Triển khai mô hình tổ chức kỹ thuật trong toàn Tổng công ty

thứ hai, 04/08/2014 09:17

- PTGĐ Nguyễn Văn Thăng chủ trì làm việc về công tác tổ chức kỹ thuật Công ty QLB miền Bắc.

Mục tiêu tái cơ cấu tổ chức kỹ thuật trong toàn Tổng công ty là nhằm xây dựng mô hình tổ chức của các đơn vị trong toàn TCT thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, tên gọi phù hợp với sự phát triển trong tương lai; Tăng khả năng phát huy hết nguồn lực hiện có; Xây dựng tổ chức kỹ thuật gọn nhẹ, linh hoạt trong điều hành hoạt động kỹ thuật, sẵn sàng bổ trợ giúp đỡ lẫn nhau; Thuận lợi cho việc xây dựng định biên, phân cấp chuyên môn kỹ thuật và áp dụng quy chế phân phối tiền lương; Quản lý chặt chẽ về hành chính, tham gia các tổ chức Đảng, Đoàn thể; Không làm xáo trộn lớn gây ảnh hưởng tới công tác điều hành bay hiện tại; Đảm bảo không tăng số lượng lao động so với hiện tại; Phương thức tổ chức phải đảm bảo đáp ứng linh hoạt theo sự phát triển của ngành Quản lý bay.

Theo mô hình mới, tổ chức kỹ thuật của các đơn vị gồm 3 bộ phận: (1) Cơ quan quản lý kỹ thuật (phòng Kỹ thuật); (2) Cơ quan trực tiếp bảo đảm kỹ thuật (Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật) (3) Tổ kỹ thuật tại đài KSKL sân bay địa phương.

(1)Phòng kỹ thuật: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Giám đốc Công ty về công tác bảo đảm kỹ thuật, phục vụ công tác Điều hành bay, công tác huấn luyện kỹ thuật và công tác kỹ thuật khác.

(2)Trung tâm bảo đảm kỹ thuật: là đơn vị cơ sở trực tiếp cung cấp dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát phục vụ công tác điều hành bay cho Trung tâm kiểm soát Đường dài, Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Tại sân, các Đài chỉ huy thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Công ty và cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác theo các văn bản hiệp đồng.

 Nhiệm vụ cụ thể là: Quản lý, khai thác và bảo trì bảo dưỡng toàn bộ trang thiết bị kỹ thuật của Đơn vị, Công ty; Trực tiếp chỉ đạo hoạt động kỹ thuật tại Trung tâm điều hành bay ACC, APP, TWR, Trung tâm hiệp đồng; Thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật (Giám sát, theo dõi tình trạng kỹ thuật; Thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng, huấn luyện và đánh giá nhân viên kỹ thuật; Lập các quy trình kỹ thuật; Lập các kế hoạch kỹ thuật)... cho hệ thống thiết bị kỹ thuật và nhân viên kỹ thuật tại các Đài KSKL sân bay địa phương.

Trung tâm BĐKT được tổ chức thành các Đội mang tính chuyên ngành và khu vực địa lý đặc thù như sau: Đội Thông tin, Đội Radar (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Quy Nhơn), Đội Công nghệ thông tin, Đội bảo đảm môi trường (Điện nguồn, điện cơ, điện lạnh, chống sét...), Đội kỹ thuật đài KSKL (Nội Bài, Tân Sơn Nhất), Đội Kỹ thuật xa (Vinh, Cà Mau). Trong các đội sẽ gồm có 03 bộ phận: các Kíp trực kỹ thuật được bố trí trực theo ca, các Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật làm việc hành chính, các Tổ kỹ thuật tại các trạm kỹ thuật xa.

(3)Tổ kỹ thuật tại đài KSKL sân bay địa phương: là lực lượng kỹ thuật bảo đảm trực kỹ thuật, vận hành khai thác theo đúng các quy trình, quy định kỹ thuật các hệ thống thiết bị kỹ thuật được giao tại các đài KSKL sân bay địa phương.

Theo đó, về quản lý hành chính: Giám đốc trực tiếp quản lý Phòng kỹ thuật, Trung tâm bảo đảm kỹ thuật; Phòng kỹ thuật trực tiếp quản lý nhân viên Phòng kỹ thuật; Trung tâm bảo đảm kỹ thuật trực tiếp quản lý các bộ phận kỹ thuật tại ACC, APP, TWR (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng) và các đài trạm kỹ thuật xa; Các bộ phận kỹ thuật sân bay địa phương:  do Đài kiểm soát không lưu quản lý.

Về cơ bản, tái cơ cấu tổ chức kỹ thuật không thay đổi lớn về mô hình tổ chức hệ thống quản lý kỹ thuật và không làm tăng thêm số lượng lao động so với hiện tại, giảm cấp và số lượng cán bộ lãnh đạo kỹ thuật.

Trong giai đoạn chuyển đổi trước mắt, việc bố trí và chế độ chính sách đối với cán bộ các cấp được xây dựng trên nguyên tắc: Luân chuyển, kiêm nhiệm, phụ trách, bảo lưu chế độ chính sách trong một khoảng thời gian... sau đó sẽ  thực hiện các bước, quy trình cần thiết theo quy định.

 

Tái cơ cấu là một chương trình trọng tâm trong kế hoạch hành động của TCT. Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã được  Bộ giao thông vận tải phê duyệt kèm theo Quyết định số 2022/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2014. Đây là đề án tái cơ cấu toàn diện với nội dung thuộc các lĩnh vực không lưu, Thông báo tin tức Hàng không, An toàn – Tìm kiếm cứu nạn, Khí tượng, Kỹ thuật (Thông tin – dẫn đường – giám sát), Công nghiệp Hàng không, Đầu tư, Tài chính, Mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp, Nguồn nhân lực, Đào tạo – Huấn luyện, Công nghệ… Trong đó, tái cơ cấu chuyên ngành kỹ thuật là một nội dung rất quan trọng.

Tái cơ cấu chuyên ngành kỹ thuật được xây dựng, triển khai trong những năm vừa qua và đã được HĐTV TCT phê duyệt với những nội dung chính, bao gồm:

- Chuẩn hóa các hoạt động kỹ thuật: Thông qua bộ tài liệu “Quy định về công tác quản lý kỹ thuật”…

- Tiêu chuẩn hóa con người tham gia trực tiếp trong dây chuyền cung cấp dịch vụ kỹ thuật: Thông qua bộ tài liệu “Tiêu chuẩn cấp bậc chuyên môn kỹ thuật QLB”…

- Chuẩn hóa các quy trình tác nghiệp kỹ thuật: Thông qua “Hệ thống văn bản quy trình khai thác, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị kỹ thuật” …

- Kế hoạch, yêu cầu, lộ trình: duy trì các thiết bị hiện tại; Đầu tư thay thế và lắp đặt mới các thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu điều hành bay và chương trình CNS/ATM mới…

- Thống nhất một số tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng chung trong toàn TCT: Chống sét, hệ thống cung cấp nguồn, tần số VHF, tổ chức hệ thống AMHS, chức năng hệ thống ATM…

- Sắp xếp, tổ chức lại mô hình quản lý kỹ thuật: Thông qua “Đề án tổ chức lại hệ thống đảm bảo kỹ thuật trong toàn TCT”…

Tổ chức lại mô hình quản lý kỹ thuật là một trong chương trình TCC chuyên ngành kỹ thuật được triển khai. Các chương trình khác đã và đang được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014 – 2015.

 

TTPĐ.

Thông báo