23/12/2024
VATM - 10 sự kiện tiêu biểu năm 2018
1. Đảm bảo điều hành bay an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm
Tổng công ty đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức vùng trời, đường hàng không, phương thức bay, quản lý luồng không lưu nhằm tăng năng lực điều hành bay, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao, trọng tâm là tổ chức điều hành bay an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm.
Kíp trực tại Đài KSKL Nội Bài
Sản lượng điều hành bay của Tổng công ty ước đạt 890.935 lần chuyến bằng 104,22% kế hoạch năm 2018; Tổng doanh thu: 3.878 tỷ đồng đạt 110,8% kế hoạch năm 2018, tăng 16,07% so với thực hiện năm 2017; Nộp NSNN: 2.926 tỷ đồng đạt 118,83% kế hoạch năm 2018, tăng 18,94% so với thực hiện năm 2017.
2. Đưa vào khai thác Đài Kiểm soát không lưu Thọ Xuân
Công trình Đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không Thọ Xuân có tổng mức đầu tư hơn 95 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được khánh thành và đưa vào khai thác ngày 12/1/2018.
Đài Kiểm soát không lưu Thọ Xuân là Đài Kiểm soát không lưu hỗn hợp, điều hành bay chung dân dụng và quân sự, đảm bảo cung cấp các dịch vụ điều hành bay 24/24h bao gồm: kiểm soát tại sân, kiểm soát mặt đất, kiểm soát hoạt động bay quân sự cho tất cả các hoạt động bay đi/đến Cảng hàng không Thọ Xuân và khu vực Thanh Hóa.
Đài KSKL Thọ Xuân
Đài kiểm soát không lưu Thọ Xuân cùng với công trình hạ tầng cơ sở và các trang thiết bị đồng bộ tại Cảng hàng không Thọ Xuân đảm bảo năng lực điều hành bay đạt 12 lần chuyến/giờ, tương đương khoảng 105.000 lần chuyến/ năm, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
3. Thành lập Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân Cam Ranh
Ngày 16/8/2018, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức công bố và trao quyết định thành lập Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân Cam Ranh. Trung tâm có chức năng cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay: Dịch vụ không lưu (kiểm soát tại sân bay, kiểm soát tiếp cận, thông báo bay, báo động, tư vấn không lưu); dịch vụ khí tượng; dịch vụ đánh tín hiệu tại sân bay và dịch vụ thông tin, giám sát cho các hoạt động bay thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành được giao; đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở điều hành bay.
Chủ tịch HĐTV Phạm Việt Dũng trao Quyết định thành lập Trung tâm cho
Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam Phạm Văn Long
Việc thành lập Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân Cam Ranh giúp cải thiện một cách cơ bản công tác phối hợp điều hành bay giữa Hàng không dân dụng và quân sự hiện nay; thực hiện điều hành bay bằng rada thay phương pháp cổ điển trước đây, đảm bảo quản lý hoàn toàn các mạch bay bằng thiết bị, quỹ đạo bay của các tàu bay Hàng không dân dụng trong khu vực vùng trời Cam Ranh; giảm thiểu khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu trong công tác hiệp đồng bay với các cơ quan, đơn vị liên quan; tiết kiệm tối đa thời gian làm việc của kiểm soát viên không lưu để sử dụng cho mục đích hoạch định nền không lưu được tốt hơn.
4. Áp dụng phương thức dẫn đường tiên tiến SID/STAR RNP1 tại sân bay Phú Bài
Sau khi áp dụng thành công phương thức bay đi đến (SID/STAR RNP1) tại sân bay Cam Ranh, tháng 5/2018, Tổng công ty tiếp tục triển khai thực hiện tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài nhằm tối ưu hóa quỹ đạo hoạt động của tàu bay, chủ động trong việc thiết lập thứ tự tiếp cận hạ cánh, tăng năng lực điều hành bay, góp phần giải quyết tắc nghẽn, tăng cường đảm bảo an toàn, giảm thiểu cường độ làm việc của kiểm soát viên không lưu, giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và khí thải phát, tăng hiệu quả kinh tế.
Phó Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung Đào Xuân Tú tặng hoa chúc mừng cán bộ, nhân viên,
kiểm soát viên không lưu đài KSKL Phú Bài
Áp dụng phương thức dẫn đường dựa trên tính năng RNP1 mang lại nhiều tiện lợi cho kiểm soát viên không lưu, có thể lựa chọn các đường bay ngắn và tối ưu nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm soát viên không lưu cũng như tổ lái trong việc phân cách giữa máy bay đi và đến, giữa máy bay bay lại (tiếp cận không thành công) và máy bay đang thực hiện tiếp cận hạ cánh trong môi trường không có radar giám sát.
5. Ký hợp đồng với Tập đoàn Mitre, Hoa Kỳ về hỗ trợ kỹ thuật xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện Quản lý luồng không lưu (ATFM) tại Việt Nam
Trên cơ sở Thỏa thuận đã ký kết tháng 9/2017 giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam với Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA) về việc Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho Tổng công ty số tiền là 915.348 đô la Mỹ để thực hiện đề án xây dựng kế hoạch tổng thể về quản lý luồng không lưu tại Việt Nam, ngày 02/2/2018 tại Hà Nội, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ký hợp đồng với Tập đoàn MITRE, Hoa Kỳ về hỗ trợ kỹ thuật xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện quản lý luồng không lưu tại Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án là 18 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết. Mục tiêu của dự án là: Thiết lập tầm nhìn ATFM của Việt Nam và xây dựng kế hoạch khai thác ATFM của Việt Nam tới năm 2025 và những năm tiếp theo; Xây dựng lộ trình tham gia vào dự án “Khai thác ATFM đa điểm nút” trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực ATFM; Giới thiệu về ATFM và huấn luyện tổng quan về ATFM cho VATM và các cơ quan, đơn vị liên quan của Việt Nam; Đưa ra cấu trúc hệ thống ATFM điển hình, với các yêu cầu về mặt kỹ thuật và khai thác để làm cơ sở cho việc đầu tư thiết bị và công cụ ATFM trong tương lai.
VATM ký hợp đồng với Tập đoàn Mitre, Hoa Kỳ
6. Ký kết thỏa thuận tài trợ không hoàn lại với Công ty Japan Radio Co., Ltd Nhật Bản
Ngày 02/5/2018, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty Japan Radio (JRC) – Nhật Bản đã ký Thỏa thuận tài trợ không hoàn lại về cung cấp, lắp đặt, kiểm tra, đánh giá và chuyển giao hệ thống Giám sát đa điểm (gọi tắt là MLAT) tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Đây là Thỏa thuận tài trợ phi chính phủ, không hoàn lại với giá trị tài trợ không hoàn lại trị giá 200.000.000 yên, tương đương hơn 43 tỉ đồng; thời gian thực hiện trong 2 năm 2018- 2019.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty Japan Radio (JRC) – Nhật Bản đã ký Thỏa thuận tài trợ
Mục tiêu và phạm vi của chương trình hợp tác này là Công ty Japan Radio tài trợ không hoàn lại cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bao gồm: trang thiết bị, toàn bộ các chi phí vận chuyển, lắp đặt, bảo hiểm, chi phí chuyên gia, các loại thuế, phí có liên quan để triển khai việc cung cấp, lắp đặt, đánh giá, kiểm tra hệ thống MLAT tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, phía Nhật Bản cũng đào tạo chuyển giao công nghệ và tổ chức các buổi hội thảo về công nghệ MLAT tại Hà Nội và Phú Quốc cho các cán bộ, nhân viên của VATM, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Sau khi hoàn thành công tác lắp đặt, kiểm tra, đánh giá, hệ thống MLAT này sẽ được bàn giao toàn bộ cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam để đưa vào khai thác, phục vụ điều hành bay.
7. Khởi công xây dựng Trạm Radar thứ cấp Cà Mau thứ 2
Ngày 9/8/2018, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức khởi công xây dựng Trạm Radar thứ cấp Cà Mau 2, với tổng kinh phí trên 117 tỷ đồng.
Trạm Radar thứ cấp Cà Mau thứ 2 được đầu tư lắp đặt thiết bị ra đa thứ cấp Mode S thuộc thế hệ mới, có nhiều tính năng ưu việt nhằm nâng cao chất lượng giám sát, hỗ trợ tối đa cho kiểm soát viên không lưu khi điều hành ở những vùng có mật độ bay cao.
Với vị trí đặc biệt quan trọng, Trạm Radar Cà Mau có nhiệm vụ giám sát 24/24 giờ ở khu vực phía Nam vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh, nơi tiếp giáp với các vùng thông báo bay Singapore, Malaysia, Campuchia, đặc biệt là giám sát các đường bay trên vùng phía Nam biển Đông, đây là các đường bay có mật độ bay cao trên thế giới.
8. Khởi công xây dựng Đài Kiểm soát không lưu Phù Cát
Ngày 12/6/2018, Tổng công ty đã tổ chức Lễ khởi công công trình Đài Kiểm soát không lưu Phù Cát, với tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng.
Đài Kiểm soát không lưu mới tại Cảng Hàng không Phù Cát được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động bay tăng cao cũng như nhằm hiện đại hóa các hệ thống, trang thiết bị, cơ sở làm việc, góp phần cung cấp dịch vụ không lưu đảm bảo hoạt động bay dân dụng luôn an toàn-điều hòa-hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, du lịch của vùng Nam Trung Bộ.
Phối cảnh Đài KSKL Phù Cát
9. Thực hiện giảm giá trị phân cách tối thiểu xuống 03NM tại vùng trời tiếp cận Tân Sơn Nhất
Nhằm tăng năng lực tiếp thu, giảm ách tắc trong vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất, được Cục Hàng không Việt nam chấp thuận, ngày 06/12/2018, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam áp dụng thực hiện giảm giá trị phân cách tối thiểu trong vùng trời tiếp cận Tân Sơn Nhất từ 5 hải lý xuống 3 hải lý (5NM xuống 3NM).
Kíp trực tại Đài KSKL Tân Sơn Nhất
Việc điều chỉnh và áp dụng tiêu chuẩn phân cách mới phù hợp với năng lực của hệ thống là giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa năng lực thông qua của vùng trời, nâng cao khả năng linh hoạt trong việc tổ chức và phối hợp điều hành bay trong vùng trời sân bay, góp phần làm giảm chậm chuyến, thời gian bay chờ của tàu bay đặc biệt là trong các vùng trời có mật độ hoạt động bay cao, linh hoạt sử dụng các độ cao bay tối ưu cũng như giảm quãng đường bay, đem lại các lợi ích thiết thực về khai thác và kinh tế. Bên cạnh đó, việc áp dụng giá trị phân cách mới cũng đem lại các lợi ích khác về môi trường, làm giảm lượng khí phát thải của tàu bay.
10. Cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
Từ ngày 30/12/2018 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chính thức cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và quản lý khai thác các hạng mục, công trình bảo đảm hoạt động bay tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn.
Các dịch vụ mà Tổng công ty đảm nhiệm gồm: Dịch vụ kiểm soát tại sân bay, Dịch vụ thông báo bay, Dịch vụ báo động, Dịch vụ thủ tục bay, Dịch vụ thông báo tin tức hàng không, Dịch vụ khí tượng hàng không, đánh tín hiệu tại sân bay và Dịch vụ thông tin, giám sát, Dịch vụ phù trợ dẫn đường DVOR/DME. Tạm tính, một năm Tổng công ty phải chi hơn 20 tỷ đồng để triển khai việc cung cấp các dịch vụ điều hành bay tại Cảng hàng không Vân Đồn.
Tổng công ty được giao quyền quản lý, khai thác các hạng mục, công trình, hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại Đài Kiểm soát không lưu Vân Đồn, Hệ thống AWOS, Vườn khí tượng, hệ thống thiết bị Đài DVOR/DME thuộc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn.
Ngày 25/5/2018, Hội đồng thành viên Tổng công ty đã ban hành Quyết định thành lập Đài Kiểm soát không lưu Vân Đồn thuộc Công ty Quản lý bay miền Bắc.
Đài KSKL Vân Đồn