23/12/2024
Từ Đài chỉ huy Sân bay Gia Lâm năm 1954 đến Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hôm nay
Ngược dòng lịch sử
Sân bay Gia Lâm hiện nay nằm trên một khu đất cao kẹp giữa đường 5 và đê sông Hồng thuộc địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên, cách trung tâm Hà Nội 3,5km. Sân bay này được xây dựng vào năm 1935, khánh thành vào năm 1936, vừa là sân bay dân dụng nhưng cũng là sân bay quân sự. Có thể nói đây là một trong những sân bay được trang bị hoàn hảo nhất ở Viễn Đông lúc bấy giờ. Khi Pháp tái chiếm miền bắc, Gia Lâm là căn cứ không quân lớn nhất của quân đội Pháp ở Đông Dương.
Với thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 21/07/1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc với bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Đài chỉ huy sân bay Gia Lâm trong ngày tiếp quản 10 tháng 10 năm 1954 trở thành một phần biểu tượng lịch sử, đánh dấu cho sự bắt đầu của một thời kỳ mới khó khăn nhưng hào hùng của Dân tộc.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Đài chỉ huy sân bay Gia Lâm trong ngày tiếp quản 10.10.1954
Đúng 12 giờ đêm ngày 31/12/1954, từ sân bay Gia Lâm, một bức điện đã phát lên không trung, báo cho toàn thế giới biết: “Kể từ 0 giờ ngày 01/01/1955 theo giờ Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn vào, ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra đều phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội”.
Điều hành bay trên Đài chỉ huy sân bay Gia Lâm
Có thể tự hào nói rằng, đây không chỉ là thời khắc lịch sử của ngành Hàng không Việt Nam mà còn là thời khắc lịch sử của cả Dân tộc. Đây cũng là thời điểm ra đời Cơ quan Điều phái đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, tiền thân của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ngày nay.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cơ quan Quản lý bay đã bảo đảm chỉ huy điều hành bay an toàn cho hàng nghìn các chuyến bay chuyên cơ, vận chuyển hành khách, hàng hóa và đặc biệt là các chuyến bay phục vụ cho vận tải quân sự và tham gia chiến đấu, góp phần khôi phục kinh tế miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước giải phóng năm 1976, ngành Hàng không tách khỏi quân chủng Phòng không- Không quân, là một thành viên trong cơ cấu của Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Quản lý bay đã trở thành một ngành quan trọng, xương sống cấu trúc nên ngành Hàng không. Quản lý bay đã nỗ lực thực hiện tốt chức năng quản lý vùng trời, quản lý các hoạt động bay trong nước và quốc tế, tham gia vào quá trình phân công hợp tác quốc tế về cung cấp các dịch vụ không vận khi trực tiếp điều hành các máy bay quốc tế bay đi, đến và quá cảnh qua vùng trời chủ quyền của Việt Nam.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chuyển đổi, hoàn thiện mô hình tổ chức để phát triển
Một trong những dấu mốc quan trọng trọng trong sự phát triển của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) là sự kiện ngày 20/4/1993, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Danh Lưu đã ký quyết định thành lập Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (tiền thân của VATM ngày nay) là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam.
Sau khi được thành lập, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên, chủ động hội nhập với cộng đồng hàng không quốc tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 29 năm qua, VATM đã từng bước đầu tư trang thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, đi tắt, đón đầu, tiếp thu và làm chủ công nghệ mới đưa Quản lý bay dân dụng Việt Nam vươn lên sánh vai với các nước có nền công nghiệp hàng không tiên tiến trong khu vực, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành Quản lý bay Việt Nam.
Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được khánh thành và đưa vào khai thác ngày 19/7/2012
Cho đến nay, gần 11 triệu lần chuyến bay đi/đến và bay qua Việt Nam đã được quản lý điều hành an toàn tuyệt đối, bầu trời và chủ quyền Quốc gia được giữ vững. Hàng năm, VATM đã thu về cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Cùng với việc đầu tư xây dựng, hiện đại hóa các cơ sở điều hành bay, Tổng công ty đã tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, các lực lượng chuyên ngành: kiểm soát viên không lưu, kỹ thuật, thông tin, khí tượng,…có trình độ vững vàng, ngoại ngữ tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài trong kỷ nguyên hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Với những thành tích đã đạt được trong 29 năm qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” cho tập thể Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và cá nhân đồng chí Trần Xuân Mùi nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam năm 2000; Huân chương Độc lập hạng Ba cho tập thể Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; 13 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 18 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 08 cờ thi đua của Chính phủ; 68 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho các tập thể, cá nhân thuộc Tổng công ty. Giải thưởng “Đại bàng” của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dành cho nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có bước tiến vượt bậc. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh, khẳng định vị thế là một Tổng công ty đặc thù trong ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
29 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đạt được hôm nay đã góp phần tô đậm những mốc son trên chặng đường phát triển của ngành Hàng không dân dụng và Quản lý bay Việt Nam. Phát huy truyền thống của Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tổng công ty đang tiếp tục nắm bắt những cơ hội, đối mặt với những thách thức, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập thực sự và toàn diện với các nước trên thế giới, quyết tâm xây dựng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trở thành “một trong những Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á”, góp phần xây dựng ngành Quản lý bay Việt Nam ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng và văn minh”.
Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
được khánh thành và đưa vào khai thác ngày 02/7/2013
Nguyễn Thị Phương Hằng