15/01/2025
Quản lý luồng không lưu và những lợi ích mang lại cho các bên tham gia
Mục tiêu chính của quản lý luồng không lưu là quản lý lưu lượng hoạt động bay trong phạm vi trách nhiệm (vùng trời/sân bay) để đảm bảo nhu cầu hoạt động bay được cân bằng với năng lực khai thác trong khi vẫn đảm bảo được yếu tố an toàn và lợi ích cho các bên tham gia. Có nhiều biện pháp quản lý luồng không lưu khác nhau có thể được áp dụng tùy thuộc vào các tình huống và sự cần thiết như:
Các biện pháp ATFM chiến lược là điều chỉnh kế hoạch bay thông qua quá trình điều phối và quản lý giờ hạ, cất cánh tại các cảng hàng không, kiểm soát các phép bay đặc biệt, ….
Các biện pháp ATFM tiền chiến thuật là áp dụng thời gian khởi hành tính toán (CTOT - Calculated Take Off Time) kết hợp với chương trình chậm trễ mặt đất tại sân bay (GDP – Ground Delay Program)...
Các biện pháp ATFM chiến thuật là áp dụng giãn cách tàu bay theo phút/dặm, thay đổi đường bay so với kế hoạch… Việc lựa chọn các biện pháp ATFM được thực hiện thông qua quá trình phối hợp ra quyết định (CDM - Collaborative Decision Making) giữa các bên tham gia.
Các giai đoạn và biện pháp ATFM
Việc thực hiện ATFM mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho tất cả các bên tham gia, trong đó bao gồm các nhóm lợi ích về mặt khai thác và nhóm lợi ích về mặt xã hội.
Lợi ích về mặt khai thác như nâng cao tính an toàn của hệ thống quản lý không lưu; nâng cao hiệu quả khai thác và khả năng dự báo các tình huống; quản lý hiệu quả giữa nhu cầu hoạt động bay và năng lực khai thác vùng trời/sân bay; nâng cao nhận thức về tình huống giữa các bên tham gia và trong việc phối hợp ra quyết định các kế hoạch hoạt động; giảm chi phí nhiên liệu và vận hành khai thác; và quản lý hiệu quả các tình huống bất thường và giảm thiểu hậu quả liên quan đến việc hạn chế năng lực khai thác không lường trước.
Lợi ích về mặt xã hội gồm có: nâng cao chất lượng du lịch của ngành hàng không; tăng cường phát triển kinh tế thông qua quản lý tăng trưởng lưu lượng hoạt động bay; giảm lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến ngành hàng không; giảm thiểu tác động của các tình huống không lường trước liên quan đến hạn chế năng lực khai thác.
VATM và Dự án thử nghiệm khai thác ATFM phân phối đa điểm nút (Distributed Multi-Nodal ATFM Operational Trial)
Các quốc gia tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận ra nhu cầu cấp thiết thực hiện quản lý luồng không lưu để nhằm cân bằng năng lực và nhu cầu trong khu vực và nhiều quốc gia đã hoặc đang có kế hoạch thực hiện ATFM trong nước.Tuy nhiên cấu trúc và hệ thống ATFM khác nhau trong khu vực sẽ hạn chế việc cung cấp và chia sẻ thông tin hợp tác xuyên biên giới để hỗ trợ quá trình phối hợp ra quyết định cho các bên tham gia.
Mạng lưới ATFM phân phối đa điểm nút và các mức độ tham gia của các quốc gia
Để thực hiện được việc phối hợp quản lý luồng khu vực, Cục HKDD Singapore đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ không lưu, hãng hàng không, nhà khai thác cảng hàng không sân bay từ các nước Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia và các tổ chức IATA, dự án Hội nhập vận tải hàng không ASEAN để xây dựng “Khái niệm Khai thác mạng lưới ATFM đa điểm nút - Concept of Operations for a distributed multi-nodal ATFM” trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Khái niệm này đã được ICAO nhất trí thông qua làm nền tảng cơ bản để thực hiện dự án thử nghiệm khai thác ATFM phân phối đa điểm nút trong khu vực (Hội nghị ATFM/SG4-12/2014). Dự án thử nghiệm được thực hiện từ tháng 6 năm 2015. Trung tâm Quản lý luồng không lưu – VATM tham gia dự án với vai trò là quan sát viên (mức 1) và đang thực hiện nâng mức tham gia dự án với việc xây dựng Kế hoạch thử nghiệm khai thác ATFM phân phối đa điểm nút giữa Việt Nam và Singapore dự kiến thực hiện từ tháng 8/2017 đến tháng 10/2017; tiếp theo đó là Kế hoạch thử nghiệm khai thác ATFM phân phối đa điểm nút giữa Việt Nam và Thái Lan dự kiến thực hiện từ tháng 10/2017 đến tháng 12/2017.
Phạm Hương Giang
Trung tâm Quản lý luồng không lưu