15/01/2025
VATM: Ban hành Quy chế đối thoại tại nơi làm việc
Quy chế được xây dựng trên cơ sở Nghị định số 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và Hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Theo đó, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do Tổng Giám đốc chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 3 tháng một lần, khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liên kề tối đa không quá 90 ngày. Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm thì không tổ chức đối thoại định kỳ. Ngoài hình thức đối thoại định kỳ, khi một bên có yêu cầu tổ chức đối thoại thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở để tổ chức đối thoại.
Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc. Nội dung đối thoại tại nơi làm việc bao gồm:
- Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
- Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
- Điều kiện làm việc.
- Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.
- Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.
- Nội dung khác mà hai bên quan tâm.
Mời xem chi tiết nội dung Quy chế đối thoại tại nơi làm việc được đăng tải trên mục Tài liệu, Văn phòng điện tử.
N.T.H