Tàu bay không người lái và một số khái niệm cơ bản

thứ tư, 02/01/2019 04:08

Khái niệm tàu bay không người lái dùng để chỉ tàu bay được khai thác mà không có phi công trên tàu. Trước đây, khi hệ thống trang thiết bị kỹ thuật (dưới mặt đất và trang bị trên tàu bay) chưa được phát triển, khái niệm Phương tiện bay không người lái (UAV - unmanned aircaft verhicle) được sử dụng nhiều hơn. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của các công nghệ mới trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt là các trang thiết bị giám sát ADS-B, liên lạc C2, khái niệm Tàu bay không người lái (UAS - unmanned aircraft system) đã dần được thay thế cho khái niệm UAV, dùng để chỉ tàu bay và các thành phần thích hợp, được khai thác khi không có phi công trên tàu. Trong khi đó, khái niệm Drone được FAA đưa ra sử dụng đầu tiên, trước khi Tổ chức HKDD thế giới ICAO đưa ra khái niệm về UAS. Drone theo quan điểm của FAA, tương tự như UAS nhưng nó được sử dụng phổ biến vì dễ hiểu và dễ thu hút sự chú ý của công chúng hơn ở thời điểm đó. Một khái niệm khác cũng xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là RPAS (Remotely piloted aircraft system). RPAS là hệ thống tàu bay có người lái từ xa, bao gồm vị trí phi công điều khiển từ xa, hệ thống liên lạc và các thành phần khác tùy theo tính chất thiết kế của từng loại.

21_12_Tau%20bay%201

Sơ đồ mối tương quan các thành phần trong khái niệm UA

Cũng giống như tàu bay hàng không dân dụng có người lái, UAS cũng được phân chia theo từng loại khác nhau, phụ thuộc vào khối lượng của UAS (bao gồm cả trang thiết bị trên tàu, không tính đến khối lượng hàng hóa mang theo). Tuy nhiên, hiện nay, chưa có sự đồng nhất trong việc phân chia phân loại UAS. Ví dụ, tại Hồng Công, UAS được phân loại bao gồm: CAT A dưới 7kg, CAT B dưới 25kg, CAT C trên 25kg. Cơ quan Quản lý an toàn hàng không châu Âu EASA trên cơ sở các yêu cầu về khai thác, tính năng của thiết bị, phù hợp với các hoạt động bay dân dụng hiện tại và có tính đến việc quản lý các mối rủi ro, đã xác định 03 loại hình hoạt động của UAS bao gồm:

- Open category: Là loại hình có mức độ rủi ro thấp, không cần cấp phép trước khi khai thác. Hoạt động UAS phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tuổi đời của người điều khiển, yêu cầu về hiểu biết của phi công và chỉ được phép khai thác trong phạm vi quan sát được của mắt và trong các khu vực được công bố cho phép khai thác UAS.

21_12_%20Tau%20bay%202

- Specific category: Mức độ rủi ro cao hơn, nhà khai thác UAS phải có các biện pháp để đánh giá rủi ro và phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi khai thác.

21_12_%20tau%20bay%203

- Certified category: Các quy định được đặt ra tương tự như với tàu bay có người lái, đòi hỏi cấp phép cho nhà khai thác, phương tiện UAS và giấy phép cho phi công.

21_12_%20Tau%20bay%204

ICAO phân chia UAS thành 5 loại (micro, very small, small, medium và large), trong đó dự kiến trong năm 2019 sẽ xây dựng dự thảo lần đầu hướng dẫn khu vực về hoạt động UAS loại nhỏ (khối lượng nhỏ hơn 25kg).

Hiện nay, các tổ chức và quốc gia trên thế giới đang tập trung vào việc xây dựng các quy định liên quan đến hoạt động bay UAS loại nhỏ (khối lượng nhỏ hơn 50kg) như vùng trời hoạt động, điều kiện cấp phép, khai thác và các vấn đề liên quan đến bảo đảm an toàn.

Theo đó, ở thời điểm hiện tại, vùng trời cho hoạt động bay UAS có thể là vùng trời riêng biệt hoặc sử dụng chung vùng trời với các hoạt động bay có người lái trên cơ sở khái niệm sử dụng vùng trời linh hoạt. Trường hợp thiết lập vùng trời riêng biệt, nhiều quốc gia hướng tới việc xác định đó là vùng trời loại G/hoặc các vùng trời có độ cao thấp, được thông báo bằng NOTAM. Mặt khác, một số quốc gia như Ấn Độ, Singapore thiết lập các vùng trời cấm các hoạt động bay UAS. Tuy nhiên, ICAO khuyến cáo không nên thiết lập vùng trời dành riêng cho hoạt động UAS, đồng thời, nghiên cứu bổ sung các quy định về hoạt động bay UAS vào hệ thống tài liệu khuyến cáo thực hành hiện tại của ICAO.

Một số vấn đề đặt ra cho các nhà chức trách hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay liên quan đến hoạt động của UAS là việc quản lý tàu bay, các quy định về hoạt động khai thác của UAS cũng như việc quản lý hoạt động bay này (UTM - UAS Traffic Management).

Tàu bay không người lái hiện được sử dụng nhiều trong đời sống văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế- du lịch, giao thông hàng không như: Tàu bay không người lái thực hiện việc phun thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, tham gia tuyên truyền trong các sự kiện đã được cấp phép, quay phim, chụp ảnh các công trình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, kiểm tra tràn nhiên liệu trên biển, vận chuyển hàng hóa, kiểm tra các công trình xây dựng, vận chuyển hành khách.

Sự phát triển của loại hình tàu bay không người lái đã góp phần làm phong phú ngành hàng không và mở ra một loại hình vận tải mới, đáp ứng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu của con người.

Vũ Thị Thanh Bách- Ban Không lưu

Thông báo