20/09/2024
Tổng Giám đốc tham dự Đại hội đồng ICAO lần thứ 39 tại Ca-na-đa
Vừa qua, từ 27/9 đến 7/10, tại Mông-rê-an (Ca-na-đa), đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 39 Đại hội đồng Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tổng Giám đốc Phạm Việt Dũng tham gia đoàn Việt Nam dự họp. Tham dự kỳ họp này, có 2.199 đại biểu từ 183 quốc gia trên tổng số 191 quốc gia thành viên và 54 Tổ chức quốc tế.
Một số nội dung quan trọng được tập trung thảo luận và thống nhất như sau:
An toàn hàng không và Quản lý hoạt động bay
Hội nghị tiếp tục khuyến khích các quốc gia hành động để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch an toàn hàng không toàn cầu của ICAO (GASP) và các ưu tiên của Kế hoạch không vận toàn cầu (GANP), Kế hoạch không vận khu vực (BANP). Đại hội đồng thông qua Nghị quyết về lập kế hoạch toàn cầu về hoạt động bay và an toàn (chấp thuận phiên bản 2 Kế hoạch an toàn hàng không toàn cầu và phiên bản 5 Kế hoạch không vận toàn cầu làm định hướng chiến lược thực hiện, thúc giục các quốc gia thiết lập các giải pháp để thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý hoạt động bay và giám sát an toàn, thể hiện ý chí chính trị với các nguồn lực trong việc xử lý các hạn chế và hợp tác, hỗ trợ thực hiện 2 lĩnh vực này).
An ninh hàng không
Hội đồng báo cáo về tình hình thực hiện Chiến lược an ninh hàng không toàn diện của ICAO (ICASS) giai đoạn 2014-2016 và kế hoạch cho giai đoạn tới 2017-2019. Chiến lược ICASS của ICAO là bước chuyển đổi sang Chương trình an ninh hàng không toàn cầu do ICAO xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Trong giai đoạn 2017-2019, chiến lược ICASS tập trung vào các nội dung sau: (i) tiếp tục xử lý có hiệu quả những mối đe dọa hiện tại và tương lai; (ii) tăng cường sáng kiến về an ninh hàng không; (iii) tăng cường chia sẻ thông tin; (iv) tăng cường sự tuân thủ toàn cầu (xử lý những khác biệt tại mỗi quốc gia thông qua các đợt thanh tra an ninh hàng không); (v) tăng cường đào tạo nguồn nhân lực an ninh hàng không; (vi) công nhận lẫn nhau đối với các qui trình an ninh hàng không ; (vii) nâng cao nhận thức về an ninh hàng không trên toàn cầu nhằm xử lý những thách thức mới đối với an ninh hàng không.
Ngoài ra, một trong những vẫn đề được quan tâm tại Kỳ họp lần này là vấn đề an ninh mạng. Nhận thức được sự nghiêm trọng của những mối đe dọa, tấn công vào hệ thống thông tin, dữ liệu hàng không trong những năm gần đây, Hội đồng đã trình Kỳ họp thông qua Nghị quyết có tiêu đề “Đối phó với vấn đề an ninh mạng trong Hàng không dân dụng”. Mục tiêu của Nghị quyết là nhằm tái khẳng định tầm quan trọng và sự cấp bách phải bảo vệ hệ thống hạ tầng quan trọng của hàng không và các dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng và đạt được những cam kết hành động của ICAO, các quốc gia thành viên và ngành hàng không để cùng nhau hợp tác có hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề an ninh mạng và giám thiểu các mối đe dọa và rủi ro liên quan. Đây là vấn đề mà hiện nay nhiều nước hết sức quan tâm về nguy cơ bị tấn cộng mạng thông tin, dữ liệu hàng không dân dụng, trong đó có Việt Nam.
Đoàn Việt Nam dự họp Đại hội đồng Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế lần thứ 39
Cơ chế Giảm phát khí thải CO2 từ hoạt động hàng không dựa trên thị trường (GMBM)
Tại Kỳ họp này, Đại Hội đồng đã thông qua cơ chế “Các giải pháp dựa vào thị trường toàn cầu” (Gloabal Market-Based Measures - GMBM), theo hình thức giảm và bù trừ phát thải khí CO2 đối với hàng không quốc tế và lấy mức khí thải CO2 của các chuyến bay quốc tế trong năm 2020 làm chuẩn.
Việc thực hiện GMBM chia thành các giai đoạn như sau: (i) Giai đoạn khởi động (Pilot Phase) từ năm 2021 đến năm 2023 đối với các quốc gia tự nguyện tham gia. Hiện đã có 65 quốc gia tự nguyện tham gia vào Giai đoạn khởi động này; (ii) Giai đoạn 1 từ năm 2024 đến năm 2026 đối với các quốc gia tự nguyện tham gia trong giai đoạn khởi động và các quốc gia tự nguyện tham gia mới; (iii) Giai đoạn 2 từ năm 2027 đến năm 2035 đối với tất cả các quốc gia có hoạt động HKDD quốc tế tính theo RTK (Tổng trọng tải tấn/km) vượt mức 0,5 % của năm 2018 trên tổng cộng RTK toàn cầu hoặc theo danh sách các quốc gia có tổng lượng RTK đạt trên 90% tổng cộng RTK toàn cầu, miễn trừ các quốc gia chậm phát triển nhất, các đảo quốc nhỏ đang phát triển và các quốc gia lục địa đang phát triển trừ khi họ muốn tham gia một cách tự nguyện.
Bắt đầu từ 01/01/2019, tất cả các quốc gia thành viên có hoạt động bay quốc tế phải thiết lập hệ thống theo dõi, báo cáo và giám sát. Các quốc gia thành viên phải tiến hành bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nếu cần để thực hiện chương trình này trước năm 2020. Ngoài ra, ICAO khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng GMBM đối với các đường bay nội địa.
Pháp lý
Đại hội đồng thảo luận về Chương trình làm việc của Uỷ ban Pháp luật trong giai đoạn tới. Trong đó, có xây dựng khung pháp lý cho hệ thống CNS/ATM, bao gồm cả hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu (GNSS) và cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực; Tiêu chí xác định tàu bay dân dụng và tàu bay Nhà nước.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Tổng Giám đốc cùng đoàn Việt Nam đã đến chào xã giao Chủ tịch Hội đồng ICAO ông Berna Aliu và Tổng thư ký ICAO bà Fang Liu. Tại buổi tiếp, Chủ tịch ICAO và Tổng thư ký cảm ơn đoàn Việt Nam đã tham dự Kỳ họp lần này và đánh giá cao sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hoạt động của ICAO.
Chủ tịch và Tổng thư ký nhấn mạnh sự phát triển hàng không mạnh mẽ trong khu vực Châu Á-TBD trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng và khuyến nghị Việt Nam tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không theo sáng kiến “Không Quốc gia nào bị tụt hậu” của ICAO và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua Văn phòng Khu vực châu Á-TBD. Đoàn Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ của ICAO trong những năm qua và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian tới.
Kết quả bầu thành viên Hội đồng ICAO nhiệm kỳ 2017-2019Nhóm 1 (11quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất trong lĩnh vực vận tải hàng không): Ốt-xtrây-lia, Bra-xin, Ca-na-đa, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia, Nhật bản, LB Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Nhóm 2 (12 quốc gia đóng góp nhiều nhất trong lĩnh vực không vận quốc tế): Ác-hen-ti-na, Cô-lôm-bia, Ai Cập, Ấn Độ, Ai-len, Mê-hi-cô, Ni-gê-ria, Ả-rập Xê-út, Xing-ga-po, Nam Phi và Tây Ban Nha, Thụy Điển. Nhóm 3 (13 quốc gia đại diện cho khu vực địa lý): An-gê-ri, Carbo Verde, Công-gô, Cu ba, Ê-cu-a-đo, Ken-nia, Ma-lai-xia, Pa-na-ma, Hàn Quốc, Thổ Nhỹ Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Tan-da-nia và U-ru-guay. |
BBT