Tối ưu hóa đường hàng không và phương thức bay

thứ hai, 11/11/2013 02:34

 -Ðài kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất-

 

Nhiều kết quả tích cực

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam Ðinh Việt Thắng tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện tối ưu hóa ÐHK, phương thức bay (PTB) vừa diễn ra tại Hà Nội: Hoạt động hàng không liên tục phát triển, số lượng chuyến bay trong vùng trời Việt Nam tăng liên tục khoảng 8%/năm. Từ vài chục chuyến/ngày trong những năm 1980, đến nay đã hơn 1.250 chuyến bay/ngày, hằng năm tăng gần 30 nghìn chuyến bay. Với sự phát triển hàng không dân dụng hiện nay, nguy cơ quá tải, tắc nghẽn trên bầu trời đang hiện hữu... Do đó, áp lực về nhu cầu cải thiện, điều chỉnh và bổ sung ÐHK và PTB trong giai đoạn phát triển mới của hàng không để tối ưu hóa hành trình của các chuyến bay càng trở nên cấp thiết để bảo đảm khai thác bay an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh quốc phòng và bay tiết kiệm nhất.

Tháng 7-2008, Tổ công tác liên ngành về ÐHK, PTB được thành lập, gồm đại diện Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân và các Sư đoàn không quân, các Tổng công ty như Quản lý bay Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines và các hãng hàng không trong nước. Với vai trò là cơ quan thường trực, Tổ công tác đã chủ trì việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, phương án thiết lập mới, điều chỉnh các ÐHK, các đường bay không lưu cũng như việc đề xuất sửa đổi các PTB hàng không dân dụng (HKDD) trong khu vực sân bay trên nguyên tắc áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và quản lý hoạt động bay mới nhất của thế giới, nhằm thay đổi tổ chức và quy trình phối hợp để sử dụng tối đa vùng trời cho hoạt động HKDD và quân sự; đề xuất các đường bay, tuyến bay linh hoạt để rút ngắn khoảng cách và giảm thời gian chuyến bay, tiết kiệm nhiên liệu bay, chi phí khai thác. Từ năm 2008-2013, các cơ quan có liên quan đã đề nghị thiết lập mới 17 ÐHK quốc tế, 12 ÐHK nội địa, điều chỉnh thông số và điều chỉnh chế độ hoạt động của 39 ÐHK quốc tế và nội địa... xây dựng và sửa đổi, bổ sung 300 PTB đi, đến, tiếp cận tại các CHK quốc tế và nội địa bao gồm cả các CHK mới đưa vào khai thác. Ngoài ra, việc giảm thời gian bay đã góp phần giảm tiêu thụ nhiên liệu mà qua đó sẽ giảm lượng lớn khí thải, góp phần tích cực trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đồng thời qua đó cũng tiết kiệm thời gian bay cho hành khách.

Ðến nay, nhờ thiết lập, điều chỉnh các ÐHK, nhiều đoạn ÐHK rút ngắn khoảng cách, thời gian bay từ ba đến 30 phút như tuyến bay Hà Nội - Côn Minh rút ngắn 20 phút bay; đoạn Phú Bài - Plây Cu giảm ba phút bay, giảm bớt lưu lượng bay tập trung điểm Ðà Nẵng... Năm 2013, đã phối hợp với tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khu vực và HKDD Thái-lan đã rút ngắn khoảng cách 70 km và tiết kiệm 12 phút bay trên ÐHK R202 trong vùng thông báo bay (FIR) Băng-cốc phục vụ tuyến bay Hà Nội và Yan-gun (Mi-an-ma)...

PTB cũng được tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung 300 sơ đồ PTB đi, đến, tiếp cận, bay chờ tại các sân bay. Trong đó, các phương thức bay khi đưa vào hoạt động đã tiết kiệm được hàng triệu USD như phương thức bay hạ cánh đầu 26 CHK Phú Quốc, đầu 02 CHK Cam Ranh và đầu 35 CHK Vinh. Thiết lập khu vực kiểm soát tại CHK Cần Thơ, Thọ Xuân (Thanh Hóa), đang nghiên cứu, điều chỉnh các khu vực kiểm soát tiếp cận tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và một số khu vực khác. Các ÐHK, PTB mới, điều chỉnh đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các hoạt động bay, nâng cao khả năng thông qua vùng trời và ÐHK.

Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giá: Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan và đơn vị của Quân chủng tham gia tích cực, chủ động vào công tác nghiên cứu, tổ chức áp dụng cấu trúc vùng trời, thực hiện việc rà soát, tổng hợp, nghiên cứu nhu cầu khai thác hàng không và hoàn thiện hệ thống ÐHK, PTB bảo đảm đáp ứng cao nhất cho yêu cầu khai thác và phát triển của HKDD và bảo đảm tính an toàn ổn định, và hiệu quả của hệ thống đường bay. Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Ðức chia sẻ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã triển khai huấn luyện đến các phi công, điều phái bay và các đơn vị trong Tổng công ty phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện thao tác an toàn đúng quy định. Nhờ đó, các ÐHK mới, PTB mới được điều chỉnh trong 5 năm qua đã giúp Vietnam Airlines thực hiện thành công hơn 300 nghìn chuyến bay, rút ngắn 15.900 giờ bay.

Tiếp tục tối ưu hóa

Cục HKVN nhận định, trong thời gian tới, tần suất bay trong vùng trời Việt Nam quản lý gia tăng khoảng 8%/năm. Bên cạnh việc gia tăng các hoạt động bay quân sự, hiện tượng tắc nghẽn trên không vẫn sẽ xảy ra ở một số khu vực. Do vậy, trong giai đoạn 2013-2015, tiếp tục tối ưu hóa hệ thống ÐHK và PTB dựa vào các chuẩn mực dẫn đường truyền thống, áp dụng từng phần phương thức dẫn đường mới theo yêu cầu của ICAO. Việc cải thiện tắc nghẽn liên quan đến khả năng thông qua của CHK. Hiện tại, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất năng lực khai thác là 27 chuyến/giờ, đây là năng lực thông qua không cao. Việc khống chế ở một năng lực khai thác nhất định đã ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng hàng không, các hãng ít có điều kiện chọn các giờ khai thác bay thuận lợi hơn. Ðể cải thiện tình trạng này, Cục HKVN sẽ phối hợp Bộ Quốc phòng tối ưu hóa PTB để nâng cao năng lực thông qua vùng trời sân bay.

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QÐND Việt Nam đã nhận định: Trong thời gian qua, việc phối hợp giữa HKDD và quân sự trong việc tối ưu hóa ÐHK và PTB đã đáp ứng đồng thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh-quốc phòng. Tuy nhiên, hệ thống ÐHK và PTB cần được tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng cả yêu cầu của HKDD và quản lý vùng trời. Cần tiến hành đánh giá toàn bộ cấu trúc vùng trời của HKVN, tập trung nghiên cứu nhận diện các "điểm nóng" trong hoạt động lưu thông hàng không để kịp thời đề ra các giải pháp xử lý.

Ðồng tình với nhận định nêu trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam Hoàng Thành cho rằng, các cơ sở điều hành bay của Tổng Công ty phải đối mặt với không ít thách thức từ sự tăng trưởng không ngừng của hoạt động bay trong vùng trách nhiệm. Ở một số sân bay, khu vực vùng trời, nhất là khu vực vùng trời sân bay quốc tế lớn, đã có nhiều thời điểm mật độ hoạt động bay khá cao. Các phương thức dẫn đường hiện nay chủ yếu duy trì ở mức độ phương thức dẫn đường truyền thống, phụ thuộc vào các trang thiết bị dẫn đường được bố trí dưới mặt đất. Tại các CHK quốc tế chính, mật độ hoạt động bay cao, số lượng tuyến kết nối đến sân bay nhiều và không có các phương thức có khả năng giải tỏa tình huống không lưu.

Theo Cục HKVN, thời gian tới cần tiếp tục thiết lập, điều chỉnh ÐHK. Theo đó, chuyển ÐHK tạm thời W23 thành ÐHK chính thức trong năm 2013; thiết lập ÐHK (có điều kiện) để rút ngắn khoảng cách tuyến bay giữa Hà Nội với các thành phố của Ô-xtrây-li-a và Xiêm Riệp của Cam-pu-chia... Nhất là nghiên cứu, thiết lập ÐHK cao tốc nội địa song song một chiều phục vụ đường bay trục bắc-nam và ÐHK quốc tế song song theo kế hoạch của ICAO khu vực nhằm giảm thời gian bay, giảm tắc nghẽn trên không. Tiếp theo là tối ưu hóa các PTB và khu vực kiểm soát HKDD; điều chỉnh khu vực kiểm soát tiếp cận CHK quốc tế Tân Sơn Nhất theo hướng mở rộng, nâng cao để giảm phân cách ra-đa năm 2013 và điều chỉnh khu vực kiểm soát Nội Bài, Ðà Nẵng đối với các tuyến bay, vệt bay, hành lang ra vào; tổ chức lại vùng trời Cam Ranh; điều chỉnh phân khu kiểm soát của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh; áp dụng công nghệ mới với dẫn đường bay các CHK miền núi và địa hình miền núi như: Ðiện Biên, Cam Ranh, Côn Sơn...

ND2 

  Nhà ga hành khách T2, Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đang được khẩn trương xây dựng

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Thông báo