03/01/2025
VATM: Tổ chức Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo An toàn Quý I/2017
Tham dự Hội nghị có các thành viên trong Ban Chỉ đạo An toàn của Tổng công ty; đại diện Phòng An toàn – An ninh, Không lưu, Kỹ thuật của các đơn vị; cán bộ các Trung tâm Kiểm soát Đường dài, Kiểm soát Tiếp cận, Tại sân, các Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật và toàn thể cán bộ, nhân viên không lưu, kỹ thuật tại 22 đài kiểm soát không lưu.
Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo An toàn Quý I/2017
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thiệp - Trưởng Ban An toàn - An ninh đã trình bày Báo cáo đánh giá công tác an toàn Quý I/2017 của Tổng công ty. Trong Quý I, Tổng công ty đã bảo đảm chất lượng cung cấp tất cả các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, đảm bảo an toàn điều hành bay, đặc biệt là đảm bảo tốt trong thời gian cao điểm dịp Tết Nguyên đán. Việc khai thác đường hàng không RNAV 5 song song trục Bắc – Nam, phương thức khai thác RNAV1 tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng phát huy hiệu quả; Năng lực điều hành và chất lượng dịch vụ điều hành bay tại vùng trung tận Tân Sơn Nhất ngày càng được nâng cao. Theo thống kê của Vietnam Airlines, thời gian bay đến Tân sơn Nhất đã rút ngắn trung bình là 5’ bay do giảm thời gian bay chờ so với trước khi áp dụng RNAV1. Do giảm thời gian bay chờ và tổ lái chủ động hơn trong việc hoạch định quỹ đạo bay nên đã nâng cao mức độ an toàn bay và an toàn điều hành bay. Tại các sân bay địa phương có tần suất hoạt động bay cao, tính chất hoạt động bay đa dạng, tình huống không lưu phức tạp, không có thiết bị giám sát nhưng các Đài Kiểm soát không lưu đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát không lưu Đường dài và các đơn vị liên quan đảm bảo điều hành bay an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Thiệp - Trưởng Ban An toàn - An ninh đã trình bày Báo cáo tại Hội nghị
Trong công tác hiệp đồng - điều hành bay, các cơ sở điều hành bay tăng cường kiểm tra và duy trì nghiêm túc các chế độ trực ban; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, kịp thời xử lý các tình huống với các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực quản lý hoạt động bay, quản lý vùng trời, sân bay dùng chung theo Quy tắc, quy chế đã ban hành góp phần đảm bảo điều hành bay an toàn, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động bay chung, bảo vệ vùng trời và an ninh lãnh thổ Quốc gia.
Về công tác quản lý an toàn, Tài liệu Hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty đã tu chỉnh cho năm 2017. Việc thực hiện quy trình kiểm tra đánh giá, giám sát đã chỉ ra những lỗ hổng an toàn và đưa ra các khuyến cáo an toàn. Việc thực hiện quy trình quản lý sự thay đổi đã góp phần đảm bảo an toàn khi triển khai thực hiện các kế hoạch không lưu, kỹ thuật. Công tác báo cáo kết quả quản lý rủi ro được duy trì hàng tháng. Các mối nguy hiểm đang quản lý đều ở mức chấp nhận được kèm theo các biện pháp quản lý. Kênh thông tin an toàn với các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, CATHAY, Malaysia Airlines được duy trì, thông tin an toàn đã được kịp thời xử lý.
Hội nghị đã thảo luận, đánh giá chất lượng công tác an toàn, đặc biệt tập trung vào những mặt còn tồn tại và đưa ra biện pháp khắc phục cụ thể. Nội dung thảo luận chủ yếu tập trung vào các vấn đề về ý thức kỷ luật lao động; vai trò, trách nhiệm của các cấp trong công tác an toàn; công tác báo cáo; công tác phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị và trong các ca, kíp trực; công tác kiểm tra, giám sát và chất lượng giảng bình.
Các điểm cầu trực tuyến tại các Đài Kiểm soát không lưu địa phương tham gia Hội nghị
Sau đó, Hội nghị thông qua Danh mục nội dung đảm bảo an toàn đường cất hạ cánh thuộc trách nhiệm của không lưu. Danh mục gồm 27 nội dung. Đi kèm với mỗi nội dung là mục đích thực hiện, hình thức thể hiện, công tác huấn luyện, hiệu quả, các đề xuất thực hiện và chỉ số thực hiện.
Hội nghị cũng đã thông qua chủ trương, nội dung phương thức khảo sát văn hóa an toàn trong lực lượng lao động trực tiếp của Tổng công ty nhằm đo lường sự cải tiến trong văn hoá tổ chức của Tổng công ty sau 05 năm triển khai Quản lý an toàn, cũng như đáp ứng các yêu cầu của ICAO cũng như CANSO trong việc đánh giá mức độ trưởng thành của Hệ thống Quản lý an toàn. Cuộc khảo sát sẽ cho thấy ba khía cạnh chính về văn hóa an toàn của Tổng công ty và cách thức hoạt động: Cách nhìn nhận văn hóa an toàn giữa các cấp lãnh đạo và người lao động; Mục tiêu phân bổ nguồn lực về an toàn cũng như mức độ nhận thức về an toàn của cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty và hiện trạng và các biện pháp cần thiết để nâng cao văn hóa an toàn trong Tổng công ty.
Ông Ngô Thế Vinh – Phó Trưởng Ban An toàn - An ninh báo cáo Hội nghị về tiến độ xây dựng Tài liệu Hệ thống quản lý mệt mỏi. Ban chỉ đạo An toàn của Tổng công ty đã chủ trương xây dựng hệ thống quản lý mệt mỏi để chủ động quản lý các rủi ro an toàn liên quan đến mệt mỏi trong lĩnh vực điều hành bay. Đến nay, Tổ xây dựng tài liệu đã hoàn thành Đề cương Tài liệu, gồm 5 chương 22 điều và các phụ lục đi kèm; Dự thảo Chính sách Quản lý rủi ro mệt mỏi của Tổng công ty và triển khai viết các nội dung chi tiết theo Đề cương tài liệu.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Đinh Việt Thắng kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhấn mạnh Tổng công ty luôn đặt công tác an toàn là nhiệm vụ trọng tâm. Tổng công ty sẽ tăng cường chấn chỉnh ý thức tổ chức kỷ luật; tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát; quyết liệt triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro; tiếp tục phổ biến về văn hóa an toàn; nâng cao hiệu quả của các công tác viên, giám sát viên an toàn. Trong tương lai hoạt động bay sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh, áp lực với công tác điều hành bay sẽ ngày càng nặng nề, vì vậy, công tác an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Điều này đòi hỏi sự cố gắng của từng cơ quan, đơn vị nói riêng và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nói chung trong việc phối hợp hiệp đồng điều hành bay, áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế tối đa các sai sót, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.
TL