15/10/2024
Hãy trở thành Kiểm soát viên không lưu, VATM đồng hành cùng bạn hướng tới tuơng lai!
1. Tuyển chọn:
Trên cơ sở các hồ sơ đăng ký tham gia chương trình Xã hội hóa đào tạo cơ bản KSVKL, VATM phối hợp với cơ sở đào tạo nước ngoài được lựa chọn tổ chức tuyển chọn học viên theo 3 bước, bao gồm:
Bước thứ nhất: Kiểm tra việc đáp ứng các yêu cầu về Hồ sơ, lý lịch của ứng viên. Bước này do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra bao gồm đối chiếu các yêu cầu về trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ và các tiêu chuẩn về lý lịch theo quy định của Nhà nước đối với một Kiểm soát viên Không lưu. Trong trường hợp cần thiết, Tổng Công ty Quản lý bay Việt nam có thể tiến hành thẩm tra lý lịch đối với các trường hợp chưa rõ ràng để kết luận đáp ứng các yêu cầu tuyển chọn.
Các ứng viên có Hồ sơ đáp ứng yêu cầu tuyển chọn sẽ được đưa vào danh sách và được thông báo tham dự bước tuyển chọn thứ hai dưới đây.
Bước thứ hai: Kiểm tra sức khỏe. Tổng công ty Quản lý bay Việt nam sẽ tiến hành phối hợp với một Cơ sở y tế được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cấp phép đánh giá sức khỏe đối với các nhân viên hàng không để tiến hành khám sức khỏe cho các ứng viên. Việc khám sức khỏe sẽ được thực hiện tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh để giảm tối đa chi phí tham dự của các ứng viên. Chi phí khám, đánh giá sức khỏe đáp ứng các yêu cầu đối với nghề Kiểm soát viên không lưu sẽ do Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đài thọ. Các ứng viên chịu chi phí đi lại, ăn ở (nếu có) trong thời gian khám sức khỏe. Kết quả khám sức khỏe sẽ do Hội đồng đánh giá sức khỏe của Cơ sở y tế kết luận và thông báo công khai.
Sau bước thứ hai, các ứng viên đáp ứng yêu cầu về sức khỏe sẽ được mời tham dự bước tuyển chọn thứ ba dưới đây.
Bước thứ ba: Đánh giá về năng lực để tham gia khóa học và năng lực trở thành Kiểm soát viên không lưu. Bước đánh giá này sẽ do Cơ sở đào tạo cơ bản Kiểm soát viên Không lưu nước ngoài thực hiện và được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh để giảm tối đa chi phí tham dự của các ứng viên. Các giáo viên, chuyên gia nước ngoài sẽ thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá năng lực và công bố kết quả theo thứ tự từ cao xuống thấp. Chi tiết về phương pháp đánh giá, nội dung đánh giá sẽ được Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thống nhất với Cơ sở đào tạo nước ngoài và thông báo công khai ít nhất 2 tuần trước khi bắt đầu thực hiện đánh giá về năng lực. Chi phí cho việc mời Cơ sở đào tạo nước ngoài tiến hành đánh giá năng lực sẽ do Tổng Công ty Quản lý bay đảm bảo. Các ứng viên chịu chi phí đi lại, ăn ở (nếu có) trong quá trình đánh giá.
Kết quả đánh giá của Cơ sở đào tạo nước ngoài sẽ được thông báo công khai và được sử dụng để Hội đồng tuyển chọn của Tổng Công ty lựa chọn từ trên xuống dưới cho đến khi đủ số lượng học viên đối với các ứng viên đáp ứng được ở bước đánh giá này. Trong trường hợp danh sách ứng viên đáp ứng các yêu cầu đánh giá ở bước thứ ba – đánh giá về năng lực ít hơn số lượng học viên dự kiến, Tổng công ty Quản lý bay sẽ chỉ chọn số lượng ứng viên đáp ứng.
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ tiến hành công bố Danh sách học viên được chọn để đi đào tạo sau khi có Quyết định phê duyệt của Tổng giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.
Kíp trực tại Tower Nội Bài
2. Quá trình đào tạo cơ bản: 12-15 tháng
Để giảm bớt phần chi phí đào tạo bằng kinh phí tự túc, học viên được đào tạo tại nước ngoài theo vị trí công việc cụ thể (ACC hoặc APP-TWR), quá trình đào tạo như sau:
a) Giai đoạn 1: Đào tạo dự khóa tại VATM
- Học viên được đào tạo tại Trung tâm Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay (TT ĐTHL NV QLB) của VATM, thời gian đào tạo dự kiến 06 tuần.
- Chương trình dự khóa đào tạo nhằm trang bị cho học viên các hiểu biết ban đầu về ngành Hàng không, ngành Quản lý bay và Tổng Công ty Quản lý bay Việt nam; trang bị các kiến thức khái quát về chuyên môn không lưu và tiếng Anh Hàng không để chuẩn bị cho học viên trước khi tham gia chương trình đào tạo cơ bản Kiểm soát Không lưu (KSKL) tại cơ sở đào tạo nước ngoài đạt kết quả tốt.
- VATM đảm bảo kinh phí đào tạo dự khóa (không bao gồm chi phí ăn, ở, đi lại của học viên).
b) Giai đoạn 2: Đào tạo tại nước ngoài (06-09 tháng, tùy theo chương trình học lựa chọn).
- Học viên được đào tạo theo module tại cơ sở đào tạo nước ngoài (dự kiến Trung tâm huấn luyện Airways New Zealand- là thành viên ICAO trainair, đã được Cục HKVN công nhận đủ điều kiện đào tạo cơ bản KSVKL) theo 02 chương trình để trở thành Kiểm soát viên không lưu làm việc tại 02 Cơ sở điều hành bay riêng rẽ gồm: Cơ sở kiểm soát tiếp cận/tại sân và Cơ sở kiểm soát đường dài như sau:
+ KSVKL TWR-APP: Module kiến thức nền tảng + Kiểm soát tại sân bay + Kiểm soát Tiếp cận không ra đa + Kiểm soát Tiếp cận ra đa. (Tổng thời gian khoảng 9 tháng).
+ KSVKL ACC: Module kiến thức nền tảng + Kiểm soát đường dài không ra đa + Kiểm soát đường dài ra đa (Tổng thời gian từ 6-7 tháng).
- Tại giai đoạn này, học viên được học các môn học kiến thức cơ bản theo yêu cầu về trang bị kiến thức tối thiểu cho KSVKL của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tại Phụ ước 1như: Luật hàng không; hệ thống và trang thiết bị kỹ thuật điều hành bay; kiến thức tổng quan về máy bay; yếu tố con người trong công tác điều hành bay; khí tượng; dẫn đường; các phương thức khai thác,...và các module theo vị trí công việc chuyên môn tương ứng TWR-APP hoặc ACC.
- Chi phí đào tạo tại nước ngoài do gia đình học viên tự đảm bảo. VATM là đầu mối phối hợp, hỗ trợ gia đình các học viên trong việc ký kết hợp đồng với cơ sở đào tạo; trực tiếp ký thỏa thuận với cơ sở đào tạo nước ngoài về chương trình, nội dung học, chất lượng, giám sát và đánh giá kết quả đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước, Cục HKVN và của Tổng Công ty.
c) Giai đoạn 3: Đào tạo bổ sung tại VATM (dự kiến 03 tháng).
- Để đảm bảo học viên được trang bị đầy đủ kiến thức về tất cả các vị trí chuyên môn Kiểm soát Không lưu (TWR, APP, ACC) để hiểu rõ công việc của các vị trí chức năng Kiểm soát Không lưu khác nhau và được cập nhật những kiến thức còn có sự khác biệt giữa tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của ICAO và quy định của Việt Nam, học viên sau khi đào tạo theo vị trí công việc tại nước ngoài được đào tạo bổ sung tại TT ĐTHL NV QLB trong khoảng 03 tháng (học lý thuyết + thực hành giả định + OJT tại cơ sở Điều hành bay (quan sát thực tế), cụ thể:
+ KSVKL TWR-APP: Đào tạo bổ sung về Kiểm soát đường dài (không ra đa, ra đa) và những nội dung còn khác biệt giữa tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của ICAO và quy định của Việt Nam; các môn học bổ sung theo yêu cầu của Cục HKVN (nếu có).
+ KSVKL ACC: Đào tạo bổ sung về Kiểm soát tại sân, Kiểm soát tiếp cận (không ra đa, ra đa) và những nội dung còn khác biệt giữa tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của ICAO và quy định của Việt Nam; các môn học bổ sung theo yêu cầu của Cục HKVN (nếu có).
- VATM đảm bảo kinh phí chương trình đào tạo bổ sung (không bao gồm chi phí ăn, ở, đi lại của học viên).
Kíp trực tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh
3. Quá trình huấn luyện năng định: Tối thiểu 12 tháng
- Sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo cơ bản KSVKL, học viên được bố trí về các Công ty Quản lý bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam và tham gia chương trình huấn luyện năng định lần đầu tại chỗ theo vị trí công việc được phân công, cụ thể:
+ Huấn luyện lý thuyết cơ sở: 03 tháng
Được thực hiện ngay sau giai đoạn đào tạo cơ bản tại Mục 2. Đây là giai đoạn đầu trong các giai đoạn huấn luyện tại đơn vị khai thác điều hành bay. Trong giai đoạn này, học viên sẽ được trang bị các kiến thức lý thuyết và hiểu biết về cơ sở bằng việc áp dụng các phương pháp huấn luyện khác nhau như học tại phòng học lý thuyết, học trên máy tính, tham quan các cơ sở cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay,...
Mục tiêu của giai đoạn này là trang bị cho học viên các kiến thức, các phương thức tại cơ sở để hình thành kỹ năng điều hành bay tại cơ sở phục vụ cho giai đoạn huấn luyện thực hành giả định (SIM training) và huấn luyện tại vị trí làm việc thực tế OJT(On-the-Job training).
+ Thực hành giả định SIM : 03 tháng
Giai đoạn huấn luyện tại chỗ chủ yếu sử dụng hệ thống huấn luyện giả định tại đơn vị nhằm nâng cao khả năng và các kỹ năng Điều hành bay tại cơ sở để chuẩn bị cho giai đoạn huấn luyện tại vị trí làm việc thực tế, sao cho học viên có khả năng tự tin điều hành tàu bay thật tại vị trí ĐHB thực tế dưới sự hướng dẫn của Huấn luyện viên Không lưu (HLVKL) tại vị trí làm việc (OJTI).
+ Huấn luyện tại vị trí làm việc tại Cơ sở điều hành bay (OJT): Tối thiểu 06 tháng
Đây là giai đoạn cuối huấn luyện tại đơn vị khai thác. Trong giai đoạn này, học viên sẽ tập trung vào kỹ năng thực hành trong môi trường thực tế dưới sự hướng dẫn, giám sát của HLVKL tại vị trí làm việc.
Mục tiêu của giai đoạn này giúp học viên tổng hợp và vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được trang bị ở 02 giai đoạn trước (lý thuyết cơ sở + thực hành giả định) vào thực tế một cách thành thạo và hình thành được kỹ năng kiểm soát điều hành bay thông thường.
- Sau khi kết thúc chương trình huấn luyện năng định có xác nhận của cán bộ quản lý cơ sở Điều hành bay và HLVKL tại vị trí làm việc về khả năng thực hiện công việc của học viên, học viên sẽ được đăng ký tham gia thi cấp giấy phép, năng định điều hành bay, trở thành KSVKL có khả năng làm việc độc lập và được hưởng mức lương dành cho KSVKL theo quy định.
- Kinh phí thực hiện chương trình huấn luyện năng định do VATM đảm bảo.
Sau khi được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy phép hành nghề (Licence) và Năng định điều hành bay (Rating) thì quá trình đào tạo, huấn luyện trở thành Kiểm soát viên không lưu hoàn thành.
Trong suốt quá trình làm việc của mình, các Kiểm soát viên Không lưu sẽ được tham gia nhiều khóa huấn luyện định kỳ, bồi dưỡng, nâng cao hàng năm để duy trì năng lực làm việc cũng như học tập nâng cao trình độ, đào tạo theo công nghệ mới, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức để bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn.
Đặng Thị Hải Vân - Tổ Đề án Xã hội hóa đào tạo cơ bản KSVKL.