03/04/2024
Trung tâm Đào tạo- Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay triển khai dự án Đào tạo trực tuyến và thư viện điện tử
Ngoài Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các doanh nghiệp lớn trong ngành Hàng không cũng có những dự án tương tự nhằm thực hiện phương thức đào tạo mới cho nhân viên để phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa chi phí đào tạo và giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp cũng như người lao động trong việc vừa bố trí lao động vừa tổ chức đào tạo thường xuyên.
Đào tạo trực tuyến là quá trình học tương tác thông qua việc sử dụng máy tính và các kỹ thuật truyền thông để đào tạo và học tập. Đào tạo trực tuyến là hình thức truyền tải nội dung bằng phương tiện điện tử qua trình duyệt web, ví dụ như Netscape Navigator hay Internet Explorer thông qua mạng Internet/Intranet hay qua các hình thức khác như CD-ROM, DVD broadcast video, nội dung theo yêu cầu hay lớp học ảo...Nói một cách khác, đào tạo trực tuyến là sự kết hợp của Internet và các công nghệ số tạo ra mô hình đào tạo trong đó các thông tin về giáo dục, đào tạo, các kiến thức và sự lĩnh hội được thực hiện thông qua các máy tính, Internet, các website…
Lợi ích của đào tạo trực tuyến đối với doanh nghiệp
Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, E-Learning là một trong những hình thức học tập hiệu quả nhất của thời đại công nghệ thông tin.
Đào tạo trực tuyến tạo điều kiện học tập cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi đồng thời tăng cường tính chủ động của người học. Học viên có thể truy cập các khoá học tại bất kỳ nơi đâu có mạng Internet. Về mặt thời gian, giúp giảm thời gian đi lại của các học viên, các học viên có thể nghe bài giảng và học bài trong thời gian thích hợp tùy chọn. Về mặt địa lý, học viên có thể tham gia khóa học tại nhà, tại cơ quan…thông qua mạng Internet và các thiết bị hỗ trợ mà không phải đi đến lớp học. Không giới hạn về mặt địa lý, các học viên từ các vùng khác nhau, từ các nước khác nhau đều có thể tham gia vào khóa học mà không có hạn chế về nền văn hóa, phong tục và tập quán. Hình thức đào tạo trực tuyến này đã giúp giảm khoảng 60% chi phí đi lại và tổ chức địa điểm và giảm từ 20 đến 40% thời gian đào tạo so với phương pháp giảng dạy truyền thống.
Những lợi ích của đào tạo trực tuyến
Về mặt học tập, học viên dễ cập nhật nội dung bài học và có thể học theo nhịp độ của riêng mình. Học viên được tạo điều kiện tham gia diễn đàn, tranh luận qua mạng, có thể giao tiếp với giảng viên và các học viên khác. Bên cạnh đó, học viên có thể sử dụng chung các tài nguyên học tập, bài giảng, giáo trình điện tử, tiết kiệm chi phí chuẩn bị bài giảng, tài liệu học tập…
Đặc biệt, đào tạo trực tuyến là hình thức đào tạo có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí như đi lại và lưu trú, giảm chi phí học tập, đặc biệt là đối với các học viên tham gia các khóa học đào tạo từ xa… Tuy nhiên, đào tạo trực tuyến cũng gặp phải những khó khăn nhất định.
Những quan điểm về Đào tạo trực tuyến
Khó khăn đầu tiên gặp phải đó là thống nhất thuật ngữ đào tạo trực tuyến với các thành viên trong tổ chức vì trong tiếng Việt thì Online Training hay e-Learning đều được hiểu là Đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế có đôi chút khác nhau. Quan điểm về đào tạo trực tuyến hầu hết thiên nhiều về Online Training chứ không hẳn chỉ là e-Learning (Online Training đòi hỏi khóa học cần có giảng viên trực tuyến còn e-Learning thì không nhất thiết phải có giảng viên trực tuyến). Việc hiểu đúng về đào tạo trực tuyến sẽ giúp hoạch định phạm vi công việc cũng như nguồn lực sử dụng sau này của doanh nghiệp được rõ ràng và có tính ưu tiên hơn.
Đánh giá đúng vai trò của công nghệ trong đào tạo
Vấn đề thứ hai là công nghệ sử dụng trong đào tạo trực tuyến. Đào tạo trực tuyến về bản chất là hoạt động đào tạo dựa trên nền tảng Internet. Công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ giúp thực hiện khóa học và quản lý đào tạo. Do đó, vấn đề ưu tiên không chỉ là công nghệ hiện đại, tiên tiến mà còn ở chỗ đội ngũ nhân sự có khả năng sử dụng và vận hành hệ thống công nghệ như thế nào? Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cá nhân trong tổ chức khi bắt tay vào thực hiện thì điều đầu tiên họ quan tâm lại chính là vấn đề công nghệ. Quan tâm tới vấn đề công nghệ là đúng nhưng cần có sự quan tâm, ưu tiên đúng mực và đồng bộ để tổ chức có thể dành nguồn lực phù hợp cho các hoạt động khác quan trọng như xây dựng hệ thống học liệu, phát triển chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho giảng viên về đào tạo trực tuyến....
Tính thực tiễn và khả thi
Vấn đề sâu hơn của đào tạo nói chung và đào tạo trực tuyến nói riêng chính là xây dựng chương trình đào tạo. Làm thế nào để xây dựng được một chương trình đào tạo dài hạn, có tính kế thừa và theo đuổi mục tiêu giai đoạn 3-5 năm. Chương trình đào tạo phải gắn chặt và phục vụ được chính sách nhân sự của tổ chức. Làm được như vậy thì đào tạo mới thực sự có ý nghĩa và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng các hoạt động của tổ chức. Qua tham khảo một số đơn vị triển khai đào tạo trực tuyến trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy vấn đề đội ngũ và hệ thống các chương trình đào tạo ít được đầu tư và nghiên cứu nên nhiều dự án đào tạo trực tuyến “chết yểu” vì không có nhiều chương trình học để phục vụ cán bộ, nhân viên.
Từ trực tiếp đến trực tuyến
Khó khăn tiếp theo đặt ra đó là làm thế nào để chuyển đổi từ một khóa học trực tiếp thành một khóa học trực tuyến? Liệu có phải chỉ cần đem tài liệu khóa học trực tiếp số hóa (quay video, làm flash) là xong? Hay cần phải làm gì khác? Làm thế nào để thúc đẩy học viên vào học và hăng hái học tập? Đánh giá học viên như thế nào? Tổ chức một lớp học trực tuyến như thế nào để thành công?
Một số giải pháp thực hiện đào tạo trực tuyến
Thứ nhất là xây dựng năng lực cho đội ngũ giảng viên nội bộ của doanh nghiệp thông qua các khóa học về đào tạo giảng viên. Thông qua những khóa học này, giảng viên sẽ hiểu rõ và nắm được quy trình đào tạo nói chung và đào tạo trực tuyến nói riêng; biết cách vận dụng các kiến thức về nguyên tắc đào tạo trong xây dựng một khóa đào tạo trực tuyến; biết cách triển khai khóa học trực tuyến cho học viên
Thứ hai là tăng cường đội ngũ quản trị đào tạo trực tuyến về số lượng và chất lượng, đặc biệt cần bồi dưỡng trình độ cho quản trị viên để không những vận hành tốt, xử lý kịp thời mỗi khi xảy ra sự cố mà còn phải có những chiến lược lâu dài nhằm phát triển, mở rộng quy mô, phạm vi ứng dụng của hệ thống E-learning trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo.
Một số giải pháp thực hiện đào tạo trực tuyến
Thứ ba là để hình thức đào tạo trực tuyến triển khai có hiệu quả, chất lượng đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư nhiều vào chương trình, học liệu đào tạo. Chương trình, học liệu đào tạo trực tuyến trong doanh nghiệp cần được liên tục hoàn thiện, cập nhật thông tin; các giáo trình, bài giảng thực hành, học liệu số được cung cấp qua thư viện điện tử giúp người dùng có đủ thông tin cần khai thác. Cần tổ chức các cuộc thi như: Thiết kế bài giảng điện tử, thiết kế học liệu…; tổ chức trao đổi kinh nghiệm về phương pháp sử dụng E-learning tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để giảng viên có thêm kỹ năng xây dựng cho mình học liệu giảng dạy hiệu quả hơn.
Thứ tư, một hoạt động vô cùng quan trọng đó là xây dựng chính sách nhân sự và quy chế đào tạo phù hợp để thúc đẩy vấn đề đào tạo và kết quả đào tạo, quy chế đào tạo cần phải được xây dựng sao cho kết quả học của mỗi học viên chính là đầu vào của quá trình nhân sự. Khi đào tạo được sử dụng như một trong những chính sách về nhân sự và được sự ủng hộ từ các quy chế nhân sự thì sự tham gia của người học sẽ hiệu quả hơn.
Cần nhìn nhận hình thức đào tạo trực tuyến là một phương thức thực hiện về lâu dài và song song cùng với đào tạo trực tiếp. Do đó, phải xác định rõ vấn đề chế độ đãi ngộ đối với giảng viên xây dựng và đào tạo trực tuyến. Trong chính sách nhân sự và quy chế đào tạo cần nêu rõ quy định thu nhập của giảng viên trong hoạt động xây dựng khóa học và quá trình giảng dạy trực tuyến.
Thứ năm là vấn đề thu hút người học cần chú trọng giải quyết thông qua một số giải pháp như: bản thân mỗi cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp tùy theo từng vị trí công việc sẽ được phân công những khóa học liên quan nhằm nâng cao năng lực của mình. Do đó, bản thân người học luôn phải ý thức về trách nhiệm nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc. Điều này là một động lực vô cùng quan trọng trong việc tham gia vào khóa học.
Thiết kế khóa học hướng vào mục tiêu học viên nên khóa học được thiết kế đơn giản, gọn và có mục tiêu rõ ràng giúp người học quản lý tốt quá trình học tập để đảm bảo thời gian và hiệu quả cả trong học tập và trong công việc.
Sự thúc đẩy và lôi kéo của giảng viên trong các hoạt động của khóa học sẽ giúp học viên cảm thấy được quan tâm và đồng thời có áp lực phải hoàn thành khóa học đúng hạn và đúng yêu cầu của giảng viên.
Khóa học trực tuyến luôn có sự tương tác nhiều chiều trong khóa học (giữa học viên- học viên; học viên-giảng viên; học viên-nội dung). Điều này thúc đẩy tất cả mọi người cùng nỗ lực và đồng thời là động lực giúp nhau cùng học tập.
Xây dựng kho học liệu phong phú, tổ chức nhiều khóa học để giúp cho học viên có thêm nhiều sự lựa chọn khi tham gia khóa học.
Nguyễn Thanh Bình