VATM tổ chức thành công 05 khóa huấn luyện nâng cao cho Kiểm soát viên không lưu sân bay địa phương tại Băng Cốc, Thái Lan

thứ sáu, 22/11/2024 15:50

Năm 2024 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) phối hợp Công ty Viễn thông Hàng không Thái Lan (AEROTHAI) đã tổ chức thành công 05 khóa huấn luyện nâng cao cho Kiểm soát viên không lưu (KSVKL) sân bay địa phương (Aerodrome Refresher Course) trong thời gian từ 19/8/2024 đến 01/11/2024 tại Băng Cốc, Thái Lan cho 60 KSVKL tham gia. Các khóa huấn luyện không chỉ nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn trang bị những kỹ năng cần thiết cho KSVKL, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều hành bay.

Khóa huấn luyện được dẫn dắt bởi các huấn luyện viên và giảng viên dày dặn kinh nghiệm từ AEROTHAI và Trường Hàng không Thái Lan; được thiết kế gồm hai phần chính: lý thuyết và thực hành trên hệ thống giả định.

Ảnh 1
 Huấn luyện viên và giảng viên không lưu AEROTHAI trình bày phần lý thuyết

Phần lý thuyết được xây dựng dựa trên các tài liệu của ICAO như Phụ ước 2 – Quy tắc bay  (Annex 2), Phụ ước 3 -  Dịch vụ khí tượng hàng không (Annex 3), Phụ ước 11 - Dịch vụ không lưu (Annex 11), Phụ ước 14 - Sân bay (Annex 14), Tài liệu 4444 - Quản lý không lưu (Doc 4444), Tài liệu 8168 -  Khai thác tàu bay (Doc 8168), Tài liệu 9683 – Huấn luyện Yếu tố con người (Doc 9683), Tài liệu 9870 – Hướng dẫn ngăn chặn xâm nhập đường cất hạ cánh (Doc 9870) và một số tài liệu liên quan của Cục Hàng không Liên bang (FAA), Hoa kỳ. Nội dung tập trung vào những kiến thức nâng cao về kiểm soát tàu bay đi và đến, các hình thức phân cách, cũng như phương pháp xử lý các tình huống bất thường, khẩn nguy. Bên cạnh đó, giảng viên giới thiệu về nhận thức sự phát triển và hoạt động của hệ thống tàu bay điều khiển từ xa (Remotely Piloted Aircraft System -RPAS), những tác động hiện tại và tương lai đến ngành hàng không. Đặc biệt, khóa học nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người (Human Factors - HF) trong công việc của KSVKL. Các giảng viên áp dụng phương pháp trình chiếu slide kết hợp với hình thức tương tác, tạo điều kiện cho học viên không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn tham gia thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Cách tiếp cận này không chỉ làm cho bài học trở nên sinh động và hấp dẫn hơn, mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực từ phía học viên, giúp họ phát triển kỹ năng giao tiếp và tư duy phản biện trong môi trường thực tế.

z6058451579266_4536840b9871f257d6c52f51a19d7af3
Học viên làm việc nhóm và thuyết trình bài tập của mình

Phần thực hành được thiết kế trên hệ thống giả định table-top exercise (bài tập trên bàn), một mô hình linh hoạt và tiết kiệm, rất phù hợp cho các buổi huấn luyện trong không gian hạn chế như tại các sân bay địa phương. Mô hình mô phỏng là sân bay Phù Cát được in trên decal nhựa khổ lớn và dán lên mặt bàn, kết hợp với các mô hình nhà ga, tàu bay, hang ga, các phương tiện mặt đất làm bằng nhựa hoặc kim loại, mang đến trải nghiệm trực quan cho học viên. Màn hình radar giám sát được trình chiếu trên tivi 70 inch để thả tàu bay đến. Liên lạc giữa cơ sở kiểm soát tiếp cận và đài chỉ huy được thực hiện qua bộ đàm nội bộ. Để vận hành Table-top exercise có đội ngũ phi công giả định và 01 kỹ thuật viên. Các tình huống giả định được mô tả một cách trực quan và nhanh chóng, cho phép học viên trải nghiệm thực tế đa dạng. Họ có thể tạm dừng hoặc quay lại các tình huống để thảo luận, rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao khả năng phản ứng trong các tình huống khẩn cấp. Việc điều khiển tàu bay và phương tiện mặt đất phải thực hiện bằng thủ công nên không chính xác về thời gian và chuyển động như mô phỏng trên hệ thống Simulator 3D, nhưng nó lại rất phù hợp với các KSVKL có kinh nghiệm thực tiễn, giúp họ củng cố kỹ năng và hiểu biết thông qua việc thảo luận và phân tích tình huống.

z6058451576407_19688759b62cc6e68c2ee398f10122a4
Thực hành trên hệ thống giả định table-top exercise (bài tập trên bàn)

 Để nâng cao chất lượng huấn luyện, lần đầu tiên VATM cử các huấn luyện viên, giáo viên không lưu tham gia khóa học nhằm trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các huấn luyện viên không lưu AEROTHAI về việc triển khai và tổ chức khóa học; điều phối hoạt động huấn luyện, hỗ trợ học viên và huấn luyện viên không lưu AEROTHAI trong quá trình dạy và học bao gồm lý thuyết và thực hành.
Kết thúc khóa học, các KSVKL không chỉ nâng cao kỹ năng điều hành bay mà còn phát triển khả năng nhận biết và phối hợp trong các tình huống khẩn cấp. Họ hiểu rõ hơn về yếu tố con người (HF), mô hình quản lý rủi ro và sai sót (TEM), cũng như cách quản lý nguồn lực nhóm (TRM) liên quan đến vai trò của mình. Bên cạnh đó, khóa học còn mở ra cơ hội tìm hiểu về hệ thống tàu bay điều khiển từ xa (RPAS) và những tác động của nó đến ngành hàng không.
Khóa học còn tổ chức cho học viên tham quan thực tế tại các cơ sở điều hành bay, bao gồm Trung tâm kiểm soát đường dài, Trung tâm kiểm soát tiếp cận khu vực và Đài kiểm soát không lưu sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Qua những chuyến tham quan này, các KSVKL đã có cái nhìn sâu sắc hơn về mô hình tổ chức vùng trời, phương pháp điều hành bay, và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại của Thái Lan. Những trải nghiệm này không chỉ làm phong phú thêm kiến thức chuyên môn mà còn mở rộng tầm hiểu biết về ngành hàng không trong khu vực.

z6058451571369_c6a44b6abe7ce6a18e0e774f0444fd03
Tham quan thực tế tại các cơ sở điều hành bay

Khóa huấn luyện không chỉ là một cơ hội học tập quý báu mà còn là bước đệm để các KSVKL nâng cao kỹ năng làm việc và cải thiện khả năng ngoại ngữ. Những kiến thức và kinh nghiệm thu được sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tại các sân bay. Đây chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển nghề nghiệp của KSVKL trong tương lai. Là những người được tham gia khóa học, chúng tôi kỳ vọng VATM và AEROTHAI tiếp tục hợp tác tổ chức các khóa huấn luyện cho lực lượng KSVKL trong tương lai.

Ảnh 5
5 khóa học chụp ảnh lưu niệm tại buổi bế giảng
Ảnh 5
5 khóa học chụp ảnh lưu niệm tại buổi bế giảng
Ảnh 5
Ảnh 5
Ảnh 5.4
5 khóa học chụp ảnh lưu niệm tại buổi bế giảng

Nhóm HLV, GV KL tham gia khóa học tại AEROTHAI
 

Thông báo