11/09/2024
VATM: Hội nghị Ban chỉ đạo An toàn Quý 1 năm 2018
Theo Báo cáo đánh giá, tình hình thời tiết trong Quý 1/2018 tương đối thuận lợi cho hoạt động bay trong cả 2 FIRs của Việt Nam và các sân bay. Mặc dù hoạt động bay tăng cao (tăng 13.37% so với cùng kỳ năm 2017) do đợt cao điểm phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nhưng công tác điều hành bay đã đảm bảo an toàn.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Phạm Việt Dũng- Trưởng Ban chỉ đạo An toàn Tổng công ty
Về công tác đảm bảo an toàn điều hành bay, các phương thức khai thác dịch vụ giám sát không lưu trong khu vực trách nhiệm các cơ sở điều hành bay tại Cam Ranh, phương án phân chia khu vực trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu trong vùng trời sân bay Cam Ranh được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, việc xây dựng bổ sung các phương thức bay PBN tại các sân bay Phú Bài, Liên Khương, Tân Sơn Nhất... đã góp phần giải quyết khó khăn trong công tác điều hành bay. Áp dụng hành lang bay một chiều Q10 cho các chuyến bay từ Cát Bi đi phía Nam và điều chỉnh chế độ sử dụng đường hàng không W3 (đi, đến Cát Bi) đã góp phần tối ưu hóa vùng trời, giảm ách tắc trên không. Các cơ sở điều hành bay tăng cường kiểm tra và duy trì nghiêm túc các chế độ trực ban. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, kịp thời xử lý các tình huống với các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực quản lý hoạt động bay, quản lý vùng trời, sân bay dùng chung theo Quy tắc, quy chế đã ban hành góp phần đảm bảo điều hành bay an toàn, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động bay chung, bảo vệ vùng trời và an ninh lãnh thổ Quốc gia.
Về công tác đảm bảo kỹ thuật, các trang thiết bị thông tin không-địa, điểm đối điểm đã đảm bảo thông suốt, có dự phòng thiết bị và dự phòng kênh/tuyến truyền dẫn đảm bảo tính sẵn sàng ở mức cao. Hệ thống giám sát được duy trì và thực hiện đúng quy trình khai thác, sự cố vòng bi cho đài Radar Tân Sơn Nhất cũ và hiện tượng nhiễu tại đài Radar Tân Sơn nhất cũng đã được giải quyết. Hệ thống dẫn đường luôn đảm bảo tính sẵn sàng cao, các báo cáo của người lái về mất tín hiệu dẫn đường đã được đơn vị đánh giá và phối hợp với cơ quan Tổng công ty giải quyết.
Về công tác quản lý an toàn, việc quản lý rủi ro được duy trì hàng tháng, các mối nguy hiểm đang quản lý đều ở mức chấp nhận được kèm theo các biện pháp quản lý, kênh thông tin an toàn với các hãng HK VNA, VJC, JSP, CATHAY, MAS được duy trì, thông tin an toàn đã được kịp thời xử lý. Công tác bình giảng, trao đổi kinh nghiệm được duy trì và tổ chức có nề nếp, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm về các sự cố trong hoạt động bay, chấn chỉnh kỷ luật lao động, khắc phục các tồn tại nhằm bảo đảm điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo an toàn cũng đã chỉ ra những tồn tại và hạn chế nổi cộm như: một số trường hợp kiểm soát viên không lưu thực hiện không đầy đủ quy trình hiệp đồng chuyển giao kiểm soát, gộp nhiều nội dung quan trọng trong 01 huấn lệnh, không yêu cầu tổ lái nhắc lại đầy đủ huấn lệnh, kỹ thuật phát huấn lệnh - tốc độ quá nhanh, ngữ điệu không phù hợp; hiện tượng nhiễu sóng vô tuyến điều hành bay xảy ra tương đối phức tạp, trên diện rộng …
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các thành viên tham dự Hội nghị, Chủ trì Hội nghị, đồng chí Phạm Việt Dũng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn và đơn vị nhanh chóng đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết triệt để các tồn tại nêu trên, trong đó tập trung vào việc duy trì kỷ luật lao động, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, nghiêm túc thực hiện công tác báo cáo sự cố đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Các tồn tại đã được xem xét, trao đổi kỹ lưỡng, nhiều giải pháp khắc phục đã được đưa ra giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác đảm bảo an toàn hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ban An toàn-An ninh