12/05/2025
VATM-FAA: Trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về ATFM và FF-ICE
Trong hai ngày 08 và 09/5/2015, tại Trụ sở Tổng công ty, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã tổ chức cuộc họp Rà soát quản lý chương trình số 2 (2nd PMR) trong khuôn khổ triển khai Tuyên bố ý định hợp tác (DOI) đã ký giữa hai bên vào tháng 02/2024. Phó Tổng giám đốc Hồ Sỹ Tùng chủ trì làm việc với sự tham gia của đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan. Về phía FAA, Bà Almira Ramadani, Đại diện cấp cao của Cơ quan quản lý bay thuộc FAA (FAA ATO) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cùng các chuyên gia của FAA tham gia làm việc.
Tiếp theo PMR số 1 đã được tổ chức vào tháng 10/2024 tại Hoa Kỳ, PMR số 2 tập trung vào những trao đổi, chia sẻ liên quan đến Quản lý luồng không lưu (ATFM) và Thông tin chuyến bay & luồng không lưu cho môi trường hợp tác (FF-ICE).
Chia sẻ với FAA tại buổi làm việc về ATFM vào ngày 08/5, đại diện Trung tâm Quản lý luồng không lưu cho biết VATM đã chính thức trở thành thành viên mức 3 của Dự án ATFM đa điểm nút khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (AMNAC) vào tháng 11/2024, sau 8 năm tham gia chương trình với điểm xuất phát là Quan sát viên (mức 1). Việc áp dụng ATFM đa điểm nút đã được thực hiện tại tất cả các sân bay của Việt Nam, bao gồm 11 sân bay quốc tế. Nhờ việc áp dụng các biện pháp ATFM, số chuyến bay phải bay chờ do diều kiện thời tiết trong năm 2024 đã giảm tương đối so với năm 2023, mặc dù tổng lưu lượng bay tăng lên. Các con số giảm cụ thể cho sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng lần lượt là 47%, 28% và 35% khi so sánh giữa năm 2024 và năm 2023.
Một số thách thức hiện hữu về ATFM được VATM chia sẻ như tình trạng tắc nghẽn tại một số phân khu do nhu cầu vượt cao hơn năng lực điều hành, giới hạn về năng lực dự báo thời tiết như tính chính xác về dự báo cho khoảng thời gian rộng hay một số khó khăn về hệ thống trang thiết bị.
Tại buổi làm việc, bà Almira đã trao đổi với các thành phần tham gia về một số quan tâm của VATM liên quan đến ATFM như các qui định của FAA về tuân thủ Slot ATFM, tích hợp dữ liệu vào hệ thống quản lý luồng không lưu hay các công cụ giả định mà FAA sử dụng cho ATFM giai đoạn chiến thuật. VATM cũng chia sẻ về một số kế hoạch sắp tới của VATM trong lĩnh vực ATFM như đầu tư mua sắm hệ thống ATFM mới và thành lập một trung tâm điều hành phục vụ hiệp đồng thời gian thực và nâng cao hiệu quả hiệp đồng giữa các đơn vị.
Trong ngày làm việc tiếp theo về chủ đề FF-ICE, các đại diện của VATM đã có cơ hội nghe chuyên gia của FAA chia sẻ các kiến thức cũng như một số lưu ý, kinh nghiệm khi triển khai FF-ICE.
Theo chia sẻ của chuyên gia FAA, việc triển khai có hiệu lực và hiệu quả của FF-ICE trên toàn cầu phụ thuộc vào tính kịp thời và chính xác của việc chia sẻ thông tin, các dịch vụ FF-ICE được tự động hóa ở mức cao trên cơ sở áp dụng Quản lý thông tin toàn hệ thống (SWIM) và các thông tin được chia sẻ giữa các bên liên quan phải sử dụng các tiêu chuẩn trao đổi điện văn toàn cầu chung.
Theo lộ trình, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đặt mục tiêu triển khai đầy đủ SWIM vào năm 2030 và áp dụng FF-ICE phiên bản 1 vào năm 2032 nhằm sẵn sàng cho kế hoạch loại bỏ Kế hoạch bay 2012 vào năm 2034 của ICAO.
Chia sẻ về các trọng tâm trong lộ trình triển khai FF-ICE của FAA, bà Diane Liang, Phụ trách hồ sơ doanh nghiệp thuộc Văn phòng NextGen cho biết, FAA tập trung vào bốn trọng tâm bao gồm: (1) dữ liệu, cụ thể là chuyển đổi từ AFTN sang giao thức Internet được hỗ trợ bởi môi trường số; (2) Chia sẻ thông tin, trong đó cần triển khai SWIM, đảm bảo một dữ liệu có thể hỗ trợ nhiều chức năng khác nhau, đảm bảo có các tiêu chuẩn chia sẻ thông tin chung; (4) Chuyển đổi cách tiếp cận từ tiếp cận theo hệ thống sang tiếp cận theo dịch vụ; (4) Hiện đại hóa hệ thống liên quan.
Kết thúc hai ngày làm việc của PMR số 2, VATM và FAA đưa ra một số mục công việc tiếp theo trong khuổn khổ triển khai Ý định hợp tác đã ký giữa hai bên, đồng thời sẽ lập kế hoạch tổ chức PMR số 3, dự kiến được tổ chức tại Hoa Kỳ sau quý III, theo đề xuất của FAA.
Vũ Uyên