31/12/2024
Những nữ "CSGT" giấu mặt, dẫn đường cả ngàn máy bay trên chín tầng mây
20 năm trước, máy bay là phương tiện di chuyển đắt đỏ thì giờ đây lại quá phổ biến. Ngoài các cơ trưởng, cơ phó và tiếp viên hàng không mà nhiều hành khách đã quen mặt thì sự an toàn của các chuyến bay còn có sự góp phần không nhỏ của nhiều bộ phận. Cánh mày râu chiếm số đông trong ngành hàng không nhưng cánh chị em cũng không hề kém cạnh. Thanh Niên chọn góc tiếp cận Phụ nữ Việt ngành hàng không để bạn đọc có thể hình dung được sự đóng góp của "một nửa thế giới" trong ngành vận tải rất đặc thù này.
Vào Trung tâm Kiểm soát không lưu của Trung tâm Kiểm soát đường dài TP.HCM cũng gắt gao như lên máy bay. Trình giấy tờ tùy thân từ cổng, kiểm tra an ninh, qua cổng soi chiếu… Đó là một không gian rộng lớn chừng 500 m2, nằm ở tầng 2 tòa nhà Công ty Quản lý bay Miền Nam trên đường Trần Quốc Hoàn (Q.Tân Bình, TP.HCM).
Tại đây, 30 kiểm soát viên không lưu, trong đó có 11 nữ tập trung cao độ theo dõi màn hình ra-đa, trao đổi với liên tục với phi công bằng tiếng Anh và người hiệp đồng ngồi cạnh bên.
Trên tay mỗi người luôn có 1 cây viết xanh và 1 cây viết đỏ ghi chép trên băng phi diễn, phòng trừ trường hợp mất sóng ra-đa (rất hiếm xảy ra) thì chuyển sang điều hành bay theo phương thức cổ điển.
Chị Ngô Thị Hoa, kíp trưởng Không lưu Trung tâm Kiểm soát đường dài TP.HCM cho biết, công việc này đòi hỏi phải có trí nhớ tốt, khả năng chịu áp lực cao, phản xạ nhanh, sức khỏe, thị lực, thính lực và khả năng phát âm tiếng Anh chuẩn ở mức 4 theo tiêu chuẩn của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế).
Năm 1994, đi máy bay vẫn là điều gì đó rất xa xỉ với người phụ nữ gốc Quảng Nam này. Chưa có khái niệm gì về hàng không, nhưng một lần đi ngang trường hàng không, thấy bảng tuyển sinh, chị Hoa đã nộp đơn và gắn bó đến ngày hôm nay.
"Từ năm 1995 - 1998, tôi học tại Trường Hàng không Việt Nam. Tháng 3.1999 chính thức vào công ty làm việc. Thời gian đầu, tôi phải học lý thuyết, thực hành ở phòng kiểm soát không lưu giả định, sau đó thực tập ở vị trí hiệp đồng (liên lạc cơ sở dịch vụ xung quanh - PV) với sự hướng dẫn của kíp trưởng, kíp phó. 2 tháng sau, tôi mới được trực tiếp trao đổi với phi công, đến nay được 24 năm rồi. Đó là cơ duyên, nghề chọn mình", chị mở đầu câu chuyện.
Chị Ngô Thị Hoa, kíp trưởng Không lưu Trung tâm Kiểm soát đường dài TP.HCM
Chị cho hay, kiểm soát viên không lưu là công việc điều hành tàu bay trong vùng trách nhiệm và hiệp đồng chuyển giao kiểm soát các tàu bay. Người làm nghề này phải nắm rõ quy định của ICAO và Cục Hàng không Việt Nam. Theo đó, mỗi máy bay thực hiện cất hoặc hạ cánh phải cách nhau ít nhất 2 phút. Máy bay trên đường bay ở cùng độ cao cách nhau tối thiểu 10 dặm (khoảng 16 km) và cách nhau tối thiểu 1.000 feet (khoảng 300 m) với máy bay ở khác tầng.
Vùng thông báo bay của TP.HCM trải dài khoảng 1 triệu km2, chia làm 6 phân khu. Các kiểm soát viên phải hiệp đồng chặt chẽ với nhau. Kiểm soát viên chủ yếu liên lạc với phi công trong các phân khu cất hạ cánh, thay đổi độ cao bằng thoại. Với các đường bay song song ở ngoài Biển Đông, hai bên liên lạc bằng dữ liệu CPDLC (liên lạc dữ liệu).
Nếu như kiểm soát viên không lưu được giao giám sát bay theo phân khu, thì kíp trưởng phải bao quát hết 6 phân khu và phân công ca trực cho các thành viên dựa trên trình độ chuyên môn, kinh nghiệm. Khi thời tiết xấu, kíp trưởng cũng là người điều phối luồng không lưu để hủy các chuyến sắp cất cánh từ các sân bay địa phương đến Tân Sơn Nhất. Chính vì áp lực và sự đầu tư cho công việc vì phải thi kiểm tra năng lực, sức khỏe mỗi năm,... nên những người dẫn đường cho máy bay cũng có mức lương cao, tương xứng với yêu cầu.
Kíp trưởng Ngô Thị Hoa cười tâm sự: "Mọi người đi máy bay chỉ biết phi công, tiếp viên hay nhân viên làm thủ tục. Còn kiểm soát viên không lưu người ta không hề biết luôn. Nghề này có thể ví là người giấu mặt phía sau. Khi nói chuyện với bạn bè, tôi cũng giải thích kiểm soát viên là công việc dẫn dắt tàu bay, hướng dẫn tàu bay bay đúng đường bay, lên đúng độ cao, cất/hạ cánh".
Mỗi ca làm việc của kiểm soát viên không lưu kéo dài 8 tiếng và cứ làm liên tục 2 tiếng thì được nghỉ 30 phút vào ban ngày và 45 phút vào ban đêm. Khi vào ca, kiểm soát viên không lưu không được mang theo điện thoại, không được làm việc riêng để giữ tinh thần thật tỉnh táo, tập trung cao độ.
Kíp trưởng không lưu Ngô Thị Hoa với 24 năm trong nghề cho biết chị thấy rõ sự thay đổi của mật độ tàu bay. Cao điểm nhất về mật độ bay là năm 2019. Dịch bệnh Covid-19, mật độ bay có giảm nhưng hiện đang tăng lại gần sát ngưỡng năm 2019.
Chị chia sẻ, kiểm soát viên không lưu đối mặt với rất nhiều áp lực, đó là những khi mật độ tàu bay đông, thời tiết xấu, các hoạt động quân sự và làm việc ban đêm.
TP.HCM đang vào mùa mưa, mỗi buổi chiều không khí làm việc trong Trung tâm Không lưu cũng trở nên căng thẳng vì những "người giấu mặt" phía sau các chuyến bay phải chủ động dẫn dắt tàu bay tránh vùng thời tiết xấu, bay vòng chờ đáp hoặc chuyển đi hạ cánh ở sân bay khác nạp thêm nhiên liệu.
"Tại Tân Sơn Nhất, từ tháng 4 đến tháng 10 thời tiết rất xấu nên hầu như chiều nào cũng có tình trạng máy bay phải chờ, ít nhất cũng phải 30 chiếc, có thời điểm cao nhất chờ tới 120 chiếc. Khi đó, chúng tôi phải hủy các chuyến sắp cất cánh từ sân bay địa phương, ưu tiên cho những tàu bay trên trời", chị nói.
Gần đây nhất, chị Hoa nhận yêu cầu hỗ trợ từ một máy bay của Bamboo Airways cất cánh từ Cần Thơ đi Đà Nẵng xin hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Phi công cho biết, sau khi cất cánh 30 phút, động cơ có tiếng kêu lớn. Kíp trưởng không lưu đã cấp lệnh cho máy bay về Tân Sơn Nhất và liên tục cập nhật, hỗ trợ, ưu tiên hạ cánh và hiệp đồng với cơ quan tiếp cận để máy bay vào hạ cánh sớm nhất có thể. Cuối cùng, chuyến bay đáp Tân Sơn Nhất an toàn.
Ngoài những lần dẫn đường cho máy bay bị hỏng động cơ hay các thiết bị khác nhưng vẫn bay được, sự cố khiến chị nhớ nhất là khi hỗ trợ giúp máy bay Brunei chở khoảng 200 khách bị hỏng thiết bị dẫn đường hơn chục năm trước. Chị kể: "Khi đó, tàu bay không thể nào biết đường để đi, cũng không bắt được bất cứ đài nào. Tàu bay không biết hướng đó là hướng nào nên tôi phải chỉ từng ly từng tí bằng hướng dẫn rẽ phải, rẽ trái, tới khi nào thấy rẽ đúng hướng rồi thì dừng bẻ hướng và di chuyển tiếp tục. Dắt máy bay đi từng chút vậy giống như là dắt một người mù đi ngoài đường, phải tới khi chuyển giao cho cơ quan kiểm soát tiếp cận để hạ cánh tôi mới thở phào".
Tuổi nghề cũng thâm niên, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (23 năm trong nghề) nhớ nhất lần xử lý sự cố mất điện tại Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất vào năm 2014. Sự cố này đã dẫn đến mất quyền điều hành bay hơn một giờ trong vùng thông báo bay, hệ thống ra-đa, liên lạc không sử dụng được. Khi đó, tất cả kiểm soát viên không lưu phải tập trung lại để giải quyết bằng cách dùng phương thức cổ điển. "Khi đó chúng tôi phải áp dụng phân cách cao, nghe lời báo cáo của phi công xem máy bay đang ở độ cao bao nhiêu tạo phân cách bay an toàn trước, có phân cách cao dần dần áp dụng phương thức không ra đa đưa về hạ cánh Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hiệp đồng với sân bay khác tạm thời chưa cho các tàu bay dự kiến về Tân Sơn Nhất cất cánh để xử lý các tàu bay trong vùng trời của Tân Sơn Nhất trước", chị Nga nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga với 23 năm trong nghề kiểm soát không lưu
Theo chị Nga, kiểm soát viên không lưu là công việc yêu cầu tính làm việc đồng đội. Trong bất kỳ tình huống nào cũng luôn có sự phối hợp cùng nhau. Căng thẳng là vậy nhưng với chị Nga, điều thú vị nhất của kiểm soát không lưu là được nói chuyện trực tiếp với phi công. "Đây là nghề không được phép sai lầm. Kiểm soát viên không lưu được ví như CSGT trên "chín tầng mây", hướng dẫn cho máy bay trên trời. Ngày tôi mới vào nghề, trong ca chỉ có tôi và một chị lớn hơn. Giờ thì trong gần 60 kiểm soát viên không lưu, số lượng nữ trong nghề chiếm hơn 1/3. Tôi thấy đây là nghề đặc thù cần sự quyết đoán, tự tin và phụ nữ cũng làm được, rất tự hào", chị Nga bày tỏ.
Ngoài Trung tâm kiểm soát không lưu, bộ phận tiếp cận còn làm việc tại Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất nằm trong sân bay. Đài có độ cao 68 m so với mặt đất, phần đỉnh tháp được bố trí 2 cabin kiểm soát không lưu với kết cấu thép cường độ cao và lắp các tấm kính chuyên dụng nhiều lớp đúng tiêu chuẩn để đảm bảo khả năng quan sát trực quan tối ưu cho các kiểm soát viên không lưu. Đài cũng chính là biểu tượng kiến trúc đặc sắc trong mắt của du khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất và người dân.
Tại đây, 4 nữ kiểm soát viên không lưu mắt không rời màn hình, trao đổi liên tục với phi công qua micro bộ đàm, tay không ngừng ghi chép băng phi diễn. "Đài Kiểm soát không lưu ở trong sân bay phải luôn nằm ở vị trí có thể nhìn bao quát được hết sân bay. Có khi phi công, kiểm soát viên không lưu là người Việt nhưng phải nói tiếng Anh để thống nhất tất cả hiểu chung một nghĩa, dù là khi trao đổi với người Việt hay người nước ngoài", một người giải thích.
Trong tương lai, Đài Kiểm soát không lưu Long Thành cũng do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng dự kiến sẽ có độ cao 123 m.
Dành cả thanh xuân để làm CSGT trên trời, kíp trưởng Ngô Thị Hoa cùng chị Quỳnh Nga cũng có những khoảnh khắc đặc biệt khi từng dẫn đường cho chuyên cơ của các nguyên thủ. Tuy nhiên, chỉ đến khi vào ca trực, kiểm soát viên không lưu mới nhận được kế hoạch mật kiểu như vậy và được yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn các tàu bay thông thường.
Với chuyên cơ Không lực 1 của cựu Tổng thống Mỹ, chị Hoa cho hay, thường sẽ có 2 máy bay đến và kiểm soát viên không lưu không biết được chiếc nào sẽ chở Tổng thống. Năm 2016, trước 1 ngày chuyên cơ đến phi trường Tân Sơn Nhất, những đặc nhiệm đã vào thẳng Trung tâm Kiểm soát không lưu để kiểm tra máy móc. Sau đó, khi chuyến bay đến họ lặng lẽ ngồi bên cạnh kiểm soát viên theo dõi quá trình làm việc, không can thiệp, không nói bất cứ một câu nào.
Mỗi năm, kiểm soát viên không lưu phải thi lại chuyên môn theo yêu cầu của Cục Hàng không, chứng nhận sức khỏe, tiếng Anh chuyên ngành để được duy trì giấy phép hành nghề. Do đó, việc đảm bảo sức khỏe, ăn uống luyện tập cũng được những nữ "CSGT của máy bay" chú trọng.
Sau mỗi ca trực căng thẳng, chị Hoa cùng đồng nghiệp vào phòng nghỉ ngơi, uống trà thư giãn hoặc luyện tập thể thao tại chỗ với môn bóng bàn. Đây cũng là lúc cơ mặt của kiểm soát viên không lưu mới được giãn ra sau 2 tiếng tập trung.
Ngoài giờ làm, chị Hoa cũng chơi thêm bóng chuyền để duy trì thể lực. Có lẽ chính vì vậy nên điểm chung của những nữ kiểm soát không lưu là thân hình khỏe khoắn, năng động, luôn tràn đầy năng lượng dù áp lực công việc cao.
Chọn nghề kiểm soát viên không lưu đồng nghĩa với việc không được ăn tết trọn vẹn ở nhà, những bóng hồng trong nghề thường cùng đồng nghiệp ăn tết tại ngay công ty bởi đây là thời điểm mật độ tàu bay lớn.
Nguồn: thanhnien.vn