15/01/2025
Phụ ước 19 (ICAO) về Quản lý An toàn
Do đó, Hội nghị về an toàn cấp cao tại kỳ họp Đại hội đồng ICAO lần thứ 37 - tháng 09/2010 đã nhận định: Với lưu lượng giao thông hàng không dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới, rủi ro an toàn phải được giải quyết tích cực để đảm bảo sự tăng trưởng đáng kể này được quản lý và hỗ trợ thông qua các quy định mang tính chiến lược và phát triển về cơ sở hạ tầng. Mặc dù các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành (SARPs) về quản lý an toàn đã được quy định rải rác trong các Phụ ước chuyên ngành khác như Phụ ước 1 – Chứng chỉ nhân viên; Phụ ước 6 – Khai thác tàu bay; Phụ ước 8 – Khả phi; Phụ ước 11 – Dịch vụ không lưu; Phụ ước 13 – Điều tra sự cố và tai nạn tàu bay và Phụ ước 14 – Sân bay nhưng trách nhiệm quản lý an toàn của các quốc gia là rất quan trọng và cần được quy định trong một Phụ ước riêng. Do đó, Phụ ước thứ 19 của ICAO - Quản lý an toàn (Safety Management) đã được thông qua vào tháng 03/2013, xuất bản thử (Green edition) vào tháng 4/2013, thông báo ngày hiệu lực (Effective date) vào tháng 7/2013 để các quốc gia phản ánh những khác biệt (nếu có) và chính thức áp dụng (Applicable date) vào ngày 14/11/2013.
Theo đề nghị của Ủy ban Không vận (ANC), Hội đồng ICAO đã chấp thuận phát triển Phụ ước 19 theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: Tập trung vào việc củng cố và sắp xếp các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành đã có trong các phụ ước khác vào Phụ ước 19.
- Giai đoạn thứ hai: Tập trung vào việc phát triển các quy định quản lý an toàn mới.
Phụ ước 19 gồm 5 chương, 2 phụ lục và 2 phụ đính quy định trách nhiệm quản lý an toàn của các quốc gia thành viên trong khuôn khổ Chương trình an toàn quốc gia (SSP); các Hệ thống quản lý an toàn; trao đổi, phân tích và thu thập dữ liệu an toàn.
Lợi ích của Phụ ước 19:
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý an toàn ở cấp nhà nước và tăng cường an toàn thông qua củng cố các quy định quản lý an toàn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực hàng không trong một Phụ ước duy nhất;
- Tạo điều kiện cho việc phát triển các quy định quản lý an toàn;
- Thúc đẩy áp dụng có định hướng các quy định của Hệ thống quản lý an toàn (SMS) và Chương trình an toàn quốc gia (SSP);
- Tạo ra quá trình thu thập và phân tích các phản hồi liên quan đến việc áp dụng Hệ thống quản lý an toàn (SMS) và Chương trình an toàn quốc gia (SSP).
Cùng với Tài liệu Hướng dẫn về quản lý an toàn (Safety Management Manual – Doc 9859), Phụ ước 19 được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia thành viên ICAO trong việc thực hiện các yêu cầu về an toàn nhằm đảm bảo tốt hơn công tác quản lý an toàn.
Thùy Vân - VNAIC