26/12/2024
Các quy định về hàng không vũ trụ cần phải được đồng bộ
Cách đây không lâu, các vụ phóng tên lửa được các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (ANSP) coi là cá biệt. Nhưng các hoạt động hàng không vũ trụ thương mại - cho dù đó là du lịch vũ trụ, triển khai vệ tinh hay vận chuyển hàng hóa vũ trụ đang tăng về số lượng, tất cả đều được coi là hoạt động thường lệ. Do đó bắt buộc phải đưa hoạt động này vào vùng trời thông qua hệ thống quản lý an toàn và không được coi đó là "cú sốc" hoạt động.
Vùng trời có kiểm soát
Ở cấp độ đơn lẻ đã có các tiến triển. Airways New Zealand đã làm việc với Phòng thí nghiệm Tên lửa từ năm 2017 và gần đây đã ký một hợp đồng mới có thời hạn 5 năm. Phòng thí nghiệm Tên lửa đã bay 21 lần trên Bán đảo Mahia ở New Zealand. Airways cung cấp việc quản lý vùng trời sử dụng đặc biệt xung quanh mỗi lần phóng tên lửa Electron.
“Việc cho phép tiếp cận một cách an toàn và linh hoạt vào vùng trời là rất quan trọng để hỗ trợ ngành công nghiệp đang phát triển này ở New Zealand, và chúng tôi có một đội ngũ kiểm soát viên không lưu, nhân viên dịch vụ bay và chuyên gia dịch vụ không lưu đầy kinh nghiệm, làm việc từ phía sau để thực hiện điều này,” Katie Wilkinson, Lãnh đạo điều hành, Tổng Giám đốc Dịch vụ không lưu của Airways New Zealand cho biết.
New Zealand may mắn có một vùng trời tương đối thông thoáng so với các quốc gia khác. Ví dụ như Cục Hàng không Liên bang (FAA) Hoa Kỳ đã phải đóng cửa một phần lớn vùng trời trong một khoảng thời gian dài, gây ra chậm trễ và kém hiệu quả.
FAA đang làm việc với ngành Vận tải Hàng không vũ trụ Thương mại (Commercial Space Transportation - CST) để có thể giảm thiểu hết mức sự gián đoạn. FAA cho biết trong tương lai, “vùng trời sẽ được quản lý một cách chủ động, giảm thiểu sự kém hiệu quả theo cách an toàn và mở đường cho việc tiếp cận thường xuyên đến quỹ đạo thấp của Trái đất và vượt trên vùng trời quốc gia”. Việc tự động hóa nâng cao bao gồm Bộ tích hợp dữ liệu không gian (Space Data Integrator - SDI) sẽ đóng vai trò quan trọng.
Bản thân FAA đã có kiến thức về các vấn đề mà du hành vũ trụ thương mại có thể mang lại. Một vụ phóng SpaceX đã bị xóa bỏ trong những giây cuối cùng của quá trình đếm ngược vào tháng 6 năm 2021 khi một tàu bay vi phạm vùng trời hạn chế.
Elon Musk, Người sáng lập và Giám đốc điều hành của SpaceX, đã đăng “Thật không may, việc phóng đã bị hoãn lại cho ngày hôm nay, vì một tàu bay đã bay vào ‘khu vực cần tránh xa’, điều này phi lý khủng khiếp. Không có cách nào mà nhân loại có thể trở thành một nền văn minh du hành vũ trụ mà không có cải cách pháp lý lớn. Hệ thống quy định hiện tại đã bị phá vỡ”.
Phản hồi trên thế giới
Hiện tại, không có tổ chức toàn cầu nào bao quát về các chuyến bay vũ trụ. Thậm chí không chắc chắn điều gì cấu thành nên “không gian vũ trụ” – có thể là bất cứ thứ gì từ 50 dặm đến 100 dặm - và do đó, không rõ vùng trời có chủ quyền của một quốc gia kết thúc ở đâu.
Thêm vào đó là sự đa dạng của các thông số khi phóng. Có các vụ phóng thẳng đứng và ngang, phóng khinh khí cầu, các chuyến bay vũ trụ của con người vào quỹ đạo và quỹ đạo phụ, v.v. Các yếu tố ảnh hưởng đến mỗi loại có rất nhiều và đa dạng. Ví dụ như vụ phóng ngang luôn cắt ngang một số khu vực pháp lý khác nhau. Mỗi quốc gia có thể có các quy trình về vùng trời, luật không gian và các tiêu chuẩn an toàn khác nhau.
Anh Quốc là một ví dụ tích cực. Thông qua sáng kiến LaunchUK, họ có một ngành công nghiệp vũ trụ lành mạnh với một số sân bay vũ trụ. Hoạt động và giấy phép được điều chỉnh bởi Đạo luật Công nghiệp Vũ trụ 2018 và Quy định Công nghiệp Vũ trụ 2021.
Về cơ bản, đối với một lần phóng, việc sử dụng vùng trời phải được yêu cầu từ trước để có thể cân đối hợp lý nhu cầu của những người dùng khác nhau. Vùng trời được kích hoạt vào ngày phóng thông qua Đơn vị Quản lý Vũ trụ của Anh Quốc với sự hợp tác của Giám đốc Mạng lưới Châu Âu.
Luke Winfield, Giám đốc điều hành tại Sân bay vũ trụ Cornwall, lưu ý trong một blog “Không thể đánh giá thấp sự phức tạp của việc đạt được phạm vi phóng an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định trong vùng trời châu Âu. Tuy nhiên, nó có thể đạt được thông qua sự hợp tác quốc tế vững chắc” Cơ quan Vũ trụ Anh Quốc gần đây đã công bố Biên bản Ghi nhớ (MoU) với Iceland và Quần đảo Faroe và đã có một số thỏa thuận khác.
ANSP của Anh Quốc - NATS cũng tích cực tham gia với các đối tác của mình ở khu vực Bắc Đại Tây Dương. “Do trong tương lai dài hạn chuyến bay vũ trụ sẽ chuyển đổi từ việc yêu cầu vùng trời riêng biệt sang hoạt động trong vùng trời tích hợp với những người sử dụng vùng trời khác, thế nên có thể cần phải cập nhật các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành (SARPS) để phù hợp với các loại phương tiện và hoạt động mới” John Holmes, Chuyên gia chủ chốt về An toàn (Phát triển SMS & Hoạt động Vũ trụ Thương mại) của NATS cho biết.
Ngoài việc tiếp cận theo hướng hợp tác để hiểu các yêu cầu về vùng trời để cho phép việc phóng diễn ra, NATS cũng là bên ủy thác các Yêu cầu thay đổi vùng trời được đệ trình lên CAA để hỗ trợ các lần phóng.
Holmes giải thích “Vùng trời cho phép phóng chuyến bay vũ trụ được quản lý bằng cách sử dụng các quy trình quản lý vùng trời hiện có. Một địa điểm phóng thẳng đứng cố định sẽ hạn chế số lượng các biến số tiềm ẩn trong các yêu cầu về vùng trời vì tất cả các lần phóng đều có điểm xuất phát chung. Các bệ phóng di động như tàu bay, tàu thủy và khinh khí cầu có thể hoạt động từ nhiều điểm phóng ban đầu hơn, cung cấp khả năng tiếp cận nhiều độ nghiêng quỹ đạo hơn so với một điểm phóng cố định”.
“Sự linh hoạt hơn trong vị trí phóng sẽ thúc đẩy một loạt các yêu cầu năng động hơn đối với vùng trời, điều này có thể có nghĩa là các lượt phóng diễn ra từ một loạt địa điểm, có khả năng đòi hỏi một cách tiếp cận linh hoạt hơn để quản lý không phận”.
Các Tài liệu làm việc (WP)
Rõ ràng, tần suất ngày càng tăng của việc du hành vũ trụ thương mại đòi hỏi nhiều hơn những phản ứng của từng bên. Các tổ chức hàng không hàng đầu từ lâu đã yêu cầu ICAO định hướng. Trong một tài liệu làm việc, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã yêu cầu “ICAO chính thức hóa việc xây dựng các quy định về việc tích hợp các hoạt động vũ trụ thương mại vào vùng trời có kiểm soát”.
CANSO cũng đã đệ trình một tài liệu làm việc tại Hội nghị Không vận của ICAO lần thứ 13 năm 2018. Trong đó lưu ý rằng việc “giới thiệu và dự kiến gia tăng các hoạt động vũ trụ thương mại tạo ra nhu cầu giải quyết các yêu cầu như vậy đối với các nhà khai thác mới, được đưa vào như một phần của Hệ thống Quản lý An toàn của mỗi quốc gia hoặc Chương trình An toàn Quốc gia (State Safety Program - SSP), dựa trên đánh giá rủi ro của địa phương. Các nhà khai thác không quen với các SARPS liên quan đến quản lý an toàn của ICAO có thể đưa thêm các rủi ro an toàn vào hệ thống hàng không.”
“Việc yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và cung cấp sự đảm bảo tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn đó sẽ làm giảm rủi ro hơn nữa cho những người sử dụng vùng trời khác và công chúng. Các nhà khai thác hoạt động vũ trụ thương mại phải được yêu cầu áp dụng Hệ thống Quản lý An toàn một cách mạnh mẽ để giảm thiểu rủi ro cho công chúng bằng cách hoạt động trong một mức độ rủi ro xác định và đảm bảo đạt được các yêu cầu.”
CANSO gợi ý ICAO đưa ra các SARPS và Hướng dẫn vào trong Phụ ước 19 và Tài liệu Doc 9859. Và trong một lưu ý cho các tổ chức ANSP thành viên của mình, Giám đốc Chương trình Hoạt động của CANSO, Scott Leis, cho biết: “Để có được việc phóng hoạt động vũ trụ thương mại một cách thành công cần có sự phối hợp quốc tế sâu rộng, đặc biệt để xác định các khu vực nguy hiểm cho tàu bay (Aircraft Hazard Area - AHA) từ khi phóng và tái nhập, và thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh hoạt động của tàu bay trong các khu vực bị ảnh hưởng.”
Ban Không lưu
(Nguồn: Canso.org)