Kiểm soát viên không lưu Việt Nam - Những người “lái” phi công đảm bảo cho những chuyến bay an toàn

thứ tư, 16/11/2016 09:06

Hàng ngày, chúng ta tham gia giao thông trên đường thành phố, tỉnh lộ đều bắt gặp những chiến sỹ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng giao thông đảm bảo được thông suốt, nhưng mấy ai biết rằng giao thông trên “chín tầng mây” cũng đông đúc và nhộn nhịp không kém.

Hàng không Việt Nam hiện đang quản lý hệ thống giao thông hàng không dày đặc nằm trong 2 vùng thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh (khoảng 1,1 triệu km2 ). Tất cả các chuyến bay muốn cất-hạ cánh, chuyển hướng bay, bay qua vùng thông báo bay được điều hành an toàn góp phần rất lớn công sức của mỗi Kiểm soát viên không lưu (KSVKL), hay trong nghề còn gọi vui là những người “lái” phi công.

Nếu trên đường bộ, cảnh sát giao thông được phép chặn hoặc dừng phương tiện tại chỗ để kiểm tra thì đối với giao thông hàng không không bao giờ cho phép chặn hoặc dừng phương tiện mà phi công bắt buộc phải tuân thủ theo huấn lệnh của những người “lái” này thông qua các hệ thống công nghệ Thông tin, dẫn đường, giám sát - CNS (Communication, Navigation, Surveillance - CNS).

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là đơn vị cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ công ích) cho tất cả các tàu bay dân dụng và vận tải quân sự tại các cảng hàng không, sân bay dân dụng trên toàn quốc và các vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý. Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có 525 KSVKL làm nhiệm vụ “phân luồng giao thông trên không”.

Đào tạo và huấn luyện Kiểm soát viên không lưu Việt Nam hiện nay.

Các KSVKL Việt Nam hiện nay được đào tạo cơ bản tại Học viện Hàng không Việt Nam. Đây là cơ sở đào tạo chuyên ngành KSKL duy nhất tại Việt Nam có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Là nơi cung cấp 96,7% nguồn nhân lực KSKL ở hệ Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Học viên được tuyển đáp ứng theo các qui định tuyển sinh của Bộ Giáo dục Đào tạo. Khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu tuyển dụng và tổ chức huấn luyện đáp ứng các yêu cầu của pháp luật trước khi kiểm tra để cấp giấy phép hành nghề và năng định. Ngoài ra, lực lượng KSVKL Việt Nam còn được đào tạo chuyên ngành KSKL tại Học viện Hàng không Liên bang Nga theo các chương trình đào tạo đặt hàng của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nhưng số lượng ít vì một số tiêu chí chưa phù hợp. Và một nguồn đào tạo nữa của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp với Học viện Hàng không theo phương thức: Tổng công ty Quản lý bay tuyển dụng nhân sự và đưa ra những tiêu chuẩn về sức khỏe, tiếng Anh theo tiêu chuẩn KSVKL còn Học viện Hàng không thực hiện khâu đào tạo theo trình độ Trung cấp nghề 01 năm (trong đó có 09 tháng đào tạo tại Học viện và 03 tháng thực tập tại các cơ sở điều hành bay thuộc Tổng công ty). Hình thức này có ưu điểm lớn vì là đơn vị chủ quản hơn 90% lực lượng không lưu của ngành Hàng không, có bề dày kinh nghiệm trong việc sử dụng lực lượng này nên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã nắm bắt được các tiêu chuẩn đầu vào cần thiết để phục vụ tốt cho công tác điều hành bay sau này. Ví dụ: Tiếng Anh phải thông thạo theo 6 tiêu chí đánh giá ngôn ngữ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) gồm: phát âm, cấu trúc, từ vựng, trôi trảy, hiểu và phản ứng. Vì đây là ngôn ngữ quy chuẩn trong ngành và là chìa khóa cho việc bảo đảm thông tin liên lạc...  

ksvkl2

Sơ đồ mô phỏng quá trình nhận tín hiệu và phát tín hiệu điều khiển từ trạm Kiểm soát không lưu đến máy bay

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bước đầu làm tốt công tác xã hội hóa trong công tác đào tạo KSVKL

Đội ngũ KSVKL được coi như một “mắt xích” quan trọng liên quan trực tiếp đến dây chuyền cung cấp các dịch vụ đảm bảo an toàn bay và là sự sống còn của ngành Quản lý bay. Để nâng cao hơn nữa năng lực an toàn và chất lượng công tác không lưu, đào tạo đội ngũ KSVKL có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, năm 2015 là năm đầu tiên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc huy động các nguồn vốn xã hội phục vụ nhu cầu phát triển ngành. Đơn vị đã xây dựng đề án xã hội hóa đào tạo KSVKL bằng hình thức phối hợp với Trung tâm huấn luyện Airways, New Zealand ở Christchurch trong khâu đào tạo và học viên tự túc về kinh phí học tập. Bước đầu đã thành công trong việc tuyển chọn và mở được 2 lớp với 20 học viên học về đường dài và tiếp cận. Hiện nay, lực lượng KSVKL của ngành Quản lý bay đã khẳng định được về trình độ, chất lượng, tính kỷ luật và độ chuyên nghiệp cao. 100% KSVKL trực tiếp điều hành bay của Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn tiếng Anh mức 4 theo quy định của ICAO.

Được đánh giá là một nghề mang tính quốc tế cao và đãi ngộ xứng đáng.

Kiểm soát không lưu là một nghề mang tính quốc tế cao, đóng vai trò quyết định trong hoạt động Quản lý bay. Ngoài ra, các qui định, tiêu chuẩn về nghề còn được qui chuẩn theo quy định của ICAO và pháp luật Việt Nam nên đòi hỏi những người làm công việc này phải có những kỹ năng đặc biệt tốt như: phản xạ, trí nhớ, khả năng chịu áp lực cao, độ tập trung… Ngoài ra, nghề này còn phải có sức khỏe tốt như: thị lực, thính lực và khả năng phát âm chuẩn.

Các KSVKL là người trực tiếp cung cấp dịch vụ điều hành bay, thông báo bay, báo động cho các tàu bay trên mặt đất, trên không và các hỗ trợ khác cho tổ lái để duy trì hoạt động bay của tàu bay trên các đường hàng không và tại khu vực các sân bay một cách an toàn, điều hòa và hiệu quả. Công việc của họ là đưa ra các huấn lệnh, chỉ thị và khuyến cáo cho tổ lái về độ cao bay, tốc độ bay, đường bay, các thông tin về thời tiết, các thông tin hoạt động liên quan khác nhằm ngăn ngừa va chạm giữa các tàu bay đang bay, giữa các tàu bay với các tàu bay hoạt động trên sân bay và giữa các tàu bay với chướng ngại vật trên khu vực sân bay.

Một KSVKL bắt đầu tập sự cần nhiều thời gian hơn so với các ngành nghề khác. Theo anh Nguyễn Thành Trung - Phó trưởng Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội cho biết: Một KSVKL mới ra trường khi bắt đầu công việc phải ngồi kèm 3 năm (ngồi điều hành tại Trung tâm cùng với 1 KSVKL có kinh nghiệm trên 10 năm), đến 5 năm mới độc lập được công việc và 7 năm thì mới thực sự tự tin điều hành bay (thả đơn - không cần kèm) hay chính thức bước vào nghề “lái” phi công. Chính vì sự đòi hỏi khá cao do đặc thù nghề nghiệp nên mức lương một KSVKL bắt đầu tập sự sẽ nhận được tương xứng, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. KSVKL chính thức có thu nhập bình quân là trên 20 triệu đồng/tháng. Thu nhập thực tế của từng KSVKL phụ thuộc vào vị trí, mức độ đóng góp và thâm niên công tác. Thời gian làm việc của họ 8 tiếng/ngày và cứ mỗi 2 tiếng họ lại được nghỉ khoảng 30 phút, đời sống tinh thần của họ được cải thiện, hưởng các chế độ quyền lợi theo quy định của Nhà nước và có nhiều cơ hội thăng tiến. Hàng năm, họ còn được tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước và các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín như Singapor, Thailan, NewZealand…

ksvkl3

KSVKL đang trực điều hành tại Đài KSKL Nội Bài

“Trụ sở” làm việc trang bị đồng bộ và hiện đại.

Các dịch vụ điều hành bay phục vụ cho công việc của KSVKL nói riêng và ngành Quản lý bay nói chung bao gồm 5 lĩnh vực. Trong đó, dịch vụ Thông tin, dẫn đường, giám sát là một trong 5 dịch vụ công ích mà Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp đạt tiêu chuẩn của ICAO. Ngoài ra, đơn vị còn có nhiệm vụ quan trọng là kết hợp với quốc phòng bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc. Do đặc thù về mặt địa lý (lãnh thổ), vùng thông báo bay trên biển do Việt Nam quản lý và vị trí các cảng Hàng không của Việt Nam, nên “Trụ sở” chính của lực lượng KSKL Việt Nam hiện đang được bố trí tại các cơ sở điều hành bay trong cả nước phần lớn thuộc Tổng công ty Quản lý bay gồm: 02 Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) tại Hà Nội và Hồ Chí Minh; 03 Cơ sở kiểm soát tiếp cận (APP) tại Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất; 21 Đài kiểm soát tại sân bay (TWR) tại 21 sân bay hiện đang có hoạt động bay HKDD trên toàn quốc, trong đó có nhiều đài tại các đảo hoặc khu vực vùng cao, miền núi. Tất cả các “trụ sở” này đều được quan tâm đầu tư trang bị hiện đại, đồng bộ đạt chuẩn quốc tế nên điều kiện làm việc của đội ngũ KSVKL được nâng lên rất nhiều. Mục tiêu cao nhất là nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành bay, đem lại sự hài lòng cho các hãng Hàng không và các nhà khai thác. Thực tế đã minh chứng rất rõ điều đó, trong hơn 20 năm qua, lực lượng KSVKL Việt Nam đã điều hành hàng triệu chuyến bay Hàng không dân dụng trong đó có hàng nghìn chuyến chuyên cơ tuyệt đối an toàn và trọng thị; hiệp đồng chỉ huy nhiều chuyến bay thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự; hiệp đồng thông báo bảo đảm hoạt động bay Hàng không-Không quân trên phạm vi toàn quốc kịp thời, chính xác góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia; trực tiếp tham gia thực hiện phương án ứng phó khi xảy ra các tình huống khẩn nguy Hàng không, tác chiến không quân, tác chiến phòng không…

ksvkl1

KSVKL trong kíp trực điều hành tại Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội

Được chứng kiến tận mắt “trụ sở” làm việc của KSVKL tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà nội mới thấy hết sự căng thẳng của công việc này. Không gian im lặng đến tuyệt đối, những đôi mắt dán vào màn hình, đôi tay thoăn thoắt trên máy tính để điều khiển các tổ hợp thông tin liên lạc “đất đối không”, “đất đối đất”; đôi khi họ cũng dùng chân để nhấn vào nút nhận/ngắt đàm thoại dưới bàn, miệng liên tục huấn lệnh dứt khoát bằng tiếng Anh và tiếng Việt với phi công trên các chuyến bay. Đây là quy trình phải tuân thủ tuyệt đối của mỗi KSVKL khi ngồi ở vị trí làm việc để đảm bảo việc trao đổi thông tin với phi công được chính xác thông qua hệ thống thiết bị đặt tại đây.

Và trọng trách công việc cũng vô cùng cao cả.

Với vị trí và môi trường công việc đặc thù như vậy, những người “lái” phi công đặt tính kỷ luật, trách nhiệm lên hàng đầu bởi trọng trách của họ mang trên mình rất lớn. Hiệu quả công việc là những chuyến bay an toàn, đảm bảo tính mạng cho hành khách và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tại phòng điều hành của Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội có treo bản trích dẫn lời căn dặn của đồng chí Lâm Phúc Anh Hà - Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc. Lời trích có nêu “… chỉ một phút lơ là sẽ hỏng cả sự nghiệp …”, như nhắc nhở rằng: những sự cố do tính chủ quan của bản thân không những ảnh hưởng đến sự nghiệp mà còn ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Mỗi KSVKL làm việc tại đây đều thuộc nằm lòng và hơn ai hết họ hiểu rõ trách nhiệm cao cả của mình. Đó cũng là lời nhắn nhủ mang ý nghĩa sâu sắc của ông được đúc kết qua nhiều năm kinh nghiệm với nghề và dành trọn cuộc đời cho công tác không lưu. Xin được kết thúc bài viết bằng thông điệp gửi tới mỗi KSVKL của đồng chí Đinh Việt Thắng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam “Ngành nghề khác có thể có yếu kém và sửa sai chứ Kiểm soát viên không lưu mà để xảy ra lỗi gây sự cố thì không thể sửa sai được, dẫn đường cho máy bay mà năng lực kém là vô cùng nguy hiểm…”. Với tinh thần đó, những KSVKL Việt Nam hôm nay lấy đó như hành trang mang theo trên con đường mình đã chọn.

Ngọc Trinh - VPTCT

Thông báo