10/09/2024
Phát triển sản phẩm tư vấn thời tiết nguy hiểm dạng đồ họa trên nền ảnh mây vệ tinh phục vụ công tác điều hành bay
Những năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng lưu lượng hoạt động bay trên toàn cầu, trong đó hai vùng thông báo bay của Việt Nam nằm ở trung tâm hành lang kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm Tây và Tây Nam Á với Đông và Đông Bắc Á có mật độ bay và tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong các thống kê của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO). Cùng với các đường hàng không quốc tế A202, A1, L642, M771, đường bay trục Bắc-Nam của Việt Nam đang được xếp trong các đường bay có lưu lượng hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới với gần 700 lượt chuyến bay/ngày.
Lưu lượng hoạt động bay gia tăng, sản lượng điều hành bay tăng tạo động lực thúc đẩy cho toàn Tổng công ty nhưng cũng là thách thức lớn đối với công tác điều hành bay. Như chúng ta đã biết, khi số lượng tàu bay vượt quá giới hạn năng lực khai thác của sân bay/ vùng trời kiểm soát, tàu bay sẽ phải bay vòng chờ tạo nên sự tắc nghẽn trên không, gây áp lực lớn lên khối lượng công việc của kiểm soát viên không lưu (KSVKL), tổ lái và tăng nguy cơ uy hiếp an toàn bay. Thêm vào đó, thời tiết xấu là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng đáng kể sự phức tạp điều hành bay, đặc biệt khi có bão hay dông lớn kéo dài tại các sân bay quốc tế đông đúc như Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tính riêng trong Quý III/2016 số sự vụ vì lý do thời tiết (bay chậm, huỷ chuyến, bay lệch, quay đi quay lại, tiếp cận hụt, đi sân bay dự bị…) chiếm tới 59.7% (331/554) sự vụ trong báo cáo an toàn hoạt động bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Tình trạng ‘tắc nghẽn trên không’ tại FIR Hồ Chí Minh do một cơn giông lớn
tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 17/5/2016
Nắm bắt sớm được diễn biến thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bay trong khu vực trách nhiệm sẽ giúp kíp trực kiểm soát không lưu rất nhiều trong việc chủ động đưa ra các quyết định trong việc kiểm soát/ thông báo cho tàu bay, điều hòa luồng không lưu, đặc biệt trong những thời điểm hay khu vực lưu lượng hoạt động bay cao. Làm thế nào để sử dụng hiệu quả dữ liệu khí tượng phục vụ điều hành bay trong khi tần suất công việc của KSVKL thực tế vốn đã áp lực và phải công nhận nhiều sản phẩm khí tượng hàng không theo tiêu chuẩn ICAO chưa thể gọi là thân thiện người dùng?
Cùng với chủ trương của lãnh đạo Tổng công ty bố trí dự báo viên khí tượng trực tại vị trí của các kíp trực ACC để trực tiếp tư vấn về thời tiết cho KSVKL, một nhóm dự báo viên của Trung tâm Cảnh báo thời tiết (MWO) thuộc Trung tâm Quản lý luồng không lưu trăn trở ý tưởng phát triển sản phẩm tư vấn thời tiết dạng đồ họa bằng những dữ liệu, công cụ sẵn có tại đơn vị. Ý tưởng này xuất phát từ thực tế công việc và tham khảo kinh nghiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không trong khu vực (Hồng Kông, Nhật Bản) trong việc phát triển các sản phẩm non-ICAO về tư vấn hiện tượng thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến hoạt động bay. Từ đó, nhóm tự nguyện được thành lập (chị Nguyễn Thị Xuân Dung, Đội phó Đội Dự báo – người đưa ra ý tưởng, hai dự báo viên trẻ nhiệt huyết là Đặng Việt Anh, Đặng Đức Anh cùng nghiên cứu phát triển sản phẩm). Cuối tháng 06/2016 nhóm trình bày trong cuộc họp Giao ban của Trung tâm Cảnh báo thời tiết và được lãnh đạo Trung tâm hết sức ủng hộ. Đến nay, nhóm đã hoàn thành một số sản phẩm, bước đầu là sản phẩm tư vấn cho KSVKL đường dài ACC Hà Nội và ACC Hồ Chí Minh, lập Báo cáo gửi Trưởng Trung tâm Cảnh báo thời tiết để trình các cấp lãnh đạo Tổng công ty cho phép thử nghiệm, xin ý kiến người dùng, tiến tới từng bước cải tiến, phát triển sản phẩm theo hướng dễ khai thác, hướng người dùng, nâng cao hiệu quả tư vấn thời tiết cho điều hành bay.
SẢN PHẨM TƯ VẤN THỜI TIẾT NGUY HIỂM DẠNG ĐỒ HỌA TRÊN NỀN ẢNH MÂY VỆ TINH bao gồm các thông tin tư vấn tích hợp trên nền ảnh mây vệ tinh mới nhất tại thời điểm tạo bản tin; dễ dàng cập nhật trên website CSDL khí tượng của MWO; hình ảnh trực quan cho phép nhanh chóng nhận biết những thông tin tư vấn đặc biệt trong các thời điểm mật độ bay cao có thời tiết xấu diễn biến nhanh, phức tạp.
Tư vấn thời tiết nguy hiểm trên nền AMVT khí tượng 17:55 UTC ngày 20/8/2016
(sản phẩm thử nghiệm)
Trước mắt, sản phẩm ưu tiên hiển thị các khu vực thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến hoạt động bay như mây CB, nhiễu động, đóng băng, bão/áp thấp nhiệt đới… cùng với thông tin bổ sung ngắn gọn (nhận dạng khu vực, độ cao/ lớp/mực bay, cường độ, hướng và tốc độ di chuyển của hiện tượng…).
Ngoài ra, nhóm phát triển sản phẩm còn tận dụng phát triển các công cụ tạo ra sự linh hoạt để có thể trích xuất tạo sản phẩm riêng cho từng FIR thậm chí từng phân khu kiểm soát (Sector), thêm hoặc bớt các đường hàng không, đường ranh giới, đánh dấu vị trí sân bay, lựa chọn thông tin hiển thị tùy theo yêu cầu sử dụng nhằm nâng cao tính hiệu quả, hướng người dùng, tránh thừa thông tin không cần thiết. Trong hình minh họa là hai hình ảnh sản phẩm thử nghiệm: tư vấn cho FIR Hà Nội ngày 20/8/2016 và tư vấn cho toàn bộ hai vùng FIR của Việt Nam ngày 12/9/2016 khi Áp thấp nhiệt đới gần bờ biển miền Trung đang mạnh lên thành bão (cơn bão số 4, tên quốc tế RAI) chuẩn bị đổ bộ vào đất liền Việt Nam.
Tư vấn thời tiết nguy hiểm trên nền AMVT khí tượng, phát hành 12:05 ngày 12/9/2016
(sản phẩm thử nghiệm)
Rất hy vọng và tin tưởng rằng những sáng kiến hữu ích này sẽ được các cấp lãnh đạo Tổng công ty ủng hộ, tạo điều kiện nghiên cứu phát triển, một mặt nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng các sản phẩm phụ trợ bảo đảm công tác điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả, mặt khác tạo động lực khích lệ người lao động đặc biệt là những nhân viên trẻ có trình độ gắn bó với nghề và mong muốn đóng góp vào sự phát triển chung của Tổng công ty và của ngành quản lý bay Việt Nam.
Bài và ảnh: Nguyễn Lan Oanh và Nhóm phát triển sản phẩm
Trung tâm Cảnh báo thời tiết - Trung tâm Quản lý luồng không lưu