18/12/2024
Máy bay IL-14 và AN-2, hai hiện vật quý trưng bày tại Bảo tàng Hàng không
Ngày 01/5/1959, tại sân bay Gia Lâm, Cục Không quân đã long trọng tổ chức Lễ thành lập Trung đoàn Không quân vận tải 919. Tổ chức biên chế đầu tiên của Trung đoàn gồm: Ban chỉ huy Trung đoàn, Ban Tham mưu, Ban cơ vụ, Trung đội bảo quản và Đại đội bay với ba trung đội IL14, Li2 và AN2.
Máy bay IL-14 số hiệu VN482 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hàng không là chiếc máy bay IL-14 đầu tiên của Trung đoàn Không quân vận tải 919, do Chính phủ Liên Xô tặng Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong số 5 máy bay Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đầu năm 1957 (gồm 1 chiếc IL-14, 1 chiếc Mi-4, 1 chiếc AN-2, 2 chiếc Li-2).
IL-14 là máy bay vận tải hạng nhẹ, do Liên Xô sản xuất, sức chở từ 26 đến 36 người với vận tốc lớn nhất 415 km/h, độ cao lớn nhất 6.500m và tầm bay xa nhất 1.700 km.
IL-14 VN 482 là chiếc máy bay Trung đoàn Không quân vận tải 919 sử dụng bay chuyên cơ phục vụ Bác Hồ và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội… đi công tác trong và ngoài nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nội thất trong máy bay được trang bị hết sức đặc biệt, gồm: Một chiếc giường kích thước 1,2m, một bàn làm việc và 2 ghế ngồi, 4 chiếc ghế phụ hàng sau, phía đuôi máy bay là bồn rửa mặt và khu vệ sinh, sàn máy bay được trải thảm.
Máy bay AN-2 số hiệu C-670 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hàng không do Liên Xô tặng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là đại diện cho lực lượng máy bay AN-2 của Trung đoàn Không quân vận tải 919.
AN-2 là máy bay vận tải hạng nhẹ có thể chở hàng, tải thương, trinh sát, phục vụ nông lâm ngư nghiệp...Tốc độ bay lớn nhất: 256km/h, trần bay lớn nhất: 4.500m, tầm bay xa nhất: 1.200km, sức chở: 1.500kg.
Những chiếc AN-2 lắm cánh nhiều càng, chế tạo để phục vụ bay nông nghiệp săn cá voi, đến Việt Nam nó trở thành phương tiện lợi hại đối với kẻ thù.
Đêm 07/3/1966 máy bay AN-2 số hiệu C-670 do Tổ bay của đồng chí Phan Như Cẩn đã bắn chìm tàu biệt kích của Mỹ trên vùng biển Sầm Sơn- Thanh Hóa. Đây là chiến công đầu tiên trên mặt trận “không đối biển” của Không quân vận tải- Hàng không dân dụng Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đội bay IL-14 và AN-2 thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã thực hiện nhiều chuyến bay vận tải hành khách, hàng hóa góp phần khôi phục nền kinh tế miền Bắc; phục vụ bay huấn luyện, bay vận tải quân sự và tham gia chiến đấu lập được nhiều chiến công trong lịch sử Không quân vận tải – Hàng không dân dụng Việt Nam. Trong thời kỳ này, Đội bay IL-14 có lúc lên tới 13 chiếc, Đội bay AN-2 23 chiếc.
Để tham gia chiến đấu, máy bay AN-2 được cải tiến vũ trang có mật danh T-12 được lắp thêm thùng rốc két dưới cánh, mỗi cánh một thùng, một thùng 4 quả đạn. Máy bay IL-14 lắp thêm giá treo bom và giàn phóng cối.
Hiện nay, Hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tự tin hội nhập với cộng đồng hàng không thế giới và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Có được những thành tích như hiện nay, Hàng không Việt Nam đã trải qua những năm tháng gian khổ, khó khăn nhưng rất kiên cường. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của ngành đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước. Trân trọng quá khứ, Bảo tàng Hàng không đã lưu giữ và trưng bày hai chiếc máy bay AN-2 và IL-14 là hai hiện vật – kỷ vật vô giá minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của Hàng không Việt Nam.
Phương Hằng