22/04/2025
VATM đủ năng lực làm Chủ đầu tư các hạng mục bảo đảm hoạt động bay tại sân bay Long Thành
Đối với đề xuất giao VATM đầu tư các hạng mục quản lý, điều hành hoạt động bay, Bộ trưởng giải trình cụ thể: Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (Điều 95), dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là dịch vụ công ích. VATM là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Hiện nay, VATM là doanh nghiệp duy nhất được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý hoạt động bay tại Việt Nam. Do vậy, việc giao VATM đầu tư các hạng mục quản lý, điều hành hoạt động bay là phù hợp.
Về nhu cầu và khả năng huy động vốn của VATM, tổng số vốn VATM cần huy động là 3.225 tỷ đồng. Với khả năng của mình, VATM sẽ sử dụng 2.146 tỷ đồng vốn từ đầu tư phát triển của VATM (hiện nay đã có 1.687 tỷ đồng, tiếp tục tích lũy thêm giai đoạn đến năm 2025 chỉ khoảng 459 tỷ đồng). Như vậy, VATM cần vay khoảng 1.079 tỷ đồng vốn vay thương mại với lãi suất huy động bằng tiền đồng là 11%/năm và không yêu cầu Bảo lãnh Chính phủ. Toàn bộ là nguồn vốn huy động do VATM tự vay tự trả. Đối chiếu với quy định tại Luật Quản lý nợ công, phương án thu xếp vốn của VATM không tác động tới nợ công.
Phó Tổng Giám đốc Trịnh Như Long giải trình với các Đại biểu Quốc hội
về Hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay – Dự án Cảng HKQT Long Thành
Về phương án hoàn vốn, VATM thực hiện hạch toán trên toàn bộ hệ thống cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (đây là dịch vụ công ích do Nhà nước quy định đơn giá), không hoạch toán riêng từng cảng hàng không (CHK) do tính chất bảo đảm hoạt động bay là phục vụ cho cả chuyến bay gồm: các chuyến bay đi, đến và quá cảnh, tức là phải hoàn thành một chuyến bay từ CHK khởi hành tới CHK đến.
Thực tế, từ khi VATM hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (năm 1993) đến nay, tình hình tài chính của VATM luôn lành mạnh. Các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước (Năm 2018, VATM nộp NSNN 3.043 tỷ đồng). Hiện nay, VATM đã tích lũy được lượng tiền mặt để đầu tư phát triển là 1.687 tỷ đồng. Việc đưa CHK Quốc tế Long Thành vào khai thác sẽ làm tăng sản lượng điều hành bay, tăng doanh thu cho VATM. Vì vậy, hoàn toàn có thể hoàn trả được vốn vay để thực hiện Dự án.
Về việc phân chia Dự án thành 4 hạng mục, 2 chủ đầu tư, Bộ trưởng giải trình, đây không phải là việc chia nhỏ dự án, mà là việc phân chia các hạng mục công trình theo đặc điểm hoạt động khai thác các hạng mục công trình tại CHK trên cơ sở Luật hàng không dân dụng Việt Nam và thông lệ quốc tế về quản lý CHK. Việc phối hợp giữa VATM, ACV và các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thành, khai thác đồng bộ CHKQT Long Thành đã được nghiên cứu, đề xuất trong phần tổ chức thực hiện Dự án
Phương án kiến trúc của Đài KSLKL Long Thành
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã phối hợp với Tư vấn, Quân chủng Phòng không – Không quân, Cục Tác chiến nghiên cứu việc tổ chức vùng trời và xây dựng các phương thức bay để đảm bảo hoạt động bình thường cho cụm sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành, Biên Hòa. Cụ thể, tổ chức vùng trời và các phương thức bay sẽ đảm bảo cho CHKQT Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu khách/năm, CHKQT Long Thành đạt công suất 100 triệu khách/năm theo 03 giai đoạn phát triển và sân bay Biên Hòa bảo đảm cho lực lượng không quân hoạt động cả trong công tác huấn luyện, diễn tập khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, các phương thức bay này cho phép không ảnh hưởng đến các hành lang bay ra biển, các không vực huấn luyện và hoạt động của Trường bắn Mây Tào của quân sự.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã cùng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tư vấn tiến hành nghiên cứu, thực hiện Thiết kế cơ sở các công trình bảo đảm hoạt động bay tại Cảng HKQT Long Thành để bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, đáp ứng mục tiêu đầu tư do Quốc Hội đã phê duyệt.
Từ năm 1994 đến nay, Tổng công ty đã đầu tư nhiều dự án lớn trọng điểm, đặc biệt phải kể đến 2 trung tâm kiểm soát không lưu tiên tiến, hiện đại. Cụ thể, năm 2006, VATM đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành bay đường dài Hồ Chí Minh và năm 2015, khánh thành Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội. Đây là các dự án tiêu biểu của ngành giao thông vận tải với quy mô, công năng hiện đại ngang tầm khu vực. Qua đó, tạo bước ngoặt trong đầu tư, đổi mới công nghệ điều hành bay, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao tại Việt Nam.
Tính đến nay, VATM đã trực tiếp đầu tư và xây dựng 2 trung tâm kiểm soát đường dài, 4 trung tâm kiểm soát tiếp cận, 22 đài kiểm soát tại sân bay, 9 trạm ra đa giám sát, hàng chục đài dẫn đường và trạm liên lạc mặt đất… đều đảm bảo quy định của ICAO. Tất cả các dự án của Tổng công ty phục vụ cho nhiệm vụ công ích bảo đảm hoạt động bay. Các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đều đạt hiệu quả trong việc phục hồi, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục: - Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. - Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. - Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. - Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. |