Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu của ông Michel Jarraud - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới.
Năm 1950, Ngày Khí tượng Thế giới ra đời với mục tiêu giúp cho người dân ở các nước hiểu rõ hơn và đánh giá cao công việc của các Cơ quan phục vụ Khí tượng Thủy văn quốc gia. Ngày 23 tháng 3 được chọn để kỷ niệm sự kiện Công ước Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chính thức có hiệu lực vào năm 1950.
"Theo dõi thời tiết để bảo vệ tính mạng và tài sản" là chủ đề được chọn cho Ngày Khí tượng thế giới năm 2013 và cũng là để kỷ niệm 50 năm “Chương trình Theo dõi Thời tiết toàn cầu”. Chủ đề này nhấn mạnh vào một trong những lý do ra đời và tồn tại của WMO, đó là giảm thương vong và thiệt hại do các hiểm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước gây ra. Đồng thời, Ngày Khí tượng Thế giới 2013 ghi nhận vai trò quan trọng của “Chương trình Theo dõi Thời tiết toàn cầu” trong việc thực hiện mục tiêu này.
Chúng ta không thể bỏ qua những tác động ngày càng gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong 30 năm qua, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người và làm thiệt hại giá trị kinh tế ước tính hơn 1.500 tỷ đô la Mỹ. Các thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu, nước như bão nhiệt đới, nước dâng do bão, sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch chiếm gần 90% các loại thảm họa, gây ra hơn 70% thương vong và gần 80% thiệt hại kinh tế.
Thông qua các chương trình của mình và mạng lưới ở trên 190 Cơ quan phục vụ Khí tượng Thủy văn quốc gia, WMO góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ cuộc sống và tài sản. Các bản tin dự báo và cảnh báo sớm thời tiết gửi đến chính phủ, các thành phần kinh tế, cá nhân đã giúp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
“Chương trình Theo dõi Thời tiết toàn cầu” đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đó. Ra đời năm 1963, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Chương trình Theo dõi Thời tiết thế giới đánh dấu bước ngoặt trong hợp tác toàn cầu. Hệ thống này bao gồm các mạng lưới quan trắc, thiết bị viễn thông, các trung tâm xử lý dữ liệu và dự báo để cung cấp thông tin khí tượng và môi trường cần thiết nhằm cho phép trao đổi thông tin thời gian thực và cung cấp các dịch vụ hiệu quả ở tất cả các quốc gia.
Do nhu cầu về các dịch vụ thời tiết, khí hậu ngày càng mở rộng và cùng với những tiến bộ khoa học, công nghệ, hiện nay “Chương trình Theo dõi Thời tiết toàn cầu” giữ vị trí trung tâm trong nhiều chương trình của cả WMO và các cơ quan khác. Thông qua các kết quả quan trắc, giám sát khí quyển và đại dương ngày càng được cải thiện, phổ biến thông tin dự báo thời tiết trên toàn thế giới, đặc biệt là cảnh báo sớm tác động nghiêm trọng của thời tiết, điều kiện khí hậu, “Chương trình Theo dõi Thời tiết toàn cầu” đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên của WMO.
Dịch vụ khí hậu với chất lượng được cải thiện đang dần trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất để giải quyết và thích ứng với biến đổi khí hậu và dao động khí hậu. Hiện tại, giả thuyết ”Điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội trong quá khứ biểu thị các điều kiện hiện tại và tương lai” không còn hoàn toàn phù hợp. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa hiểu biết về khí hậu và sử dụng hiệu quả hơn các thông tin khí hậu để đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu xã hội trong một thế giới với đặc trưng cơ bản là tăng trưởng dân số, thay đổi sử dụng đất, đô thị hóa, những thách thức về đảm bảo an ninh lương thực và quản lý tài nguyên nước, năng lượng.
Để tăng cường thông tin khí hậu hiện có và nâng cao năng lực dịch vụ khí hậu, các nước thành viên của WMO và các tổ chức đối tác của Liên hợp quốc công bố Khung toàn cầu về dịch vụ khí hậu. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của việc cung cấp các dịch vụ khí hậu, cùng với y tế, nông nghiệp và an ninh lương thực và tài nguyên nước.
Để đạt được mục tiêu của sáng kiến đầy tham vọng này, một trong những ưu tiên của WMO là hỗ trợ các nước kém phát triển, các nước đảo nhỏ đang phát triển, các nước đang phát triển dễ bị tổn thương khác để tăng cường năng lực quốc gia về các dịch vụ khí hậu, cảnh báo sớm và phổ biến các chính sách khí hậu, giải pháp thích ứng dưới hình thức thông tin khoa học, truy cập miễn phí và mở đối với dữ liệu và chuyển giao công nghệ.
Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai gần đây đã được nêu rõ trong Báo cáo đặc biệt của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu do WMO và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đồng sáng lập và đồng tài trợ. Những kết quả quan trắc do mạng lưới các Cơ quan phục vụ Khí tượng Thủy văn quốc gia của WMO thu thập được ngày càng cho thấy rõ những bằng chứng về việc biến đổi khí hậu đã góp phần làm gia tăng các hiện tượng cực đoan như mưa lớn và hạn hán, mực nước biển ven bờ dâng cao liên quan đến hiện tượng nước biển dâng. Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối quan hệ với các hoạt động của con người, đặc biệt là sự gia tăng trong khí quyển nồng độ các loại khí gây hiệu ứng nhà kính hiện đã đạt mức cao kỷ lục. Thiệt hại về kinh tế do các loại thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu đã tăng lên, chủ yếu là do sự thay đổi về dân số và việc tính mạng người dân và tài sản kinh tế ngày càng phải đối mặt với tình thế nguy hiểm.
Ngày Khí tượng Thế giới năm 2013 là dịp để nêu bật những đóng góp của Cơ quan phục vụ Khí tượng Thủy văn quốc gia trong suốt 24 giờ/ngày, 365 ngày/năm để theo dõi thời tiết và bảo vệ tính mạng người dân và tài sản. Tôi tin tưởng rằng hoạt động kỷ niệm này sẽ góp phần nhấn mạnh những lợi ích từ việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí tượng thủy văn, tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu và tính cấp bách của việc nâng cao năng lực về cung cấp các dịch vụ thời tiết và khí hậu tốt hơn cho những cá nhân, cộng đồng và quốc gia có nhu cầu sử dụng dịch vụ này nhất.
Thời tiết, khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai là nội dung trọng tâm của mọi chương trình nghị sự quốc gia và quốc tế để giải quyết những thách thức của thế kỷ 21, bao gồm cả phát triển bền vững. Ngày Khí tượng Thế giới năm 2013 là dịp thuận lợi nhất để củng cố thông điệp này.
BAN KHÔNG LƯU