổng công ty Quản lý bay có tới 7 nhóm nhân viên hàng không: nhân viên không lưu, nhân viên thông báo tin tức hàng không, nhân viên thông tin-dẫn đường-giám sát hàng không, nhân viên khí tượng  hàng không, nhân viên thiết kế phương thức bay HKDD, nhân viên tìm kiếm – cứu nạn hàng không và nhân viên an ninh hàng không (đảm bảo công tác an ninh bảo vệ tại các cơ sở điều hành bay). Ngoại trừ nhóm nhân viên an ninh hàng không, 6 nhóm nhân viên còn lại đều nhằm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Trong đó nhóm nhân viên thiết kế phương thức bay là có thể coi một nhóm đặc biệt của nhân viên không lưu.

Nguồn nhân lực chất lượng cao không phải là tập hợp những người có bằng cấp,  học vị cao mà đó chính là những người giỏi về chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị cao trong từng công việc mà họ đảm nhiệm; có thể đó là những nhân viên bình thường, kỹ sư, cán bộ quản lý phòng, ban, đơn vị hoặc cũng có thể là một người làm công việc phục vụ đơn thuần. Do vậy, nói đến nguồn chất lượng cao trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay là chúng ta đề cập đến chất lượng của cả khối cán bộ nhân viên tham gia trực tiếp trong việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Nguồn nhân lực hiện có của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam

Theo tính chất công việc:

- Khối Quản lý (gồm các cán bộ quản lý và các chuyên viên chuyên môn, nghiệp vụ làm việc tại các cơ quan tham mưu giúp việc của Tổng công ty và các đơn vị): 837 người  chiếm 30%.

- Khối Phục  vụ (gồm lực lượng thừa hành, lái xe, tạp vụ bảo vệ..): 414 chiếm 15%.

- Khối Cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay: 1538 chiếm 55%.

Theo trình độ đào tạo:

- Sau Đại học: 118 người chiếm 4%    

- Đại học và cao đẳng: 1319 người chiếm 47%

- Trung cấp: 826 người chiếm 30%   

 - Sơ cấp: 272 người chiếm 10%

- Lao động giản đơn: 249 người chiếm 9%

Theo độ tuổi:

- Trên 55 tuổi: 131 người chiếm 5 % 

- Từ 45 đến 55 tuổi: 461 chiếm 17%

- Từ 35 đến 45 tuổi: 735 chiến 26%   

- Dưới 35 tuổi: 1457 chiếm 52%

Xét về trình độ được đào tạo thì có thể thấy nguồn nhân lực của ngành Quản lý bay đa phần trẻ (dưới 35 tuổi chiếm 52%)  và có tỷ lệ được đào tạo cao (trên 90% trong đó từ đại học cao đẳng trở lên chiếm 51%). Tuy nhiên khi đánh giá sâu vào trình độ và tay nghề thực tế, đặc biệt là lực lượng bảo đảm bay thì tỷ lệ đạt theo tiêu chuẩn quốc tế vẫn chưa cao; hơn nữa các chuyên gia chuyên sâu, đầu ngành trong từng lĩnh vực vẫn còn ít.

Phương hướng phát triển

Để xây dựng nguồn nhân lực Bảo đảm hoạt động bay chất lượng cao cần thực hiện: Hoạch định chính xác và xây dựng chiến lược phát triển hiệu quả; Phát triển cơ sở đào tạo, huấn luyện và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên; Áp dụng nghệ thuật/chính sách dụng người hiệu quả: thu hút nhân tài, phân công/bố trí công việc hợp lý, môi trường làm việc và việc quản lý điều hành, tôn trọng và cơ hội phát  triển, truyền thông hiệu quả.

Nội dung thứ nhất, về chiến lược phát triển nguồn nhân lực: Hiện nay Tổng công ty đang triển khai việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Tổng công ty. Mục đích của chiến lược sẽ nhằm đạt được  các mục tiêu mà chiến lược phát triển chung của Tổng công ty đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã đề ra.

Nội dung thứ hai, về cơ sở đào tạo huấn luyện: Tổng công ty có Trung tâm đào tạo huấn luyện  nghiệp vụ Quản lý bay (ATMTC)  vừa được thành lập trong năm 2013. Hiện Trung tâm đang huấn luyện khóa kiểm soát không lưu đầu tiên. Về lĩnh vực CNS Tổng công ty có Trung tâm huấn luyện đặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Quản lý bay. Bên cạnh đó Tổng công ty sử dụng hệ thống huấn luyện tại chỗ nằm tại các cơ quan chuyên môn của các đơn vị trực thuộc.

Nội dung thứ ba, về bố trí, sử dụng và thu hút: Tổng công ty đang thực hiện đề án tái cơ cấu đã được Bộ GTVT phê duyệt, đề án xác định việc chính là tái cơ cấu về nguồn nhân lực là công việc chính của Tổng công ty. Bên cạnh đó Tổng công ty cũng đã ban hành  chính sách thu hút nhân tài, quy chế tuyển dụng; đối với lao động dặc thù là kiểm soát viên không lưu đang áp dụng chế độ lương bằng 2 lần bình quân khối còn lại…

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, theo quan điểm cá nhân tôi, bên cạnh nhưng giải pháp, chế độ, chính sách đã triển khai cần tập trung vào đào tạo một số nhóm chuyên môn mang tính then chốt của doanh nghiệp:

- Cần có chính sách để có một bộ phận KSVKL được đào tạo cơ bản tại các cơ sở uy tín của quốc tế (lực lượng này sẽ là nòng cốt cho việc xây dựng và tạo lập một đội ngũ KSVKL chuyên nghiệp, có tay nghề cao trong tương lai); tăng cường nâng cao trình độ cho đội ngũ Huấn luyện viên; Đào tạo chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực  ATM (tổ chức vùng trời, phương thức khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu các hệ thống…).

- Đưa các kỹ sư trẻ có triển vọng trong lĩnh vực kỹ thuật đi đào tạo về kỹ thuật hàng không, nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành;

- Kết hợp chặt chẽ  giữa Tổng công ty với các Học viện hàng không và các Trường đại học chuyên ngành trong công tác xây dựng chương trình nội dung để đào tạo và huấn luyện cập nhật trong các lĩnh vực ATM, CNS, AIM, MET và SAR.

- Xây dựng được đội ngũ quản lý chuyên ngành Bảo đảm hoạt động bay có chuyên môn, kinh nghiệm và ngoại ngữ để có thể tham gia trong các diễn đàn chuyên môn quốc tế trong khuôn khổ ASEAN, CANSO và ICAO.

 Có thể nói, nếu so sánh với các nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay trên thế giới có cùng qui mô, xét về số lượng thì lực lượng lao động trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay chúng ta không phải là thiếu. Tuy nhiên, tay nghề của lực lượng chưa đồng đều, tỷ lệ lao động đáp ứng chuẩn chung quốc tế và khu vực còn thấp. Chúng ta đang thực sự thiếu chuyên gia giỏi trong các công việc mang tính then chốt, điểm kích hoạt cho sự phát triển của ngành. /.

Nguyễn Đình Công

Thông báo