Tiếp nhận quyền quản lý điều hành phần phía nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh- Thời khắc lịch sử của Hàng không Việt Nam

thứ năm, 07/12/2023 09:31

Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, trước năm 1975 gọi là FIR Sài Gòn, được thiết lập tại Hội nghị không vận chung khu vực Trung Đông và Đông Nam Á tại Rôma năm 1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời trên công hải quốc tế ở Biển Đông.

Tháng 4/1975, đứng trước sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, ICAO đã vạch ra một kế hoạch không vận lâm thời, gồm: Thiết lập các đường bay giải trợ trên biển Đông; Phân chia phần công hải trên biển Đông thuộc FIR Sài Gòn thành ba vùng trách nhiệm lâm thời, giao ba trung tâm kiểm soát đường dài Băng Cốc, Singapore và Hồng Kông điều hành; phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ngay từ năm 1977, Nhà nước ta đã có chủ trương đấu tranh giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn vùng thông báo bay Sài Gòn cũ. Ý thức được tầm quan trọng trong việc đấu tranh giành quyền kiểm soát đối với FIR Sài Gòn, Tổng cục HKDD Việt Nam đã sớm báo cáo, kiến nghị và xin ý kiến về chủ trương, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Từ năm 1978, trong các văn kiện ngoại giao của Việt Nam, FIR Sài Gòn được đổi tên thành FIR Hồ Chí Minh như một tuyên bố ngoại giao gián tiếp khẳng định quyền kế thừa kiểm soát của Việt Nam đối với vùng trời này.

Nguyên tắc ICAO phân định FIR và giao quản lý, khai thác và cung cấp dịch vụ mang bản chất của các vấn đề về kỹ thuật, nhằm bảo đảm các hoạt động bay được an toàn, điều hòa và hiệu quả theo các chuẩn mực do ICAO quy định. Sau giải phóng, hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, Mỹ và nhiều nước phương Tây siết chặt cấm vận, chúng ta bên cạnh việc phải ổn định về kinh tế, xã hội thời hậu chiến còn phải đối mặt với những vấn đề an ninh, quốc phòng. Trong bối cảnh đó, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của đất nước. Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý bay do ta khai thác vừa thiếu đồng bộ, vừa lạc hậu, các thiết bị kỹ thuật thuộc diện “chiến lợi phẩm” thu được sau giải phóng miền Nam bắt đầu xuống cấp và thiếu vật tư, phụ tùng thay thế, ngành Hàng không Việt Nam chưa đủ điều kiện tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó năng lực quản lý, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, sự hiểu biết và nắm vững các quy tắc tiêu chuẩn quốc tế của chúng ta còn quá thấp. Khó khăn hơn nữa là các nước đang kiểm soát ba vùng trách nhiệm tạm thời của vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vì lợi ích kinh tế không muốn trao trả lại cho Việt Nam. Trước thực trạng bất lợi này, tại Hội nghị không vận khu vực châu Á- Thái Bình Dương lần thứ hai (RAN-2) họp tại Singapo năm 1983 vì lợi ích kinh tế, một số nước đã yêu cầu ICAO xóa bỏ vùng trách nhiệm tạm thời của ICAO phân chia trên biển Đông thuộc FIR Hồ Chí Minh và chính thức giao các quốc gia quản lý, tuy nhiên chúng ta đã đề ra chủ trương đúng đắn là đấu tranh giữ nguyên hiện trạng các vùng trách nhiệm lâm thời trên biển Đông mà ICAO đã xác lập năm 1975 để có thêm thời gian chuẩn bị chu đáo hơn cho việc đấu tranh giành quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

Thời gian sau Hội nghị RAN-2, có thể nói không chỉ ngành Hàng không mà cả các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành địa phương đều dành sự quan tâm đặc biệt cho nhiệm vụ giành lại quyền quản lý và điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Mục tiêu cụ thể của chúng ta lúc này là: Kiện toàn việc nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đủ điều kiện để tiếp nhận quản lý, điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị cho việc kiện toàn vùng thông báo bay Hà Nội. Cụ thể: Nhanh chóng sửa chữa, khôi phục, đưa vào khai thác có hiệu quả hạ tầng cơ sở trang thiết bị kỹ thuật hiện có. Bổ sung trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu quản lý vùng thông báo bay trên sáu lĩnh vực mà ICAO đòi hỏi phía Việt Nam phải đáp ứng, tập trung chủ yếu vào công tác quản lý bay, dẫn đường, viễn thông hàng không, giám sát và khí tượng. Đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đủ số nhân viên có trình độ nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật và Anh ngữ đủ khả năng điều hành vùng thông báo bay theo tiêu chuẩn của ICAO. Chấn chỉnh kiện toàn tổ chức ngành Quản lý bay, biên soạn và áp dụng các quy tắc khai thác không lưu, thông tin, khí tượng theo các khuyến cáo của ICAO, soạn thảo dự luật Hàng không trình Quốc hội ban hành. Trong thời gian này, với sự giúp đỡ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế rất nhiều dự án được thực hiện với mục đích khôi phục lại vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

2(2)Chủ tịch Hội đồng ICAO- Tiến sỹ Assad Kotaite gặp và làm việc với đoàn cán bộ Cục HKDDVN
do Cục trưởng Nguyễn Hồng Nhị dẫn đầu tại trụ sở ICAO Mông-Trê-An 10/1992

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị từ năm 1988 đến 1993, Quản lý bay Việt Nam đã kiện toàn, nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội; Trung tâm Kiểm soát không lưu tiếp cận tại Đà Nẵng; Khánh thành và đưa vào khai thác Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh; Lắp đặt 5 trạm radar giám sát hàng không hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ tại Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Vũng Chua, Cà Mau... để quản lý FIR Hồ Chí Minh; Trang bị xong và đưa vào khai thác 03 đài dẫn đường DVOR/DME Tân Sơn Nhất, Phan Thiết, Phù Cát.

7Ông Nguyễn Xuân Hiển- Giám đốc sân bay Quốc tế Nội Bài tiếp nhận
hệ thống thiết bị Quản lý bay do ICAO bàn giao

Năm 1993, Hội nghị Không vận khu vực châu Á- Thái Bình Dương lần thứ ba (RAN-3) họp tại Băng Cốc- Thái Lan, Chính phủ Việt Nam đã quyết định cử ông Nguyễn Hồng Nhị, Cục trưởng Cục Hàng không làm trưởng đoàn, ông Đào Mạnh Nhương, phó Cục trưởng làm phó đoàn và một số chuyên viên cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên môn và ngoại giao của Ban Biên giới Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cục Hàng không tham dự Hội nghị. Với sự đấu tranh kiên trì và mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường nguyên tắc, vừa tôn trong luật pháp và thông lệ quốc tế, cuối cùng Hội nghị RAN-3 đã nhất trí và ra nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn ngày 24/11/1993: “Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh sau một năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO”.

10Các Đại biểu tham gia Hội nghị không vận khu vực Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ Ba tại Băng Cốc năm 1993 

Sau Hội nghị RAN-3, ngành Hàng không tập trung chuẩn bị mọi mặt để chính thức tiếp nhận phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Các hạng mục công trình phục vụ cho công tác này được giao cho Trung tâm Quản lý bay làm chủ đầu tư. Ngày 29/4/1994 Ban Tiếp nhận phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh được thành lập do ông Trần Xuân Mùi, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Quản lý bay làm trưởng ban. Ban có nhiệm vụ lập kế hoạch và thực hiện việc chuyển giao quyền quản lý và điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vào ngày 07/12/1994; chuẩn bị và thực hiện công tác đối nội, đối ngoại, pháp lý cho việc tiếp nhận, chỉ đạo bảo đảm chất lượng cao các hoạt dộng dịch vụ kỹ thuật và điều hành sau khi tiếp nhận phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

Ngày 07/12/1994, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký công ước Chicagô về Hàng không dân dụng quốc tế (07/12/1944- 07/12/1994), Hội đồng ICAO quyết định tổ chức trọng thể ngày Hàng không dân dụng quốc tế lần thứ nhất ở tất cả các quốc gia thành viên trên thế giới. Ngày 05/12/1994 Chính phủ Việt Nam đã tiến hành tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ICAO và lễ tiếp nhận quyền quản lý và điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Phan Văn Khải cùng đại diện ICAO khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đại diện Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới, đại diện Hàng không dân dụng của 7 nước trong khu vực đã tham dự. Đúng 0h00 theo giờ quốc tế, ngày 08/12/1994, Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh chính thức điều hành, kiểm soát, cung cấp các dịch vụ không lưu cho toàn bộ các hoạt động bay dân dụng trong phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.

Shah 1(1)Phó Thủ tướng Phan Văn Khải và ông Lê Khả, Thứ trưởng Bộ GTVT trao đổi với ông Lalit B.Shah, Đại diện Văn phòng ICAO Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bên lề Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ICAO và Lễ tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. (Ông Phạm Việt Dũng- Trưởng phòng Tổng hợp Văn phòng Cục Hàng không, Thư ký Thường trực của Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm trực tiếp phiên dịch)

Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của Hàng không Việt Nam với cộng đồng Hàng không dân dụng quốc tế. Ông Lalit B.Shah- Đại diện Văn phòng ICAO Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thay mặt ngài Chủ tịch Hội đồng ICAO phát biểu: “Tôi xin bày tỏ sự kính trọng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam bằng cách tôn trọng những cam kết, cống hiến của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cho sự nghiệp phát triển Hàng không dân dụng quốc tế trong khuôn khổ quốc gia cũng như đóng góp cho sự phát triển trong khu vực. Chúng tôi xin đánh giá cao và ghi nhận nguyện vọng của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tích cực tham gia tất cả các chương trình của ICAO…” 

Sau 18 năm đấu tranh bền bỉ, khôn khéo và cương quyết, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện của Bộ Chính trị và Chính phủ trên phương diện ngoại giao; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không; đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay vững về chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị cao trong từng công việc mà họ đảm nhiệm; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ của nhân dân, cán bộ, công nhân viên; ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, thống nhất của các thành viên trong Đoàn tham dự Hội nghị RAN-3 và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự công nhận của các hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay đi, đến thường lệ hoặc quá cảnh qua Việt Nam, ngành HKDD Việt Nam nói chung và Quản lý bay Việt Nam nói riêng đã đấu tranh thắng lợi giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Sự kiện này có ý nghĩa lớn lao trên nhiều phương diện: chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế.

Sau khi giành lại quyền kiểm soát phần phía nam FIR Hồ Chí Minh, Hàng không Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện trên con đường hiện đại hóa và hội nhập không vận Quốc tế.

                                                                                                                                                                       P.H

Thông báo