15/01/2025
VATM - 10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2017
1. Chào đón chuyến bay điều hành an toàn thứ 800 nghìn trong năm 2017
Tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, ngày 27 tháng 12 năm 2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức lễ đón chuyến bay điều hành thứ 800 nghìn trong năm 2017. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của Tổng công ty trong năm qua. Chuyến bay đặc biệt cùa hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airlines mang số hiệu VN220 cất cánh từ Tân Sơn Nhất về Hà Nội, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 10h05 ngày 27/12/2017 đánh dấu chuyến bay điều hành an toàn thứ 800 nghìn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong năm 2017.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức lễ đón chuyến bay điều hành thứ 800 nghìn trong năm 2017
Năm 2017, VATM điều hành an toàn (ước) đạt trên 800 ngàn lần chuyến, tăng 10% so với thực hiện năm 2016. Để có được kết quả này, VATM đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực vùng trời và năng lực điều hành bay đi/ đến tại các sân bay, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng hiện tại và tương lai. Trong đó ưu tiên đến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng trên cả nước với các trang thiết bị hiện đại. Phối hợp với các cơ quan của bộ Quốc phòng để tối ưu hóa các đường bay, tiết giảm tối đa chi phí cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Áp dụng, chuyển đổi các phương thức bay tiên tiến theo công nghệ mới tại nhiều sân bay trọng điểm, để giảm phân cách tối thiểu giữa các tàu bay, tăng thêm lưu lượng trên vùng trời, góp phần tăng tần suất cất/hạ cánh. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển.
2. Đảm bảo điều hành bay an toàn, phục vụ thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017
Từ ngày 06 đến ngày 12/11/2017, tuần lễ hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng, VATM đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả các chuyến bay phục vụ hội nghị, được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt nam, các hãng hàng không trong nước, quốc tế và các đơn vị liên quan đánh giá cao.
Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, số lượng tàu bay đi đến sân bay Đà Nẵng tăng kỷ lục, chỉ trong một tuần đã có 1.528 lần chuyến, trong đó: có 52 chuyến bay chuyên cơ, 731 chuyến bay quốc nội, 745 chuyến bay quốc tế là các chuyến bay tiền trạm với nhiều máy bay vận tải cỡ lớn chuyên chở các chuyên gia, doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp từ 21 nền kinh tế trong APEC đến tham gia các hoạt động bên lề và các hội nghị diễn ra trong suốt một tuần tại Đà Nẵng.
Kíp trực tại Đài Kiểm soát không lưu Đà Nẵng
Tất cả các chuyến bay đã được điều hành tuyệt đối an toàn. Những chuyến bay chuyên cơ của các nguyên thủ quốc gia với yêu cầu hết sức nghiêm ngặt trong công tác an ninh an toàn, đã được phục vụ chu đáo. Kết thúc tuần lễ, 02 tổ lái phục vụ trên chuyến bay chuyên cơ của Tổng thống Hoa Kỳ (Air Force One-B747 và trực thăng Marine One) đã gửi thư cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp cung cấp dịch vụ điều hành bay của các kiểm soát viên không lưu.
3. VATM lọt vào Top 4 Giải thưởng IHS Jane’s ATC Award 2017 của CANSO
Giải thưởng IHS Jane’s ATC Award là Giải thưởng do CANSO tổ chức hàng năm kể từ năm 2001 nhằm ghi nhận những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, các dự án và công nghệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao an toàn, năng lực khai thác vùng trời và hiệu quả môi trường.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tham gia đề cử cho giải thưởng với Tổ hợp Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội). Đây là một Tổ hợp công nghiệp Hàng không lần đầu tiên được xây dựng và triển khai áp dụng tại Việt Nam bao gồm Trung tâm Kiểm soát Đường dài Hà Nội, Trung tâm Quản lý luồng không lưu Việt Nam, Trung tâm Cảnh báo thời tiết, Trung tâm Thông báo tin tức Hàng không Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không Việt Nam, Trung tâm chỉ huy của Ủy ban An ninh Hàng không Việt Nam. Trong đó Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội được trang bị hệ thống quản lý không lưu ATM có công nghệ cao so với mặt bằng hiện nay của thế giới.
Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, một trong 161 thành viên chính thức của Tổ chức các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay toàn cầu CANSO, đã vinh dự lọt vào danh sách 4 đề cử chung cuộc cho Giải thưởng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ - giải thưởng ghi nhận những cống hiến của các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong việc duy trì bầu trời an toàn và hiệu quả.
4. VATM tổ chức thành công Hội nghị CANSO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017
Hội nghị của Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức từ ngày 3-5/05/2017 tại khách sạn Melia, Hà Nội với sự tham gia của 150 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên. Việc lựa chọn tổ chức Hội nghị tại Việt Nam là sự ghi nhận của CANSO đối với sự phát triển của ngành Hàng không Việt Nam nói chung và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong nói riêng.
VATM tổ chức thành công Hội nghị CANSO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017
Hội nghị với chủ đề “Tăng tốc cho sự phát triển trong khu vực châu Á Thái Bình Dương - Đón nhận thay đổi, xây dựng năng lực” nhằm phản ánh một cách chung nhất thách thức mà các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong khu vực đang phải đối mặt - thách thức đến từ sự thay đổi liên tục và sự tăng trưởng mạnh mẽ về lưu lượng bay; đáp lại với thách thức này là chiến lược mà mỗi nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cần hướng đến, đó là tăng năng lực - giá trị cốt lõi của mỗi nhà cung cấp dịch vụ.
5. Ký kết thỏa thuận tài trợ với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA)
Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về chương trình hợp tác với Công ty MITRE, Hoa Kỳ để xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển quản lý luồng không lưu với vốn tài trợ của Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp với Công ty MITRE xây dựng bản Đề xuất Hỗ trợ kỹ thuật đệ trình cho USTDA để xin tài trợ.
Đoàn công tác của VATM thăm Trung tâm điều hành hệ thống kiểm soát không lưu của Mỹ
Ngày 22/9/2017, Tổng công ty đã ký kết Thỏa thuận tài trợ giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và USTDA về dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng kế hoạch tổng thể về quản lý luồng không lưu tại Việt Nam”. Theo thỏa thuận tài trợ này, phía chính phủ Hoa Kỳ sẽ tài trợ cho Tổng công ty số tiền là 915.348USD để thực hiện đề án Xây dựng kế hoạch tổng thể về Quản lý luồng không lưu tại Việt Nam.
Hiện nay, Tổng công ty đang tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo để ký kết “Hợp đồng xây dựng kế hoạch tổng thể về Quản lý luồng không lưu tại Việt Nam” giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty MITRE, Hoa Kỳ.
6. Áp dụng phương thức điều hành bay đi/đến SID/STAR RNAV1 tại Nội Bài và Đà Nẵng
Tiếp nối thành công chuyển đổi phương thức bay đi/đến dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến SID/STAR RNAV1 tại Tân Sơn Nhất vào cuối năm 2016; được Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn năm 2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiếp tục chuyển đổi thành công phương thức bay đi/đến SID/STAR RNAV1 tại Cảng HKQT Nội Bài ngày 30/3/2017 và Cảng HKQT Đà Nẵng ngày 17/8/2017.
Chủ tịch Phạm Việt Dũng trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi phương thức bay tại Đài KSKL Đà Nẵng
Phương thức mới sẽ cho phép giảm yêu cầu dẫn dắt bằng rađa, rút ngắn quãng đường dẫn dắt, giảm cường độ liên lạc, cường độ làm việc của kiểm soát viên không lưu và người lái; tăng khả năng giám sát và điều hành tàu bay; hạn chế tối đa các luồng tàu bay đi/đến hội tụ về cùng một điểm; giúp kiểm soát viên duy trì độ giãn cách tiêu chuẩn chính xác hơn, an toàn hơn; giúp cho tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, giảm đáng kể lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế. Phương thức bay mới giúp tối ưu hóa năng lực, khả năng thông qua tại vùng trời, tăng năng lực tổng thể khu vực sân bay Nội Bài và Đà Nẵng lên từ 10% đến 15% so với trước khi chuyển đổi. Khai thác phương thức bay đi/đến SID/STAR RNAV1 tại Đà Nẵng góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều hành bay phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức vào tháng 11 tại Đà Nẵng.
7. Phân chia lại các phân khu kiểm soát tiếp cận Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Cùng với việc đưa vào áp dụng phương thức bay SID/STAR RNAV 1 tại các sân bay quốc tế có mật độ bay cao như Tân Sơn Nhất và Nội Bài thì việc phân chia phân khu trong khu vực kiểm soát tiếp cận của các sân bay này cũng được nghiên cứu và triển khai thực hiện đồng thời.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai phân chia lại phân khu kiểm soát tiếp cận Nội Bài ngày 30/3/2017 và tiếp tục chuyển đổi tổ chức vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất ngày 27/4/2017, từ 01 phân khu trước đây được phân chia lại thành 02 phân khu riêng biệt: Phân khu kiểm soát tàu bay đến và phân khu kiểm soát tiếp cận.
VATM triển khai chuyển đổi tổ chức vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất
Việc phân chia phân khu vùng trời kiểm soát tiếp cận giúp cho các tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, tăng năng lực điều hành bay, góp phần giải quyết tắc nghẽn và tăng cường đảm bảo an toàn trên bầu trời Nội Bài và Tân Sơn Nhất; đồng thời, góp phần giảm cường độ làm việc của các kiểm soát viên không lưu, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.
8. Thử nghiệm khai thác Quản lý luồng không lưu (ATFM) phân phối đa điểm nút mức 2 giữa HKDD Việt Nam và Singapore
Từ 07h00 (giờ Hà Nội) ngày 14/8/2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện thử nghiệm khai thác Quản lý luồng không lưu phân phối đa điểm nút (Distributed Multi-Nodal ATFM Operational Trail) mức 2 giữa Việt Nam và Singapore. Kế hoạch thử nghiệm này đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt ngày 14/7/2017. Chương trình thử nghiệm được xây dựng trên kịch bản thử nghiệm hàng tuần áp dụng cho các chuyến bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khởi hành từ sân bay Nội Bài đến sân bay Changi, Singapore.
VATM thực hiện thử nghiệm khai thác Quản lý luồng không lưu phân phối đa điểm nút mức 2
giữa Việt Nam và Singapore
Kế hoạch thử nghiệm được triển khai thực hiện với các mục tiêu nhằm thiết lập, vận hành các bước thực hiện ATFM trong nước; kiểm tra năng lực của nút Nội Bài tại mức 2 đáp ứng yêu cầu của Dự án thử nghiệm khai thác ATFM phân phối đa điểm nút và giúp cho các bên liên quan của Việt Nam nhận thức và làm quen với việc phối hợp ra quyết định, hợp tác với nhau cùng triển khai công tác quản lý luồng không lưu ở Việt Nam.
9. Triển khai áp dụng phương thức điều hành bay mới tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh
Nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực điều hành bay phù hợp với tốc độ tăng trưởng hoạt động hàng không tại sân bay quốc tế Cam Ranh, từ 07h00 ngày 14/9/2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chính thức áp dụng các phương thức điều hành bay mới sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường RNP1 và eRNP APCH dựa trên tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) tại sân bay quốc tế Cam Ranh.
Tiêu chuẩn dẫn đường RNP1 cho phép máy bay đạt được khả năng duy trì độ chính xác trong phạm vi 1 dặm hải lý (NM) về mỗi bên của trục đường bay trong tối thiểu 95% tổng thời gian bay (0,3NM - 1NM đối với tiêu chuẩn RNP APCH). Việc hệ thống dẫn đường sử dụng tín hiệu vệ tinh trên không gian sẽ đảm bảo tính chính xác, tính toàn vẹn, tính sẵn sàng và tính liên tục tốt hơn rất nhiều so với việc sử dụng sóng vô tuyến của các đài dẫn đường phụ trợ mặt đất.
Tổng Giám đốc Đoàn Hữu Gia chỉ đạo trực tiếp chuyển đổi các phương thức điều hành bay mới
tại Đài KSKL Cam Ranh
Sân bay quốc tế Cam Ranh sẽ là sân bay đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương thức bay sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường RNP1 và RNP APCH. Việc khai thác các phương thức bay mới này dự kiến sẽ giúp nâng cao năng lực điều hành bay tại sân bay quốc tế Cam Ranh lên gấp đôi nhờ vào khả năng giảm thời gian giãn cách giữa các máy bay tiếp cận hạ cánh, tối ưu hóa tiêu chuẩn phân cách giữa các máy bay đi và đến, đồng thời nâng cao được mức độ an toàn bay lên đáng kể.
10. Tiếp nhận chuyển giao các dịch vụ khí tượng từ ACV về VATM
Thực hiện Quyết định số 3976/QĐ-BGTVT ngày 12/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc chuyển giao hệ thống cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam về Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, ngày 03/1/2017, Lãnh đạo Tổng công ty đã trao quyết định thành lập Trung tâm Khí tượng và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo 03 Trung tâm Khí tượng Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất trực thuộc 3 Công ty Quản lý bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
Trung tâm Khí tượng hàng không Đà Nẵng - Công ty Quản lý bay miền Trung
Việc thống nhất về quản lý dịch vụ khí tượng hàng không, cùng với các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trong phạm vi trách nhiệm của Việt Nam; đồng thời phù hợp với các quy định của ICAO và tốt độ phát triển của vận tải hàng không dân dụng trong nước và quốc tế.
Ban Biên tập