17/01/2025
VATM: Chuyển đổi phương thức bay đi đến SID/STAR RNAV 1 tại Tân Sơn Nhất
Trực tiếp tham gia chỉ đạo tại Trung tâm Kiểm soát không lưu tiếp cận Hồ Chí Minh có Chủ tịch Hội đồng thành viên Đinh Việt Thắng và Tổng Giám đốc Phạm Việt Dũng; Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Khánh và đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý hoạt động bay Cục Hàng không Việt Nam cùng các đồng chí là lãnh đạo các Ban Không lưu, Kỹ thuật, An toàn - An ninh của Tổng công ty.
Lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp tham gia chỉ đạo chuyển đổi phương thức bay tại Trung tâm kiểm soát không lưu tiếp cận Hồ Chí Minh
Theo kế hoạch, tất cả các chuyến bay có giờ cất cánh/hạ cánh dự kiến từ 07 giờ 01 giờ địa phương ngày 10 tháng 11 năm 2016 đều được lập kế hoạch bay theo phương thức mới. Đúng 7 giờ 01 giờ Hà Nội, Tổng công ty chính thức chuyển đổi phương thức điều hành bay đi/đến SID/STAR RNAV 1 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng tại thời điểm đó, đã có 09 chuyến bay cất cánh và 03 chuyến bay hạ cánh của 03 hãng hàng không quốc nội và 04 hãng quốc tế đã được lập kế hoạch bay theo phương thức mới. Tất cả các chuyến bay đều được điều hành tuyệt đối an toàn theo đúng lộ trình đã định.
Lãnh đạo Tổng công ty trao quà động viên, chúc mừng cán bộ, nhân viên, kiểm soát viên không lưu công ty Quản lý bay miền Nam
Ngay sau khi chuyển đổi thành công, lãnh đạo Tổng công ty đã tặng hoa và trao quà động viên, chúc mừng cán bộ, nhân viên, kiểm soát viên không lưu của toàn Tổng công ty nói chung và của Công ty Quản lý bay miền Nam nói riêng.
Lãnh đạo Tổng công ty tặng hoa chúc mừng cán bộ, nhân viên, kiểm soát viên không lưu đã thực hiện chuyển đổi thành công
Như tin đã đưa, phương thức bay mới này sẽ cho phép giảm yêu cầu dẫn dắt bằng rađa, rút ngắn quãng đường dẫn dắt, giảm cường độ liên lạc, cường độ làm việc của kiểm soát viên không lưu và người lái; tăng khả năng giám sát và điều hành tàu bay; hạn chế tối đa các luồng tàu bay đi/đến hội tụ về cùng một điểm và giảm thiểu số điểm giao cắt; giúp kiểm soát viên duy trì độ giãn cách tiêu chuẩn chính xác hơn, an toàn hơn; tối ưu hóa năng lực, khả năng thông qua tại vùng trời và tăng năng lực tổng thể từ 10 đến 15% so với phương thức bay truyền thống; giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.
Có thể nói, đây là một quá trình chuẩn bị rất công phu, tập trung trí tuệ của toàn Tổng công ty trên tất cả các lĩnh vực. Từ tháng 10/2015, để chuẩn bị cho việc áp dụng phương thức bay cất/hạ cánh mới tại Tân Sơn Nhất, nhiều chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực không lưu, kỹ thuật, an toàn, quản lý hoạt động bay, thiết kế vùng trời, xây dựng phương thức bay và bản đồ của Tổng công ty đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Cục Hàng không và bộ Quốc phòng cùng với các phi công có nhiều kinh nghiệm của Việt Nam Airlines tích cực nghiên cứu, xây dựng phương thức bay; đánh giá rà soát những tác động, ảnh hưởng đến hoạt động bay của hàng không dân dụng và quân sự; đề xuất phương án ứng phó; phân tích về những rủi ro, hiệu quả kinh tế và những tác động đến hiệu suất lao động, môi trường,… từ đó có căn cứ xây dựng đề án báo cáo Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng phê duyệt trước khi thực hiện.
Theo quy định của ICAO, ngày 29 tháng 9 năm 2016, Việt Nam đã chính thức công bố Quốc tế việc chuyển đổi phương thức bay SID/STAR RNAV1 tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Khánh - Trưởng đoàn kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị chuyển đổi phương thức bay tại Công ty Quản lý bay miền Nam
Trước đó, đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam do Phó Cục trưởng Đỗ Quang Việt chỉ đạo đã đến kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện chuyển đổi tại Công ty Quản lý bay miền Nam. Từ ngày 05/11, đoàn công tác của Tổng công ty do Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Khánh phụ trách đã tiến hành kiểm tra đánh giá công tác chuẩn bị tại Công ty Quản lý bay miền Nam về việc cài đặt cơ sở dữ liệu vào hệ thống thiết bị kỹ thuật, công tác huấn luyện đào tạo, về quản lý sự thay đổi và đánh giá an toàn,… để đảm bảo cho việc chuyển đổi phương thức bay mới không xảy ra sai sót.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tăng năng lực, chất lượng điều hành bay của Tổng công ty, tạo nền tảng vững chắc góp phần thực hiện thắng lợi Đề án “Nâng cao năng lực điều hành bay” của Tổng công ty đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Ban Biên tập