11/12/2024
Trao đổi kinh nghiệm xử lý can nhiễu tần số liên lạc VHF
Ngày 29/9/2018, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật – Công ty Quản lý bay miền Trung đã tổ chức Hội nghị bình giảng rút kinh nghiệm công tác an toàn tháng 9/2018 với chủ đề tập trung trao đổi kinh nghiệm xử lý can nhiễu liên lạc VHF tại trạm radar- thông tin Quy Nhơn. Tham dự Hội nghị có các đội trực thuộc Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, đại diện phòng Không lưu và phòng An toàn – An ninh.
Tại Hội nghị, Đội radar Quy Nhơn trình bày kinh nghiệm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát vô tuyến điện (TT TSVTĐ) kiểm tra, phát hiện nhiễu và công tác hiệp đồng với ACC Hồ Chí Minh giải trợ liên lạc sang tần số dự phòng khi liên lạc trên tần số chính bị gián đoạn. Bên cạnh đó, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất rất hữu ích cho công tác xử lý can nhiễu như:
Sự phối hợp tích cực, có hiệu quả giữa đơn vị khai thác thiết bị trong việc theo dõi, thống kê các quy luật can nhiễu: tần suất, thời gian, hướng can nhiễu; vị trí tàu bay bị can nhiễu,...; sử dụng thiết bị phân tích phổ để đo đạc phổ tần số gây nhiễu cung cấp thông tin cho TT TSVTĐ sẽ rút ngắn thời gian phát hiện, xử lý nhiễu.
Một số bộ lọc VHF qua quá trình khai thác được hiệu chỉnh chưa chính xác, dẫn đến chất lượng lọc nhiễu chưa tốt. Vì vậy, trong đợt bảo dưỡng định kỳ gần nhất, các đơn vị sẽ sử dụng thiết bị phân tích mạng (Network analyzer) đã được trang bị kiểm tra, hiệu chỉnh lại đặc tuyến biên độ - tần số nhằm đạt được chất lượng lọc tín hiệu tốt nhất.
Đặc tuyến biên độ - tần số của 1 bộ lọc bị hiệu chỉnh sai và sau khi hiệu chỉnh đạt yêu cầu
Nhờ áp dụng công nghệ xử lý tín hiệu số DSP, các máy thu VHF ngày nay cho phép thiết lập được các chế độ mở mạch thu (mở Squelch) khác nhau: dựa trên mức tín hiệu đầu vào kết hợp với tỉ số tín hiệu/nhiễu (S/N) theo các thuật toán logic AND/OR,... Vì vậy, tùy theo tình huống can nhiễu tần số cụ thể: nhiễu ngoài băng (outband noise), nhiễu trong băng (inband noise), mức nhiễu,... nhân viên kỹ thuật có thể thiết lập các chế độ squelch khác nhau nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của can nhiễu đến chất lượng liên lạc thoại VHF.
Đối với các khu vực tập trung nhiều anten VHF, bên cạnh việc bố trí khoảng cách các anten VHF hợp lý để tránh can nhiễu giữa các tần số VHF cần phải tính toán, đánh giá lại mức công suất máy phát, ngưỡng mở máy thu phù hợp với mỗi thiết bị VHF sử dụng cho các khu vực điều hành bay khác nhau. Các tham số sau khi đã được đánh giá, kiểm chứng có thể đưa vào các tài liệu hướng dẫn khai thác kỹ thuật để áp dụng.
Ví dụ: Đối với vùng kiểm soát Tower Control Đà Nẵng, Approach Control Đà Nẵng có cự ly liên lạc ngắn (bán kính 15km, 60km) có thể thiết lập công suất máy phát thấp ngưỡng squelch máy thu lớn hơn so với các máy VHF sử dụng cho Đà Nẵng Control. Qua đó có thể hạn chế được can nhiễu do nội tại các hệ thống VHF gây ra.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, chủ trì hội nghị đã kết luận tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp và giao các đội tổ chức phổ biến các kinh nghiệm, ý kiến đã thống nhất tại hội nghị đến các nhân viên kỹ thuật.
Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật sẽ tổ chức rà soát, đánh giá các tham số hoạt động của các hệ thống VHF, xây dựng phương án tổ chức lại các hệ thống VHF tại trạm Quy Nhơn để báo cáo Công ty Quản lý bay miền Trung và Tổng Công ty phê duyệt triển khai thực hiện nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng liên lạc VHF không địa.
Đội Thông tin - Đội radar Quy Nhơn