IATA: Nâng cao năng lực Quản lý không lưu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

thứ sáu, 15/09/2023 10:03

Nhu cầu về vận tải hàng không trong khu vực tăng trở lại đặt ra một vấn đề quan trọng, đó là năng lực.  Từ góc nhìn của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ông Blair Cowles, Giám đốc Khai thác, An toàn và An ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của IATA chia sẻ: “Sự tăng trưởng về lưu lượng bay trong những thập kỷ sắp tới sẽ rất lớn, tuy nhiên những giải pháp để đối mặt với thách thức này hiện đang chưa được các ANSP triển khai đủ nhanh chóng”.

%E1%BA%A2nh%201%20Mr_%20Blair%20CowlesÔng Blair Cowles, Giám đốc Khai thác, An toàn và An ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của IATA

Các sân bay lớn quan trọng của khu vực chắc chắn là các điểm trọng tâm (focal point) nhưng để có được hiệu quả vùng trời một cách bền vững thì cũng cần quản lý luồng không lưu tốt hơn giữa các sân bay này. Tàu bay cần tránh bị mất thời gian trong các khu chờ hoặc bị chậm trễ cất cánh lâu do các ANSP không áp dụng các tiêu chuẩn phân cách hiệu quả nhất của ICAO mà họ có thể áp dụng.

Ông Blair cũng kêu gọi sự khẩn trương hơn trong các dự án nâng cấp để mua sắm và triển khai các hệ thống tự động hóa ATM với các chức năng hỗ trợ cho phép việc áp dụng một cách an toàn các khái niệm như các Đường bay được người sử dụng ưu tiên (User Preferred Routes). Ông cho biết: “Chúng ta cần chuyển sang giai đoạn tiếp theo, với việc áp dụng các khái niệm như Khai thác dựa vào quỹ đạo/TBO (Trajectory-based Operations) và cần có sự hợp tác tích cực hơn trong khu vực.”

Nằm trong Chương trình ecoDemonstrator của Boeing, tàu bay thuộc dòng 787-10 Dreamliner của Boeing gần đây đã thực hiện một số chuyến bay áp dụng TBO trong khu vực nhằm đánh giá hiệu quả khai thác tiềm năng và những lợi ích đạt được đối với môi trường. Bên cạnh Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA), các ANSP của Nhật Bản, Singapore, và Thái Lan đã tham gia chương trình nhằm đảm bảo các đường bay tối ưu từ khi cất cánh đến khi hạ cánh.

Chương trình ecoDemonstrator cũng chỉ ra những cơ hội đã bị bỏ lỡ do chưa sử dụng bầu trời hiệu quả. Một vấn đề nổi trội khác được đặt ra, đó là cần một mức độ cân bằng về năng lực giữa các ANSP, trong khi đó, Châu Á – Thái Bình Dương lại được biết đến là khu vực có những sự phân hóa lớn trong nhiều lĩnh vực, và Kiểm soát không lưu không phải là một ngoại lệ.

Châu Á – Thái Bình Dương không có một thiết chế phối hợp khu vực cho ATM, như Eurocontrol của Châu Âu. Các nước quen với việc ưu tiên các lợi ích quốc gia và quản lý nhu cầu giao thông của riêng mình, đôi khi việc này gây bất lợi cho luồng không lưu của khu vực. Kết quả là một sự chắp vá các qui trình và công nghệ mà thường dẫn đến việc không tận dụng hiệu quả các hệ thống điện tử hiện đại trên tàu bay.

Các vấn đề/“điểm đau” (pain point) và những tiến triển tích cực

Bên cạnh các vấn đề mang tính hệ thống thì cũng có một số vấn đề cụ thể cần đến một phương án giải quyết. Chẳng hạn, việc đóng cửa vùng trời Afghanistan đang đẩy hoạt động bay xuống phía nam vào trong Vịnh Bengal, mà đây vốn đã là một khu vực có lưu lượng bay lớn.

Bên cạnh đó, vùng trời trên khu vực biển Đông tiếp tục được sử dụng với tần suất rất lớn. Môt số thị trường hàng không lớn bị ảnh hưởng, bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Một tín hiệu đáng mừng là đã có những bước tiến triển tích cực được xúc tiến trong khu vực. Những thử nghiệm được lập kế hoạch trong khu vực Vịnh Bengal sẽ giúp tận dụng hiệu quả hơn các năng lực của tàu bay và cũng có những chương trình được triển khai nhằm tăng năng lực vùng trời trên khu vưc biển Đông.

Các tín hiệu tích cực được ghi nhận cả ở vùng trời khu vực đại dương. Chẳng hạn, ở khu vực Bắc Thái Bình Dương, FAA và ANSP của Nhật Bản (JANS) đã có hai năm triển khai một chương trình kéo dài nhiều năm nhằm điều chỉnh các đường bay giữa Bắc Mỹ và Châu Á.

Các khái niệm mới như Liên lạc VHF đặt trong không gian – được tiên phong bởi các công ty như Skykraft và dự án Startical – cũng đang được theo dõi để quan sát các cải thiện mà chúng mang lại cho việc quản lý vùng trời khu vực đại dương. Liên lạc thoại trực tiếp ở độ cao trên biển nhằm giúp tối thiểu hóa phân cách và kiểm soát tốt hơn các tình huống bất lợi như chuyển dòng thời tiết.

Ủy ban ANSP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Ủy ban ANSP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được hình thành có thể là hi vọng lớn nhất đối với việc tăng hiệu quả vùng trời trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy một sự khẩn trương cần có một cách quyết liệt.

Ủy ban này bao gồm các cán bộ cấp cao từ các ANSP trong khu vực và cũng có sự tham gia của IATA, CANSO và các cơ quan liên quan khác.

%E1%BA%A2nh%202%20HN%20UB%20ANSP%20l%E1%BA%A7n%201Ủy ban ANSP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị lần 1 vào tháng 04/2023 tại Băng Cốc, Thái Lan

Mục tiêu của Ủy ban ANSP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nhằm hỗ trợ và định hướng sự thay đổi từ cấp cao nhất thông qua bốn chuỗi công việc:

  • Hợp tác mua sắm: chuỗi công việc này nhằm cho phép các ANSP phát triển thu được lợi ích từ tính kinh tế theo qui mô và triển khai các công nghệ mới nhất sớm hơn, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Các ANSP sẽ có thể quản lý chi phí tốt hơn và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
  • Lập kế hoạch ứng phó: Tăng cường các nỗ lực hợp tác nhằm khắc phục sự cố/hỏng sập, bao gồm việc đóng cửa không phận và thiên tai, điều này sẽ giúp giảm chậm trễ, chi phí và tăng chất lượng trải nghiệm của hành khách. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm huấn luyện, chia sẻ thông tin và triển khai các chương trình diễn tập phối hợp để kiểm tra sự sẵn sàng và hoàn thiện các qui trình.
  • Khai thác hiệu quả và liền mạch: Số hóa sẽ có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc tăng năng lực và hiệu quả vùng trời, đặc biệt là trong khai thác đường dài. Chuỗi công việc này cũng sẽ bao gồm các sáng kiến cho sự phát triển bền vững.
  • Vùng trời khu vực đại dương: Các ANSP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cung cấp dịch vụ cho một phạm vi rất lớn vùng trời khu vực đại dương, và việc bảo đảm liên lạc liên tục và các đường bay tối ưu có vai trò rất quan trọng. Các công việc trong chuỗi này cũng bao gồm tính bền vững, khả năng tương tác giữa các hệ thống và lập kế hoạch ứng phó.

“Lãnh đạo ANSP trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần tìm ra các cách thức cung cấp dịch vụ mới vượt ra khỏi tư duy cục bộ và trả lời câu hỏi làm thế nào để có thể thích nghi với lưu lượng bay ở phạm vi khu vực”, ông Cowles cũng chia sẻ thêm “Các tiến triển đang được ghi nhận, nhưng đây là một khu vực lớn và có sự đa dạng với những yêu cầu phức tạp, và chúng ta cần hành động nhanh hơn nếu chúng ta muốn tránh những hạn chế nghiêm trọng về năng lực”.

Các vấn đề về an toàn và khai thác sẽ được thảo luận tại Hội nghị thế giới về An toàn và Khai thác 2023 của IATA (https://www.iata.org/en/events/all/wsoc/) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 19 đến 21/09/2023.

Vũ Uyên (Theo IATA)

 

Thông báo