19/12/2024
Xúc tiến hợp tác quốc tế về đào tạo, huấn luyện của VATM tại Pháp và Đức
Từ ngày 25/11 đến 03/12/2024, đoàn công tác của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, do Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Kiên làm trưởng đoàn, đã làm việc với các đối tác, cơ sở đào tạo tại Pháp và Đức.
Đại diện Học viện hàng không Việt Nam (VAA) - Giám đốc, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hải Hằng - tham gia cùng đoàn công tác của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Đây là hoạt động được triển khai theo Thỏa thuận hợp tác giữa VATM và VAA được ký kết ngày 27/7/2024 trên cơ sở VAA đã và đang triển khai hợp tác quốc tế nhằm hòa nhập nền giáo dục tiên tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển nguồn nhân lực cho ngành hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là chuỗi hoạt động nhằm triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Hội đồng thành viên Tổng công ty phê duyệt tại Quyết định 469/QĐ-HĐTV ngày 13/9/2024.
Tại Pháp, đoàn công tác đã làm việc với Trường Đại học Hàng không dân dụng Pháp (Ecole Nationale d’Aviation Civil - ENAC) ở thành phố Toulouse. Trong thời gian làm việc, bà Dominique Dubourg - Phụ trách hợp tác quốc tế - đã chia sẻ về quá trình thành lập và phát triển, nhiệm vụ chiến lược của ENAC đối với sự phát triển của ngành hàng không Pháp nói riêng và hàng không thế giới nói chung.
ENAC là trường đại học công lập duy nhất tại Pháp và châu Âu cung cấp những chương trình tiêu chuẩn và hoàn thiện nhất; đào tạo những nghề nghiệp liên quan đến kỹ thuật hàng không, bảo đảm hoạt động bay, người lái, v.v. ENAC cung cấp nguồn nhân lực chính cho Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp (DGAC), hãng hàng không quốc gia Pháp (Air France) và các công ty lớn trong lĩnh vực hàng không Pháp và quốc tế như Boeing và Airbus.
Các chương trình đào tạo của ENAC rất đa dạng, với chương trình đào tạo ban đầu (Initial training programs), chương trình đào tạo chuyên môn và nâng cao (Advanced & Professional training programs). Ông Laurent Amarantinis - Trưởng khoa ATM của ENAC - cũng cung cấp thông tin chi tiết về chương trình đào tạo ban đầu cho Kiểm soát viên không lưu (ATCO Initial training)
Những thông tin này thể hiện sự khác biệt tương đối lớn về hệ thống giáo dục của Pháp và Việt Nam, cũng như trong đào tạo kiểm soát viên không lưu. Ví dụ, sinh viên tham gia chương trình ATCO Master thì sẽ được DGAC công nhận trình độ Master, được đào tạo đầy đủ Năng định (Full ratings) và được làm việc ở các Trung tâm kiểm soát đường dài hoặc sân bay quốc tế; còn sinh viên tham gia chương trình ATCO Bachelor thì sẽ được DGAC công nhận trình độ Bachelor, được đào tạo năng định riêng lẻ và sẽ được làm việc ở các sân bay quốc gia.
Chương trình đào tạo ban đầu ATCO Master cũng thể hiện vai trò và trách nhiệm của cơ sở đào tạo ENAC mang tính tổng thể hơn. Sau 4 học kỳ đầu với các môn học chung như Luật hàng không, Quản lý luồng không lưu, v.v; sinh viên tiếp tục học đầy đủ các chương trình Năng định ở các học kỳ sau. Kết thúc học kỳ 8, sinh viên hoàn thành Tiểu luận để được cấp Trainee Licence. Trong học kỳ 9, sinh viên tham gia huấn luyện Đơn vị (Unit training) trong 55 tuần. Sau đó, sinh viên viên tiếp tục học kỳ 10 trong 7 tuần với nội dung học về quản lý, làm tiểu luận…rồi mới được công nhận tốt nghiệp, hoàn thành chương trình.
Năm 2017, ENAC đã từng phối hợp với VAA tổ chức khóa đào tạo Thạc sỹ (Advanced Master) về quản lý an toàn hàng không (Aviation Safety Management) dành cho cán bộ, chuyên gia ngành hàng không tại Việt Nam kéo dài 2 năm.
Qua trao đổi, ENAC chỉ được cấp phép đào tạo và được công nhận chương trình Thạc sỹ Quản lý hoạt động bay (ATM Advanced Master) bằng tiếng Anh cho Việt Nam trong trường hợp đảm bảo tối thiếu 15 sinh viên/01 khóa, là những người đã hoàn thành bậc Đại học/Kỹ sư hoặc tương đương trở lên trong hệ thống giáo dục Việt Nam và phải đảm bảo thời gian học tập trực tiếp tối thiểu tại Pháp.
Đoàn công tác cũng thảo luận về các chương trình đào tạo liên tục (Continuous training) cho cả Người lãnh đạo, quản lý (Executive Managers) và nhân sự làm việc trực tiếp (Technicians); đào tạo bồi dưỡng cho KSVKL; Quản lý an toàn, v.v. Các khóa đào tạo từ cơ bản đến nâng cao về Phương thức bay và vùng trời của ENAC tương đối đầy đủ và bài bản.
Trong chương trình làm việc, đoàn công tác cũng được hướng dẫn tham quan phòng thực nghiệm và thiết kế mô hình Tàu bay không người lái (Drones); cơ sở thực hành giả định Không lưu (ATC simulators) có một số đầu cuối được kết nối với Hệ thống ATM hiện hành, có dữ liệu thực (real data) để sinh viên thực hành. Dù là trường đại học nhưng phần đào tạo thực hành rất được quan tâm và có hệ thống trang, thiết bị rất đầy đủ. Đoàn cũng có cơ hội thăm và tìm hiểu các dịch vụ dành cho sinh viên quốc tế (Tiếp đón sinh viên quốc tế, câu lạc bộ văn hóa và thể thao sinh viên, chỗ ở tại ký túc xá trong khuôn viên của ENAC, v.v)
Tiếp theo chương trình làm việc với ENAC tại Pháp, Đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học khoa học ứng dụng Worms (Worms University of Applied Sciences - HS Worms) tại thành phố Worms, Đức để trao đổi về khả năng hợp tác trong chương trình đào tạo từ trình độ Thạc sỹ trở lên.
HS Worms là đối tác chiến lược của VAA trong lĩnh vực phát triển các nghiên cứu khoa học, chương trình trao đổi du học giao lưu văn hóa và dự án đào tạo hàng không từ năm 2021.
Trong chương trình làm việc, Giáo sư, Tiến sỹ Tobias Ehlen - Trưởng khoa Du lịch và Vận tải - cùng các Giáo sư, Tiến sỹ trong khoa; đã giới thiệu về các chương trình đào tạo đã hợp tác với VAA; chia sẻ chi tiết về các chương trình mà VATM quan tâm như Quản lý hoạt động bay (Air Traffic Management), Quản trị hàng không (Aviation Management).
Theo mô hình tổ chức đào tạo hiện nay, HS Worms hiện chỉ đào tạo trình độ Thạc sỹ Quản trị hàng không (Aviation Management (MBA)) với phần lớn các môn học bằng tiếng Đức cho nhân sự đang làm việc trong các lĩnh vực Hàng không Đức và các quốc gia/học viên sử dụng được cả tiếng Đức và tiếng Anh.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo cử nhân Quản trị hàng không hay Quản lý hoạt động bay bằng tiếng Anh có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn - Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay (ANS) Deutsche Flugsicherung (DFS).
Qua trao đổi, HS Worms có thể tổ chức khóa Thạc sỹ Quản trị hàng không (Aviation Management (MBA)) bằng tiếng Anh cho tối thiểu 15 học viên của Việt Nam, với phương thức tổ chức kết hợp trực tiếp (2/3 thời lượng) và trực tuyến (1/3 thời lượng), với địa điểm linh hoạt cả Việt Nam và Đức, với cơ chế giám sát chất lượng và công tác thi cử được thống nhất cụ thể để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Bên cạnh thế mạnh về đào tạo nhân sự hàng không cho Đức; HS Worms cũng tham gia rất nhiều dự án Nghiên cứu của châu Âu như COCTA, CADENZA, NET SHAR, v.v.
Cũng trong khuôn khổ các chương trình hợp tác; Giáo sư, Tiến sỹ Frank Fichert cùng Nghiên cứu sinh Võ An của HS Worms cũng tham gia cùng Đoàn công tác Việt Nam để thăm và làm việc tại Công ty Dịch vụ hàng không của DFS (DFS Aviation Services - DAS) tại Langen, Đức.
Đại diện DAS, ông Pierre Hermann - Giám đốc Điều hành - đã trực tiếp giới thiệu về tổ chức, nhiệm vụ của DAS. Trực thuộc Tập đoàn DFS, DAS được giao nhiệm vụ trên nhiều mảng, lĩnh vực như Hệ thống và Kỹ thuật, dịch vụ ANS (tại Đức và Anh), Dịch vụ tư vấn và Đào tạo hàng không.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến dịch vụ Tư vấn (Consultancy) do DAS chia sẻ như Tàu bay không người lái và tích hợp hệ thống Tàu bay không người lái (UAS), đài kiểm soát không lưu từ xa dạng số, thiết kế phương thức bay - đường bay - vùng trời, tối ưu hóa hoạt động góp phần bảo vệ môi trường, công nghệ ATS/ATM tương lai.
Trong lĩnh vực đào tạo, với đặc thù là cơ sở đào tạo cho doanh nghiệp ANS, DAS có nhiều khóa học ngắn hạn phù hợp với nhu cầu của VATM. Trong năm 2024, hai bên đã hợp tác tổ chức 02 khóa huấn luyện Quản lý tàu bay đến nhiều sân bay và dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác đào tạo phù hợp với đặc thù và yêu cầu của doanh nghiệp ANS.
Chuyến công tác tại Pháp và Đức của VATM và VAA với nhiều hoạt động, nội dung làm việc đa dạng đã tạo cơ sở xúc tiến, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng theo định hướng phát triển của VATM; tạo tiền đề triển khai các giải pháp đào tạo, huấn luyện, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tổng công ty.
Lê Thị Phượng