19/04/2025
Sân bay Lũng Cò – Dấu ấn lịch sử của Hàng không Việt Nam
Trước thời điểm diễn ra Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một sân bay dã chiến đặc biệt đã được xây dựng tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đó chính là sân bay Lũng Cò – nơi được xem là sân bay “quốc tế” đầu tiên của cách mạng Việt Nam, đóng vai trò cầu nối giữa lực lượng Việt Minh và quân Đồng Minh trong cuộc chiến chống phát xít Nhật.

Khởi nguồn từ một cuộc giải cứu lịch sử
Tháng 10/1944, viên trung úy William Shaw – phi công Mỹ điều khiển chiếc máy bay B25 bị Nhật bắn rơi tại Cao Bằng. Khi nhận được tin du kích bắt được phi công này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chăm sóc và đưa ông lên Pác Bó. Cuối năm đó, Bác Hồ cùng một số cán bộ Việt Minh trực tiếp đưa Shaw trở lại Trung Quốc, trao trả cho quân Đồng Minh tại Côn Minh.
Sự kiện này đã tạo nền tảng quan trọng cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Minh và quân Đồng Minh. Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ tại Trung Quốc, tướng Chenneul, sau đó đã quyết định viện trợ cho cách mạng Việt Nam thông qua nhiều chuyến bay vận chuyển vũ khí, điện đài liên lạc và thuốc men. Đồng thời, Mỹ cũng cử một nhóm quân sự thuộc toán “Con Nai” nhảy dù xuống vùng căn cứ để hỗ trợ huấn luyện, góp phần thành lập Đại đội Việt – Mỹ, do đồng chí Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng, thiếu tá Thomas (người Mỹ) làm Tham mưu trưởng. Về phía Việt Minh, Bác Hồ cũng đồng ý lập một trạm cứu giúp các phi công quân Đồng Minh bị nạn ở Đông Dương.

Lũng Cò – Sân bay quốc tế đặc biệt giữa núi rừng Việt Bắc
Để có thể tiếp nhận các chuyến bay viện trợ của quân Đồng Minh, tháng 6 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương và trực tiếp chỉ đạo chọn vị trí xây dựng sân bay. Một thung lũng bằng phẳng, có các dãy núi bao quanh thuộc xóm Cò, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã được lựa chọn.
Ngày 16/7/1945 đội công tác đặc biệt của Mỹ mang biệt danh “Con Nai” gồm 5 người do thiếu tá Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào. Đây là sự kiện đánh dấu một bước quan trọng trong sự hợp tác Việt- Mỹ. Sự có mặt của Đội “Con Nai” và các tổ chức quân sự khác của Mỹ ở Tân Trào đã đặt ra yêu cầu phải đưa việc xây dựng sân bay vào thực tiễn.

Chỉ trong vòng 2 ngày, với sự chung tay của 35 chiến sĩ Giải phóng quân, dân quân du kích, những người lính Đồng Minh và nhân dân địa phương, sân bay Lũng Cò đã được hình thành. Địa hình được phát quang, cây cối được chặt bỏ, mặt bằng được san gạt. Một đường băng dài 400 mét, rộng 20 mét – đủ điều kiện để máy bay trinh sát hạng nhẹ L5 của Không quân Mỹ cất hạ cánh – đã hoàn tất thần tốc, không có bất kỳ máy móc cơ giới nào.
Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Lũng Cò chở theo 2 sĩ quan quân Đồng Minh và một số lương thực, thuốc men tǎng cường cho lực lượng quân Đồng Minh tại Tân Trào. Trong suốt thời gian quân Đồng Minh làm việc tại đây, có thêm một số chuyến bay cất, hạ cánh tại sân bay Lũng Cò, chủ yếu đưa đón quân Đồng Minh và vận chuyển viện trợ cho ta thuốc men, vũ khí, điện đài liên lạc từ Côn Minh (Trung Quốc) sang Tân Trào. Khi Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ thì các chuyến bay của quân Đổng Minh không được thực hiện nữa.

Biểu tượng của lòng yêu nước và khát vọng tự do
Mặc dù sân bay Lũng Cò chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của Cách mạng tháng Tám. Lũng Cò không chỉ là công trình quân sự đơn thuần, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần chủ động, sáng tạo và đoàn kết của quân và dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập- một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử Hàng không và lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Nơi đây còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho Cách mạng, đồng thời khẳng định năng lực tổ chức và khả năng vận hành của lực lượng Cách mạng Việt Nam ngay cả trong những điều kiện gian khó nhất.
Hiện nay, sân bay Lũng Cò là một phần quan trọng trong quần thể di tích Nha Công an Trung ương tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Phương Hằng