08/10/2024
Phối hợp ra quyết định khai thác tại sân bay (A-CDM) và tích hợp ATFM-ACDM tại Thái Lan
Phối hợp ra quyết định khai thác tại sân bay (A-CDM) lần đầu tiên được giới thiệu tại Thái Lan vào năm 2016, với mục tiêu quản lý tắc nghẽn tại sân và nâng cao hiệu quả cho các chuyến bay khởi hành từ Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi Bangkok (VTBS). Tắc nghẽn tại sân và sự chậm trễ khởi hành tại VTBS là vấn đề nan giải trong giờ cao điểm buổi sáng và trong các điều kiện bất lợi (ví dụ: đóng cửa đường cất hạ cánh và đường lăn, thời tiết khắc nghiệt). Tài liệu tham khảo chính mà Thái Lan sử dụng là của EUROCONTROL.
Phương pháp tiếp cận 16 cột mốc đối với A-CDM
Năm 2017, AEROTHAI tiến hành phân tích lỗ hổng (Gap Analysis) với tất cả các bên liên quan chính, gồm các nhà khai thác sân bay, khai thác tàu bay, và các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất. Từ đó các bên cùng thống nhất tập trung thực hiện A-CDM thông qua chia sẻ Thời gian đề ra cho rút chèn (TOBT) và Thời gian đề ra cho nổ máy (TSAT), mà chưa chạm vào các phần khác của 16 mốc nêu trên.
Phân tích lỗ hổng cũng chỉ ra những thách thức khác nhau, một trong số đó là thiếu nền tảng A-CDM để chia sẻ thông tin. Tại thời điểm phân tích (năm 2017), Airport of Thailand (AOT) - Cơ quan quản lý cảng hàng không Thái Lan chịu trách nhiệm đối với các sân bay chính bao gồm VTBS - đang trong quá trình mua sắm và nâng cấp hệ thống quản lý thông tin sân bay. AEROTHAI sau đó đã quyết định, như một giải pháp tạm thời, phát triển Chương trình nâng cấp khởi hành thông minh (iDEP). iDEP được thiết kế áp dụng như Quản lý Khởi hành (DMAN) và cổng thông tin A-CDM chia sẻ TOBT và TSAT.
Sơ đồ khái niệm iDEP
Chia sẻ TOBT và TSAT giữa các bên liên quan hiện được tiến hành thông qua ứng dụng dựa trên web hoặc Dịch vụ SMS bằng đường dây truyền thông truyền tải nhiều kênh tín hiệu radio, do hệ thống dẫn đỗ tàu bay (VDGS) tại VTBS vẫn đang được được nâng cấp nhằm hỗ trợ dữ liệu A-CDM. Việc sử dụng radio truyền tín hiệu kỹ thuật số nhằm phục vụ cho đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất không sử dụng các thiết bị điện tử chưa được phê duyệt tại vị trí đỗ tàu bay và trong khu vực sân đỗ.
Sau khi phát triển iDEP, AEROTHAI đã và đang tiến hành thử nghiệm vận hành A-CDM với các bên liên quan tại VTBS trong giờ cao điểm 07:00 - 1000 giờ địa phương (0000 - 0300 UTC), với thử nghiệm chia thành 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn 1 - Tập trung để các bên liên quan làm quen với giao diện người dùng iDEP và phát triển phương thức trao đổi TOBT và TSAT.
2. Giai đoạn 2 - Tập trung vào quản lý tuân thủ TSAT.
Tích hợp ATFM/A-CDM tại Sân bay Suvarnabhumi Bangkok (VTBS)
Trong khi A-CDM đang trong giai đoạn triển khai ban đầu tại VTBS, các biện pháp ATFM áp dụng phổ biến hơn và thường xuyên hơn cho các chuyến bay ở Thái Lan. Đây là thời điểm quan trọng mà Thái Lan tích hợp 2 hệ thống và tích hợp hoạt động khai thác. Với kinh nghiệm triển khai ATFM tại VTBS, AEROTHAI nhận thấy việc tích hợp ATFM và A-CDM phải thực hiện ở cấp độ phương thức khai thác và ở cấp độ hệ thống hỗ trợ.
Tích hợp ATFM và A-CDM ở cấp độ phương thức khai thác là nhằm đảm bảo các bên liên quan đã quen thuộc với phương thức khai thác A-CDM, ATFM và cách áp dụng các phương thức đó.
Tổng quan Quy trình A-CDM tại VTBS
Tích hợp ATFM và A-CDM ở cấp độ hệ thống là nhằm đảm bảo cả hệ thống ATFM và nền tảng A-CDM có thể trao đổi và sử dụng thông tin trên cả hai nền tảng, trên cơ sở thiết lập kết nối dữ liệu và thông qua các phương pháp quy định về sử dụng dữ liệu.
Tích hợp hệ thống ATFM/ACDM
Do Thái Lan chủ yếu tập trung vào biện pháp GDP và MDI trong triển khai ATFM nên tích hợp giữa ATFM và A-CDM tại VTBS tập trung vào mối quan hệ giữa TSAT và CTOT hoặc các tiêu chuẩn giãn cách khởi hành.
Bài học kinh nghiệm của Thái Lan
Lập kế hoạch sớm để tích hợp
Việc tích hợp ATFM và A-CDM đòi hỏi phải có kế hoạch phù hợp. Không nhất thiết phải tiến hành triển khai ATFM và A-CDM đồng thời, song phải được tích hợp và có thể tương tác với nhau. Kinh nghiệm mà AEROTHAI rút ra khi triển khai vận hành A-CDM tại VTBS là nên tính đến yếu tố của ATFM. Do đó, nhóm thực hiện A-CDM đã sớm thiết kế Phương thức khai thác A-CDM tương thích với cả GDP và MDI. Nhóm phát triển iDEP hiểu nhu cầu tích hợp nên đã thiết kế phần mềm để có thể kết nối và xử lý dữ liệu từ hệ thống ATFM.
Tích hợp ở cấp độ phương thức khai thác và hệ thống hỗ trợ
ATFM và A-CDM đều yêu cầu các phương thức vận hành hiệu quả và hệ thống hỗ trợ nhằm thực hiện các hoạt động khai thác. Việc tích hợp vì vậy cả về phương thức khai thác và cấp độ hệ thống.
a. Tích hợp ở cấp độ phương thức khai thác liên quan đến phương thức được lập bằng văn bản đảm bảo các bên liên quan hiểu rõ cách thức tương tác với các yêu cầu khác nhau của ATFM và A-CDM.
b. Tích hợp ở cấp độ hệ thống bao gồm việc thiết kế hệ thống hỗ trợ ATFM và A-CDM có thể tương tác và chia sẻ dữ liệu trên các nền tảng khác nhau, đồng thời có thể sử dụng nhiều dữ liệu sẵn có hơn.
Việc tích hợp ở cả hai cấp độ này đòi hỏi phải có kế hoạch phù hợp và sự hợp tác chặt chẽ giữa đội ngũ khai thác và đội ngũ kỹ thuật.
Sự tham gia của các bên liên quan
Sự tham gia của các bên liên quan phải là một phần quan trọng trong công tác tích hợp ATFM và A-CDM, đặc biệt là ở cấp độ phương thức khai thác. Các bên liên quan cần tham gia ngay từ đầu để làm quen và hiểu rõ về phương thức khai thác, giảm thiểu sự nhầm lẫn khi quy trình làm việc của họ bị thay đổi.
Nguyễn Thị Thơm
Dịch từ Tài liệu hướng dẫn tích hợp ATFM/ACDM của CANSO