28/12/2024
Những ‘bông hồng đen” giữa đại công trường sân bay Long Thành
Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, trên công trường xây dựng sân bay Long Thành, nhiều nữ công nhân vẫn miệt mài làm việc, hối hả thi đua cùng cánh mày râu.
Những công nhân nữ được giao nhiệm vụ nhẹ nhàng hơn so với các công nhân nam. Tuy nhiên, giữa cái nắng gay gắt bỏng rát da, những người phụ nữ ấy làm việc luôn tay luôn chân, nỗ lực hết mình.
Cùng với các nam công nhân, những nữ công nhân cũng đua sức không kém cạnh.
Công nhân Nguyễn Thị Phượng (55 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) đang làm việc chung với các nam đồng nghiệp, lau vội những giọt mồ hôi trượt dài trên khuôn mặt rám nắng, cười nói: “Mới 55 hà, còn trẻ còn khỏe nên vẫn đi làm. Sau này già yếu mới nương tựa con cái chứ quen việc, giờ ở nhà cũng thấy buồn tay buồn chân”.
Chị Phượng chia sẻ đã 10 năm bén duyên với công việc đảm bảo an toàn, buộc chặt lan can tại các công trường.
Những hàng rào, lan can được chị kiểm tra, vặn buộc kỹ lưỡng thường xuyên để mọi người đi lại, cầm nắm thuận lợi, dễ dàng hơn khi leo lên leo xuống…
“Ở đây ai cũng hòa đồng, là phụ nữ nên được ưu tiên, việc cũng nhẹ hơn, thoải mái hơn. Mỗi ngày thu nhập cũng từ 300.000 đồng - 400.000 đồng, trừ chi phí sinh hoạt, nhà trọ vẫn dư chút làm của để dành mai mốt dưỡng già”, chị Phượng cho biết.
Cũng giống như chị Phượng, chị Võ Thị Sương (54 tuổi) cũng có kinh nghiệm bám trụ công trường hơn nửa thập kỷ. Chị Sương được giao nhiệm vụ dọn dẹp khu vực công trường zone 6 (Vinaconex) nhà ga hành khách sân bay Long Thành, dọn dẹp khu vực lán trại chỉ huy… Các khu vực chị đảm trách luôn sạch sẽ để các kỹ sư, công nhân có khu vực nghỉ ngơi, họp hành thoáng mát.
“Tôi thấy làm việc ở đây vui vẻ, thoải mái vì các đội đều xem nhau như gia đình, quan tâm chia sẻ với nhau. Các ngày lễ lạt anh em trên công trường còn quan tâm tới các chị em, phần nào an ủi công nhân nữ. Bản thân tôi nghĩ còn trẻ còn khỏe cứ cố gắng để lo cho gia đình, sau này già yếu phụ thuộc con cái sau”, chị Sương nói.
Giữa cái nắng gắt của thời tiết lúc 11h trưa, băng băng giữa đại công trường bằng xe máy, PV càng thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các công nhân ở đây. Chiếc xe máy oằn mình trên những vệt hằn của con đường nội bộ, đưa PV đến khu vực thi công đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành.
Các hạng mục của đài kiểm soát không lưu đã có sự chuyển mình với tốc độ khá nhanh. Bằng thang bộ cao khoảng hơn 4 mét, PV được anh Nguyễn Văn Đà, cán bộ an toàn Công ty 36 (đơn vị thi công) dẫn lên khu vực thi công nhà kỹ thuật của đài kiểm soát không lưu.
Qua quan sát, PV thấy ở đây do công việc thủ công khá nhiều nên có nhiều nữ công nhân làm việc. Công nhân nữ ở đây đều đi công trường theo từng cặp vợ chồng và có kinh nghiệm làm nghề từ 6 - 10 năm.
“Công nhân nữ ở đây cũng chủ yếu làm bô sắt, dọn dẹp, phụ việc cho các nam công nhân… Công việc cũng khá nhẹ nhàng nhưng giữa nắng 35 - 40 độ của thời tiết miền Nam như vậy là sức khỏe tốt lắm. Họ cũng siêng năng, làm việc rất chăm chỉ từ sáng tới đêm nên anh em ở đây đều quý, quan tâm hỗ trợ”, anh Đà chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (46 tuổi) theo chồng đi công trường đã 6 năm. “Tôi có hai đứa con, thằng lớn làm ở quê, còn con bé út 17 tuổi nên đưa lên đây cho ở nhà nấu ăn, chờ đủ tuổi cũng cho theo vào công trường. Thu nhập hai vợ chồng đi làm cũng đủ để trang trải, lo tiền trọ, ăn uống xong còn dư khoản vợ chồng tôi tiết kiệm, lo về già”, chị Oanh nói.
Trong câu chuyện của mình, chị Oanh cho biết, đa số ở đây toàn các cặp vợ chồng đưa nhau đi làm nên cũng vui, các chị em đoàn kết. "Đi làm có vợ có chồng cũng vui, nay 8/3 nhưng chẳng biết có được tặng gì không vì mấy ổng cũng hay ngại, không lãng mạn như sách vở nói đâu. Mà thực tế có bao nhiêu lương lãnh về mấy ổng cũng nộp hết nên giờ chả có "quỹ đen" để mua gì. Vậy nên chẳng mong, chỉ muốn có sức khỏe để làm việc, kiếm tiền”, chị Oanh nói.
Ngồi bó sắt cạnh chị Oanh là chị Võ Thị Kiều (41 tuổi, quê Vĩnh Long). Chị Kiều cũng có 2 người con đều đang sống ở quê cùng ông bà nội. “Con lớn của tôi cũng đã đi làm ổn định, còn bé út có định hướng muốn qua Nhật. Vậy nên hai vợ chồng cố gắng kiếm tiền lo cho cháu, chờ học xong 12 là cháu đi. Nghĩ cũng tội nhưng ba mẹ khổ rồi, muốn con có cuộc sốt tốt hơn, tươi sáng hơn”, chị Kiều chia sẻ.
Chị Lê Huyền Trân (27 tuổi, quê tỉnh Kiêng Giang) đi theo chồng vào làm ở sân bay. Chị Trân có hai con mới 3 tuổi và 6 tuổi, đều gửi ngoại chăm sóc để tiện đi làm. “Tôi đi làm đã 6 năm, giờ con bám ngoại hơn bám ba mẹ. Hai vợ chồng nhớ con lắm, ngày nào cũng phải gọi về gặp con. Nhưng vì tương lai của các con mà tôi cũng cố gắng đi làm để lo cho các cháu, rồi còn phụ thêm cho ba mẹ vì cũng đã già yếu. Chỉ mong ở đây ai cũng có sức khỏe để bám trụ, làm việc ổn định, có tiền lo cho gia đình”, chị Trân nói.
Theo chị Trân, ở đây các chị em hầu như quê miền Trung và miền Tây, mỗi người đi làm đều mang theo nước, một chút đồ ăn nhẹ để chia nhau ăn giữa ca nghỉ. Cuộc sống cứ thế trôi qua bình yên giữa đại công trường, dù có nhọc nhằn.
Trong tháp không lưu, nhiều nữ công nhân đang dọn dẹp, thu gom các vật liệu trong quá trình thi công. Thời gian nghỉ họ uống nước, nói chuyện, chia sẻ công việc hằng ngày.
Tận mắt chứng kiến công việc của người phụ nữ ở đây, PV Báo Giao thông thấu hiểu thêm những vất vả của họ. Hy vọng mọi người đều có cuộc sống tốt hơn, con của họ có tương lai tươi sáng hơn và dự án sân bay Long Thành về đích đúng hẹn, vượt tiến độ.
Nguồn Báo giao thông