31/12/2024
VATM: phối hợp tham gia tìm kiếm hộp đen máy bay SU-30MK2
Như tin đã đưa, vào sáng 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ít phút sau, lúc 7h29, tín hiệu từ chiếc tiêm kích biến mất. Sau khi nhận được thông tin về máy bay mất tích trong khi đang huấn luyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên Đinh Việt Thắng và Tổng giám đốc Phạm Việt Dũng trực tiếp xuống chỉ đạo công tác phối hợp, tìm kiếm máy bay mất liên lạc tại Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không. Tổng công ty đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không – Không quân để thống nhất phương án tìm kiếm máy bay SU-30MK2.
Cũng ngay trong sáng ngày 14/6/2016, Tổng công ty đã cử một đoàn công tác gồm các cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không cùng với thiết bị dò tìm hộp đen thế hệ mới vào vùng biển Nghệ An tham gia tìm kiếm hộp đen máy bay mất tích.
Thiết bị dò tìm hộp đen máy bay của VATM
Thiết bị dò tìm hộp đen của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là dòng thiết bị thế hệ mới do Công ty RJE Internetional của Mỹ cung cấp. Thiết bị gồm có 03 bộ máy thu định hướng trên mặt nước và 01 bộ máy thu định hướng dành riêng cho thợ lặn. Thiết bị làm việc dựa trên những tín hiệu âm tần thu được từ hộp đen tàu bay phát ra, với khoảng cách tối đa là 750m đối với máy thu định hướng trên mặt nước và 1km đối với máy thu định hướng dành cho thợ lặn. Khi thu được tín hiệu này, trên màn hình thiết bị tìm kiếm sẽ nhấp nháy và các mũi tên sẽ hiển thị một phạm vi và hướng tới hộp đen giúp cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn xác định được vị trí của hộp đen, để nhanh chóng xác định vị trí của máy bay tai nạn.
Màn hình radar hiển thị trên tàu biển
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư hệ thống thiết bị tìm kiếm hộp đen để thực thi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không tại 03 khu vực miền Bắc - Trung - Nam. Việc từng bước trang bị phương tiện hiện đại phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn Hàng không tại Tổng công ty góp phần tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không theo khuyến cáo của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO. Đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tìm kiếm cứu nạn hàng không sớm tiếp cận, khai thác và sử dụng các thiết bị tìm kiếm cứu nạn hiện đại, nâng cao năng lực chuyên môn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Ban Biên tập