VATM – một chặng đường lịch sử vẻ vang gắn liền với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền bầu trời Tổ quốc

thứ năm, 17/04/2025 09:53

Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành, xây dựng và phát triển kể từ khi ra đời tổ chức tiền thân đầu tiên, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã trở thành lực lượng nòng cốt của ngành Hàng không Việt Nam, giữ vững chủ quyền vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ảnh bìa, anh 1-1
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Đài chỉ huy sân bay Gia Lâm trong ngày tiếp quản 10-10-1954

Khởi đầu từ một lá cờ đỏ sao vàng trên Đài chỉ huy sân bay Gia Lâm 1954
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ (1954), ngày 10/10/1954, cùng với việc tiếp quản thành phố Hà Nội, chúng ta đã tổ chức tiếp quản sân bay Gia Lâm. Trên đài chỉ huy, lá cờ Pháp được kéo xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió thu Hà Nội.
Đúng 0 giờ ngày 01/01/1955, từ sân bay Gia Lâm, một bức điện đã phát lên không trung báo cho toàn thế giới được biết “Kể từ 0 giờ ngày 01/01/1955 theo giờ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn vào ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra đều phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội”
Bức điện lịch sử này đã khẳng định quyền làm chủ bầu trời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đánh dấu sự ra đời của Cơ quan điều phái, tổ chức cung cấp dịch vụ không lưu đầu tiên của ngành Quản lý bay Việt Nam- Tiền thân của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hiện nay.
Trong suốt hai thập kỷ kháng chiến chống Mỹ, các cán bộ, chiến sĩ Quản lý bay đã không quản ngày đêm chỉ huy hàng nghìn chuyến bay vận tải hành khách, hàng hoá góp phần khôi phục nền kinh tế miền Bắc; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay vận tải quân sự, phục vụ điều hành các chuyến bay chuyên cơ chở các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác…góp phần trực tiếp vào thắng lợi vĩ đại mùa xuân năm 1975 – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổ chức chỉ huy, điều hành tại  sân bay  Gia Lâm sau  tiếp quản 1954
Kíp trực trên Đài chỉ huy sân bay Gia Lâm 

Xây dựng – đổi mới – vượt khó (1976–1992)
Sau ngày đất nước giải phóng, để đầu tư phát triển ngành Hàng không dân dụng, ngày 11/02/1976, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 28-CP thành lập Tổng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Ngành Hàng không tách khỏi Quân chủng Phòng không- Không quân. Cục Quản lý bay là một thành viên trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục. Trải qua 15 năm, ngành Quản lý bay đã nhiều lần thay đổi về tên gọi và cơ cấu tổ chức.
Quản lý bay bước vào thời kỳ tái thiết với muôn vàn thử thách. Thiếu thốn trang thiết bị, áp lực kinh tế, và sự cấm vận khốc liệt từ bên ngoài, nhưng tập thể đơn vị vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ huy điều hành các chuyến bay vận chuyển hàng triệu lượt khách và hàng nghìn tấn hàng hóa. Tham gia điều hành đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hàng trăm chuyến bay chuyên cơ chở các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác trong và ngoài nước. Chỉ huy điều hành phục vụ bay làm nhiệm vụ quốc tế và kinh tế xã hội…
Năm 1990, Công ty Quản lý bay Hàng không Việt Nam (gọi tắt là Công ty Quản lý bay) được thành lập trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, đánh dấu bước chuyển mình sang cơ chế hoạt động mới – chủ động, chuyên nghiệp và phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa.
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, trang thiết bị lạc hậu, cán bộ, nhân viên ngành Quản lý bay vẫn vững vàng, bản lĩnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động bay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và đối ngoại.

1
Tham gia điều hành bay phục vụ chiến trường Tây Nam, năm 1978

1994 – Giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh: Mốc son lịch sử
Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (phần công hải quốc tế trên biển Đông) từng bị chia cắt và giao cho nước ngoài điều hành từ tháng 4 năm 1975. Đây là một phần chủ quyền quốc gia trên không phận, gắn liền với lợi ích kinh tế, an ninh quốc phòng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và sự nỗ lực phi thường của đội ngũ cán bộ Quản lý bay và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, chúng ta đã thực hiện thành công quá trình hiện đại hóa hệ thống kiểm soát không lưu và đào tạo nhân lực, đáp ứng toàn diện 6 tiêu chí do ICAO yêu cầu.
Ngày 08/12/1994, Việt Nam chính thức tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Đây là mốc son trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao và an ninh quốc phòng, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc giành lại quyền điều hành phần phía nam FIR Hồ Chí Minh đã góp phần tăng trưởng đột biến về sản lượng điều hành bay và đã thu về cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. 
Hiện đại hóa – hội nhập – phát triển toàn diện (1993–nay)
Ngày 20-4-1993, Công ty Quản lý bay được chuyển đổi tổ chức thành Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam. Từ đây, Quản lý bay Việt Nam đã chính thức tách khỏi Tổng công ty Hàng không Việt Nam, trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam. 
Kể từ năm 1993, Quản lý bay lần lượt chuyển đổi mô hình hoạt động từ đơn vị sự nghiệp có thu sang doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, và đến năm 2010, Tổng Công ty chuyển thành Công ty mẹ- Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không trong nước và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.
VATM không ngừng đầu tư hiện đại hóa hạ tầng, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác điều hành bay. Tổng công ty hiện đang quản lý và khai thác các hệ thống cơ sở điều hành bay hiện đại gồm: 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài (ACC Hà Nội, ACC Hồ Chí Minh), 04 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận (APP Nội Bài, APP Đà Nẵng, APP Cam Ranh, APP Tân Sơn Nhất), 22 Đài kiểm soát tại các sân bay có kiểm soát; Các hệ thống radar sơ cấp, thứ cấp, giám sát mặt đất và ADS-B hiện đại…VATM hiện có hơn 4.000 lao động, trong đó có khoảng 800 kiểm soát viên không lưu được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Thành tựu vẻ vang – Xứng danh Anh hùng thời kỳ đổi mới
Với những thành tích to lớn, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000), Huân chương Độc lập hạng Ba (2006); Các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Cờ thi đua của Chính phủ trong nhiều năm.
Đặc biệt, năm 2009, vượt lên trên 108 quốc gia, Tổng công ty vinh dự được Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới (IATA) trao tặng giải thưởng Đại Bàng. Đây là giải thưởng do các hãng vận tải Hàng không thế giới bầu chọn, được tổ chức trao tặng hàng năm, nhằm tôn vinh các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có chất lượng nổi bật.
32 năm qua kể từ ngày chính thức thành lập (20/4/1993), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã điều hành gần 12 triệu chuyến bay an toàn, là lực lượng nòng cốt đảm bảo an toàn hàng không quốc gia. Hành trình ấy là bản anh hùng ca lặng lẽ nhưng đầy tự hào của những người làm công tác bảo đảm hoạt động bay – những người lặng thầm giữ gìn bầu trời Tổ quốc.
VATM sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng đổi mới – sáng tạo – hội nhập quốc tế, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
   

 Phương Hằng
 

Thông báo