31/12/2024
VATM triển khai, thiết lập Trung tâm dữ liệu OPMET
Dữ liệu khí tượng khai thác OPMET (Operational Meteorological Information) rất cần thiết để phục vụ công tác lập kế hoạch bay, công tác điều hành, khai thác hoạt động bay được an toàn, điều hòa và hiệu quả.
1. Giới thiệu khái quát hệ thống trao đổi dữ liệu khí tượng ROBEX
Tháng 7/1972 tại Băng Kok - Thái Lan, tại phiên họp về trao đổi thông tin khí tượng (MID/SEA COM/MET), ICAO đã quyết định thành lập hệ thống trao đổi tập tin dữ liệu khí tượng khai thác (ROBEX - Regional OPMET Bulletin Exchange) cho khu vực Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương. Với dự định ban đầu chỉ trao đổi số liệu METAR (bản tin báo cáo thời tiết thường lệ tại sân bay), nhưng sau đó số liệu AIREP (báo cáo thời tiết đặc biệt từ tàu bay) và TAF (bản tin dự báo thời tiết sân bay) được bổ sung vào hệ thống. Năm 1974, hệ thống trao đổi dữ liệu khí tượng khai thác ROBEX chính thức hoạt động và rất hiệu quả phục vụ công tác trao đổi, cung cấp dữ liệu OPMET cho khu vực Trung Đông, Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, dữ liệu OPMET trao đổi trên hệ thống ROBEX gồm: METAR/SPECI (báo cáo thời tiết sân bay); TAF (bản tin dự báo thời tiết sân bay); SIGMET (bản tin cảnh báo thời tiết trên đường bay); VAA (điện văn tư vấn tro bụi núi lửa); TCA (điện văn tư vấn bão nhiệt đới); ADMIN (điện văn quản lý sự vụ).
2. Mô hình hệ thống trao đổi dữ liệu khí tượng ROBEX
Theo ICAO, mô hình hệ thống trao đổi dữ liệu khí tượng OPMET gồm có các thành phần: Trạm gốc; trung tâm dữ liệu OPMET (NOC - National OPMET Center); trung tâm thu thập và phân phát (trung tâm ROBEX); các ngân hàng dữ liệu khu vực (RODB - regional OPMET data banks); các cổng giao tiếp OPMET liên vùng (IROG - Interregional OPMET Gate).
1. Trạm gốc: Là các cơ quan khí tượng phát hành điện văn gốc khí tượng. Trạm gốc có thể là: Trạm quan trắc sân bay, Cơ quan khí tượng sân bay, Trung tâm Cảnh báo thời tiết, Trung tâm tư vấn bão nhiệt đới, Trung tâm tư vấn tro bụi núi lửa.
2. Trung tâm dữ liệu OPMET (NOC): Thu thập các dữ liệu OPMET từ các trạm gốc quốc gia sau đó chuyển phát quốc tế cho Trung tâm OPMET khu vực; nhận các tập tin từ các Trung tâm OPMET khu vực và chuyển phát đến người dùng trong nước.
3. Trung tâm OPMET khu vực (ROC - Regional OPMET Centre): Thu thập điện văn OPMET từ các trạm gốc hoặc NOC thuộc vùng trách nhiệm. Biên tập các điện văn thu thập được thành các tập tin và gửi tới các Trung tâm ROBEX khác, các ngân hàng dữ liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các NOC hoặc các cơ quan khí tượng của các quốc gia thuộc vùng trách nhiệm.
4. Ngân hàng dữ liệu OPMET khu vực: Khu vực Châu Á - Thái Bình dương có 5 ngân hàng dữ liệu OPMET (RODB - Regional OPMET Data Banks), bao gồm: Bangkok, Brisbane, Nadi, Singapore và Tokyo. Các RODB hỗ trợ hệ thống ROBEX trao đổi OPMET thường lệ trong khu vực. Các RODB sao lưu, dự phòng cho nhau, cung cấp điện văn/tập tin OPMET theo yêu cầu truy lục của người dùng và là cổng giao tiếp giữa khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với các vùng ICAO lân cận;
5. Cổng giao tiếp ngoại vùng (In-terregional OPMET Gateways - IROG): có trách nhiệm trao đổi số liệu OPMET khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với các vùng ICAO khác. Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các IROG do các RODB đảm nhiệm.
Mô hình hệ thống trao đổi dữ liệu khí tượng OPMET khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
3. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam triển khai, thiết lập trung tâm dữ liệu khí tượng khai thác OPMET tại Việt Nam
Dịch vụ khí tượng hàng không ở Việt Nam hiện nay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bảo đảm. Các bản tin quan trắc, dự báo/cảnh báo thời tiết sân bay, trên đường bay trong hai vùng thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh do 22 trạm quan trắc sân bay, Trung tâm Cảnh báo thời tiết, Trung tâm khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất phát hành. Mỗi trạm quan trắc sân bay, Trung tâm khí tượng hàng không được trang bị 01 đầu cuối AFTN/AMHS để thu thập, trao đổi, phân phát điện văn khí tượng theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ sở để phục vụ công tác bảo đảm hoạt động bay. Mỗi đầu cuối AFTN/AMHS là một trạm gốc để phát hành, thu thập, trao đổi điện văn OPMET theo dạng mã ký tự số truyền thống TAC (Traditional Alphanumeric Code). Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi trạm quan trắc thời tiết sân bay, của Trung tâm Cảnh báo thời tiết và các Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, các điện văn OPMET của mỗi cơ sở phát hành được phân phát, trao đổi trong nước hoặc gửi trực tiếp tới Trung tâm ROBEX tại Băng Kốc - Thái Lan để trao đổi quốc tế. Ngược lại, các điện văn/tập tin OPMET quốc tế được gửi trực tiếp về Trung tâm Cảnh báo thời tiết, các Trung tâm khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất thuộc Trung tâm Khí tượng hàng không - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam để phân phát cho các trạm gốc trong nước.
Để thực hiện việc phân phát, thu thập, trao đổi điện văn OPMET đúng theo mô hình trao đổi điện văn OPMET của ICAO cũng như lộ trình chuyển đổi điện văn khí tượng khai thác dạng mã ký tự số truyền thống TAC sang dạng IWXXM (mô hình trao đổi thông tin khí tượng dạng mã theo tiêu chuẩn ICAO mới), tiến tới áp dụng Hệ thống quản lý thông tin diện rộng SWIM (System Wide Information Management), năm 2019, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai, thiết lập Trung tâm dữ liệu OPMET tại Việt Nam (NOC) và xây dựng lộ trình chuyển đổi IWXXM.
Ngày 19/4/2019, Cục hàng không Việt Nam đã ra Quyết định số 8117/QĐ-CHK ấn định địa chỉ AFTN/AMHS cho NOC là: VVVVYMYX. Hiện nay, Trung tâm dữ liệu NOC đã chính thức đi vào hoạt động với các chức năng chính:
- Nhận các bản tin/điện văn OPMET (METAR, SPECI, TAF, TAF AMD, SIGMET, AIREP) dạng TAC từ trạm gốc trong nước gửi tới qua hệ thống AFTN/AMHS;
- Biên tập các tập tin: SA-Bulletin đối với điện văn METAR (SAVS32 để trao đổi quốc tế và SAVS33 để trao đổi trong nước); FT-Bulletin đối với điện văn dự báo sân bay hạn dài - Long TAF (FTVS32 để trao đổi quốc tế, FTVS33 để trao đổi trong nước); FC-Bulletin đối với điện văn dự báo sân bay hạn ngắn - Short TAF (FCVS32 để trao đổi trong nước);
- Nhận các bản tin/tập tin OPMET (METAR, SPECI, TAF, TAF AMD, SIGMET, AIREP, VAA, TCA) dạng TAC quốc tế từ các Trung tâm ROBEX khu vực.
- Phân phát các tập tin OPMET do hệ thống NOC biên tập (SA-bulletin, FT- bulletin, FC-bulletin) và các điện văn OPMET nhận được từ các Trung tâm ROBEX khu vực dưới dạng TAC qua hệ thống AFTN/AMHS tới các cơ quan, đơn vị sử dụng trong nước như: các cơ sở MET, ACC, APP, AIS, SAR, Airlines…
- Chuyển tiếp các bản tin OPMET nhận được từ trạm gốc trong nước (hoặc các tập tin OPMET đã biên tập) đến các Trung tâm ROBEX khu vực.
- Lưu trữ lâu dài dữ liệu OPMET nhận được và xử lý các điện văn truy vấn dữ liệu (RQM) phục vụ yêu cầu của người khai thác;
Để đáp ứng lộ trình của ICAO về trao đổi dữ liệu khí tượng theo tiêu chuẩn IWXX, Tổng công ty đang triển khai nâng cấp, hoàn thiện hệ thống NOC và dự kiến từ ngày 01/7/2021, Trung tâm dữ liệu OPMET sẽ thu thập, phân phát, trao đổi dữ liệu OPMET theo định dạng IWXXM.
Mô hình kết nối tổng quan Trung tâm NOC tại Việt Nam
Dự án triển khai, thiết lập Trung tâm dữ liệu OPMET tại Việt Nam (NOC) là một trong những dự án quan trọng của Tổng công ty nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khí tượng, đồng thời giúp cho việc kiểm soát an ninh, an toàn dữ liệu OPMET được chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khuyến cáo của ICAO với các quốc gia thành viên, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trong việc cung lĩnh vực cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
Văn Hồng